Mục tiêu kiểm soát ATTP trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm, phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng. Phấn đấu 90% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng, người quản lý được cập nhật kiến thức về ATTP; 90% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đảm bảo điều kiện ATTP; Tỷ lệ mẫu vượt mức cho phép/tổng số mẫu được kiểm tra ATTP trong các chương trình giám sát về ATTP nông sản <6%; Tỷ lệ mẫu vượt mức cho phép/tổng số mẫu được kiểm tra ATTP trong các chương trình giám sát về ATTP thủy sản <4%.
Thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm
Trong năm 2023, tỉnh Quảng Nam sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm trong sản xuất, chế biến và kinh doanh. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh hóa chất và các vật tư nông nghiệp; đảm bảo sử dụng đúng chủng loại, liều lượng, thời gian cách ly của các loại vật tư nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Duy trì thực hiện việc giám sát, kiểm tra tồn dư hóa chất độc hại trong nông sản, thủy sản. Kiểm tra việc thực hiện các quy định đảm bảo điều kiện ATTP trong toàn bộ chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn. Ngăn chặn có hiệu quả việc kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc và gian lận thương mại. Quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử nông sản, thủy sản.
Thiết lập hệ thống giám sát
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai kế hoạch giám sát các chỉ tiêu ATTP trên sản phẩm nông lâm thủy sản (đặc biệt tập trung các sản phẩm chủ lực của tỉnh, trong đó có mặt hàng thủy sản, các sản phẩm từ thủy sản) tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản và các chợ đầu mối, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.
Kiểm tra tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc thú y, hóa chất dùng trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Quản lý chặt chẽ việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo phân công, phân cấp quản lý. Tăng cường công tác quản lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo phân cấp tại các tuyến.
Kiểm soát chuỗi thực phẩm an toàn
Hỗ trợ xây dựng và áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến. Duy trì, nhân rộng và hình thành các chuỗi cung cấp sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trong năm 2023. Đẩy mạnh hỗ trợ cơ sở xây dựng, áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (như VietGAP, HACCP,…) và phát triển các mô hình sản xuất hữu cơ.
Đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ (nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường) trong sản xuất và chế biến thực phẩm. Khuyến khích, hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm ứng dụng công nghệ cao và kết nối chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn.
Tăng cường giám sát lưu thông thực phẩm
Kiểm tra, kiểm soát thực phẩm lưu thông trên thị trường nhằm phát hiện hành vi vi phạm ghi nhãn hàng hoá, hàng giả, hàng nhái, hàng không bảo đảm chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng không có nguồn gốc, xuất xứ. Xử lý vi phạm bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng công nghiệp, mã số - mã vạch, hàng Việt Nam chất lượng cao...
Thực hiện chương trình giám sát thông qua việc lấy mẫu sản phẩm nông sản, thủy sản để phân tích các chỉ tiêu ATTP, chương trình kiểm soát dư lượng các chất độc hại trên thủy sản nuôi. Tăng cường số mẫu giám sát về ATTP trong tất cả các lĩnh vực: nông sản và thủy sản.
Ngọc Thúy - FICen