Mục tiêu chung của Kế hoạch là triển khai có hiệu quả Đề án “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021-2030”, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của Nhân dân; nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông lâm thủy sản Ninh Thuận tại thị trường trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, Kế hoạch còn đề ra mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2025: Diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Thực hành nông nghệp tốt - GAP tăng 10%; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm; tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 22000 tăng tương ứng 10%/năm và 15%/năm; tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu (làm sẵn, ăn liền) tăng 10% và tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát vi phạm các quy định an toàn thực phẩm giảm 10%.
Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2026-2030: Diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Thực hành nông nghệp tốt - GAP tăng 15%; duy trì 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm; tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 22000 tăng tương ứng 15%/năm và 20%/năm; tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu (làm sãn, ăn liền) tăng 15% và tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát vi phạm các quy định an toàn thực phẩm giảm 10%.
Để đạt được các mục tiêu trên, Kế hoạch đã đưa ra 07 nhiệm vụ, giải pháp, bao gồm: Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển các vùng sản xuất, chăn nuôi nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, nâng cấp hệ thống chợ đầu mối/trung tâm cung ứng, chợ bán lẻ nông lâm thủy sản, hoàn thiện chuỗi giá trị nông lâm thủy sản; Triển khai hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật và thông tin, truyền thông về chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; Nghiên cứu, chuyển giao, tập huấn ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số đảm bảo năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc; Tăng cường năng lực thực thi chính sách pháp luật, đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản đối với cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; Tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc quản lý, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm; Phối hợp, huy động các nguồn lực nhà nước và xã hội trong đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, phát triển vùng sản xuất chứng nhận GAP, khuyến khích cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản áp dụng, chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng HACCP, ISO 22000, phát triển sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; Phát triển thị trường nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn.
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân các huyện, thành phố tổ chức thực hiện Kế hoạch này, chủ động lồng ghép mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch với các kế hoạch, dự án và các Chương trình mục tiêu quốc gia có liên quan do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện.
Phối hợp, hỗ trợ, xúc tiến hợp tác, liên kết giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức về kỹ thuật sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp, an toàn thực phẩm, đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ hàng năm cho đối tượng làm công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tại địa phương.
Phối hợp với Sở Công Thương cập nhật thường xuyên thông tin giá cả, tình hình và dự báo thị trường trong và ngoài nước từ các tổ chức, hiệp hội ngành hàng, cơ quan quản lý chuyên ngành Trung ương và địa phương…để phổ biến, thông tin kịp thời đến người dân, doanh nghiệp; tăng cường công tác xúc tiến thương mại tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, thủy sản.
Sở Công Thương: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thủy sản tại chuỗi siêu thị, các cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống…, sàn thương mại điện tử của ngành Công Thương, tham gia các Hội chợ triển lãm chuyên ngành có uy tín được tổ chức hàng năm trong khu vực và trên thế giới để quảng bá, tiếp thị sản phẩm, tìm kiếm đối tác mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và triển khai các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thủy sản tại địa phương; hỗ trợ xây dựng các điểm kinh doanh sản phẩm an toàn; tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng an toàn tại địa phương.
Phối hợp với các Sở, ngành kiểm soát an toàn thực phẩm sản phẩm nông lâm thủy sản; triển khai mô hình điểm kiểm soát an toàn thực phẩm tại các cơ sở chế biến, chợ, siêu thị kinh doanh thực phẩm thủy sản.
Bên cạnh đó, ưu tiên bố trí quỹ đất cho các khu, cụm chế biến nông sản, thủy sản tập trung gắn với vùng nguyên liệu; đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất chế biến sản phẩm nông nghiệp tại địa phương.
Ánh Nguyệt