Theo đó, Kế hoạch đưa ra một số kết quả và chỉ số cần đạt: Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm NLTS xếp loại A, B đạt 99%; tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm đạt từ 92% và 70% cơ sở được kiểm tra việc tuân thủ cam kết đã ký.
Diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được áp dụng. Thực hành nông nghiệp tốt - GAP (như VietGAP hoặc tương đương) tăng 10% so với năm 2022; tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm NLTS được chứng nhận HACCP, ISO 2200 (hoặc tương đương) tăng tương ứng 10% và 15% so với năm 2022; tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu (làm sẵn, ăn liền) tăng 10% so với năm 2022; tỷ lệ mẫu thực phẩm NLTS giám sát trên diện rộng vi phạm quy định về ô nhiễm sinh học, tạp chất, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh giảm 10% so với năm 2022.
Đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý chất lượng NLTS; trên 80% cán bộ quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về chuyên môn nghiệp vụ.
Để đạt được các mục tiêu trên, Kế hoạch đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng NLTS năm 2023 có 04 nhiệm vụ trọng tâm:
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành
Tiếp tục chỉ đạo điều hành gắn kết chặt chẽ công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản với các nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; tăng cường công tác kiểm soát ATTP nông, lâm, thủy sản nhất là đảm bảo ATTP gắn với du lịch và mùa lễ hội; rà soát các quy định về thu, nộp, quản lý, sử dụng phí và lệ phí thực hiện quản lý chất lượng, ATTP để đảm bảo nguồn kinh phí cho các cơ quan, đơn vị được phân công, phân cấp thực hiện.
Măt khác, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP, chế biến, phát triển thị trường nông sản; tăng cường quản lý đảm bảo ATTP đối với làng nghề thực phẩm, chợ thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian, điều kiện thủ tục hành chính, đặc biệt trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng kiểm soát ATTP trong các chuỗi giá trị nông sản; tiếp tục xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu chất lượng, an toàn thực phẩm và hệ thống truy xuất nguồn gốc NLTS trên địa bàn tỉnh.
Thông tin, truyền thông về chất lượng ATTP:
Triển khai đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng, ATTP của Việt Nam và thị trường nhập khẩu, nhất là các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn mới . Đồng thời, cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin về an ninh, ATTP đến các cơ quan truyền thông để kịp thời biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn; công bố công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật bị xử lý theo quy định.
Triển khai các chương trình phối hợp tuyên truyền, giám sát sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững, giai đoạn 2021- 2025; vận động toàn dân thực hiện giám sát thực thi pháp luật, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm ATTP, buôn lậu, gian lận thương mại.
Thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về ATTP NLTS
Tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát theo kế hoạch hoặc đột xuất trên diện rộng sản phẩm thực phẩm NLTS có rủi ro cao, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đảm bảo thẩm định chứng nhận đầy đủ cơ sở đủ điều kiện đảm bảo ATTP, tăng cường vận động cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ ký cam kết và kiểm tra ký cam kết theo qui định…
Chủ động kịp thời xử lý sự cố ATTP, đàm phán giải quyết các rào cản kỹ thuật mở rộng thị trường tiêu thụ NLTS tại thị trường trong nước và quốc tế. Hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu NLTS.
Sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn
Tập trung phát triển và nhân rộng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, theo hướng gắn với phục vụ phát triển du lịch. Mở rộng vùng nguyên liệu, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là các dự án liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học kỹ thuật và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào trong sản xuất, chế biến NLTS và đảm bảo ATTP.
Phát huy hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm xây dựng, phát triển sản phẩm đặc sản, đặc trưng có lợi thế của địa phương, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa gắn với du lịch; khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức cá nhân đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, phát triển các nhãn hiệu sản phẩm thực phẩm có gắn tên địa danh.
Bên cạnh đó, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; tăng đầu tư cải thiện điều kiện ATTP trong giết mổ, sơ chế, bảo quản, bày bán nông sản, thủy sản tươi sống; đẩy mạnh hoạt động cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, tổ chức liên kết, nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm NLTS chất lượng, an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc... Đẩy mạnh kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm NLTS trong tỉnh thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh. Ngoài ra, hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu, tổ chức truyền thông quảng bá, kết nối và xúc tiến thương mại sản phẩm trong và ngoài nước,..
Thanh Thủy