Thẩm quyền quản lý ATTP của ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận (06-12-2022)

Mới đây, tỉnh Bình Thuận đã thực hiện phân công, phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh; nhờ đó tránh được chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Thẩm quyền quản lý ATTP của ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận
Ảnh minh họa

Ngày 28 tháng 11 năm 2022, tại Quyết định 36/2022/QĐ-UBND, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã phân công Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản. Theo đó, Sở có trách nhiệm chủ trì tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý ATTP nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh; Quản lý ATTP trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh...; Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về ATTP nông lâm thủy sản; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn, cơ sở dữ liệu về công tác quản lý chất lượng ATTP nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh; Đặc biệt là tổ chức thẩm định, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản; tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên.

Trong danh mục các sản phẩm/ nhóm sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thủy sản và sản phẩm thủy sản: (1) Thủy sản sống, tươi, ướp đá, bảo quản lạnh (dạng nguyên con, sơ chế, fillet, xay, viên, cắt lát, bóc vỏ, cán mỏng,…); (2) Phụ phẩm thủy sản dùng làm thực phẩm (da, vây, bóng, mỡ, gan, trứng,… của các loài thủy sản); (3) Sản phẩm chế biến từ thủy sản và các phụ phẩm thủy sản dùng làm thực phẩm (lên men, dạng mắm, gia nhiệt, xông khói, khô, ướp muối, ngâm nước muối, bao bột, ngâm dầu, dịch chiết, nước ép, gelatin, collagen… kể cả có sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến); (4) Mỡ và dầu có nguồn gốc từ thủy sản được tinh chế hoặc chưa tinh chế dùng làm thực phẩm; (5) Sản phẩm thủy sản phối trộn với bột, tinh bột, bao bột, sữa chế biến, dầu thực vật (bao gồm cả phồng tôm, cá, mực,…); (6) Rong biển, tảo và các sản phẩm sản xuất từ rong biển, tảo dùng làm thực phẩm.

Chi cục Thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận phân công quản lý ATTP trong chuỗi thực phẩm thủy sản. Cụ thể: Chi cục Thủy sản quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản; khai thác thủy sản (tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét trở lên); và cảng cá. Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản quản lý hoạt động thu mua, sơ chế, chế biến (bao gồm cả tàu cá thu mua, chế biến; hoạt động nuôi trồng gắn cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến), kho lạnh độc lập; lưu thông tiêu thụ (chợ đầu mối, chợ đấu giá, cơ sở chuyên doanh, phương tiện vận chuyển độc lập).

Ngoài ra, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản còn được phân công quản lý sản phẩm hỗn hợp, phối chế, cơ sở sản xuất nước đá, sản phẩm khác thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương. Cụ thể là hoạt động sơ chế, chế biến, kho lạnh bảo quản nông lâm thủy sản, cơ sở sản xuất vật liệu bao gói gắn liền với cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản, lưu thông, tiêu thụ, xuất nhập khẩu; nước đá dùng cho bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác