Kiểm soát an toàn thực phẩm: Cần phải xây dựng hệ thống thông tin quốc gia (13-11-2018)

Ngày 12/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm (BCĐ TW). Tham dự còn có đại diện của các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương.
Kiểm soát an toàn thực phẩm: Cần phải xây dựng hệ thống thông tin quốc gia
Ảnh minh họa

Xác định an toàn thực phẩm là vấn đề được xã hội quan tâm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, thời gian qua, các cấp, các ngành và chính quyền các địa phương đã có nhiều cố gắng trong quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP). Qua đó, nhận thức về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và toàn xã hội đã từng bước được nâng lên rõ rệt. Nhằm thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm ATTP, BCĐ TW đã phối hợp với các cấp, các ngành và cơ quan chức năng tích cực tuyên truyền và tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về ATTP.

Hiện nay, rất nhiều thông tin cần thiết phục vụ công tác quản lý ATTP từ trung ương đến địa phương như: số liệu ngộ độc; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; các sản phẩm thực phẩm đăng ký công bố, tự công bố; các cơ sở đủ điều kiện ATTP… được thu thập và xử lý báo cáo chủ yếu dựa trên hệ thống báo cáo hành chính. Do đó, việc xử lý dữ liệu về ATTP kéo dài, cập nhật chưa kịp thời, thiếu sự thống nhất.

Để phục vụ tốt hơn cho công tác điều hành của BCĐ TW, công tác quản lý của các bộ, ngành, địa phương, các ý kiến tại cuộc họp đã thảo luận, xem xét, thống nhất nguyên tắc về đề xuất xây dựng và vận hành hệ thống thông tin ATTP cập nhật theo thời gian thực từ trung ương đến địa phương và các bộ ngành có liên quan trong công tác quản lý ATTP. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Việt Nam đã tham gia ký kết vào các hiệp định thương mại tư do đã tạo ra nhiều cơ hội đi kèm với nó không ít những thách thức. Trong đó, những thách thức liên quan đến các rào cản kỹ thuật, trong đó, các tiêu chuẩn về ATTP đã được các thị trường áp dụng với tiêu chí ngày càng cao. Chính vì vậy, việc thiết lập hệ thống thông tin ATTP để công khai, minh bạch tất cả những tác nhân tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến, ưu thông, tiêu dùng thực phẩm là việc làm rất cần thiết hiện nay. Hệ thống này không chỉ thông suốt từ Trung ương xuống địa phương, liên thông giữa các bộ ngành mà phải đến từng tổ chức, cá nhân, đặc biệt là hàng triệu hộ gia đình đang sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Thời gian qua, hệ thống thông tin ATTP bước đầu được xây dựng và triển khai tại Cục ATTP (Bộ Y tế) và được thí điểm tại một số địa phương. Trong đó, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…là những địa phương triển khai nhiều giải pháp để thực hiện đảm bảo vệ sinh ATTP.

Tại Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 169/KH-UBND về việc triển khai mô hình hệ thống cảnh báo nhanh về ATTP giai đoạn 2018 - 2020. Theo Kế hoạch, Hà Nội sẽ xây dựng và tổ chức hệ thống cảnh báo nhanh về ATTP trên địa bàn toàn thành phố. Ở tuyến thành phố, hệ thống này sẽ do 3 cơ quan chính phụ trách gồm Chi cục ATVSTP – Sở Y tế, Chi cục Quản lý thị trường - Sở Công Thương, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản, thủy sản - Sở Nông nghiệp & PTNT. Các đơn vị đầu mối có trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP của ngành Y tế, ngành Nông nghiệp và PTNT, ngành Công Thương tổ chức kiểm tra giám sát chất lượng nhóm thực phẩm trên địa bàn theo phân cấp; Xây dựng, tổ chức hệ thống/bộ máy cảnh báo nhanh về ATTP trên địa bàn toàn Thành phố với 3 cấp: TP; quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Các điểm cảnh báo ATTP từ thành phố xuống quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn có quyết định thành lập hệ thống cảnh báo nhanh, phân công cụ thể cán bộ phụ trách tiếp nhận thông tin và được kết nối hoạt động với điểm cảnh báo Trung tâm.

Nhận thức được tầm quan trọng của lĩnh vực đảm bảo an toàn thực phẩm, từng bước đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa để hội nhập thị trường thế giới, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn.

Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch “Xây dựng mô hình thí điểm và triển khai thực hiện phương án quản lý thực phẩm theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn tại Thành phố Hồ Chí Minh”. Đặc biệt, là coi trọng sự cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố khác trong việc cung ứng, tạo nguồn thực phẩm cho thành phố không chỉ về số lượng mà cả về chất lượng, cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm. Tính đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã thiết lập hệ thống quản lý giám sát sản phẩm xuyên suốt từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng; đặc biệt là trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh từ công đoạn sản xuất ban đầu đến sơ chế, chế biến, phân phối … nhằm mục tiêu cung cấp thực phẩm an toàn người dân thành phố. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng chợ phiên nông sản an toàn là nơi chuyên kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, chợ nông sản an toàn được mở mỗi tuần một ngày. Đến nay, sau hơn 2 năm đưa mô hình này vào hoạt động, chợ phiên đã được tổ chức tại 10 địa điểm, trung bình mỗi phiên chợ có 22 đơn vị tham gia, với doanh thu khoảng 200 triệu đồng/phiên. Các chợ phiên được mở mỗi tuần một ngày, từ 6-12h. Bình quân một phiên chợ thu hút từ 500-1.000 lượt khách tham quan, mua sắm, tìm kiếm đối tác đầu tư, thu mua sản phẩm. Đây cũng là nơi hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn,… quảng bá đến người tiêu dùng, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, công tác quản lý ATTP trên cả nước hiện nay có nhiều bất cập, trong đó công tác thông tin về ATTP ở Việt Nam rất phức tạp với sự tham gia của hàng triệu hộ gia đình nhỏ lẻ; truyền thông kiến thức ATTP chưa được phổ biến rộng rãi; các cơ quan quản lý chưa gắn kết, chồng chéo; chưa tập trung vào thực hành an toàn trong sản xuất và chế biến; nguy cơ mất ATTP có thể ảnh hưởng đến các ngành kinh tế…Công tác quản lý ATTP có nhiều cấp, nhiều cơ quan khác nhau, nhiều hệ thống ở cả Trung ương lẫn địa phương.

Hệ thống thông tin ATTP không được liên thông từ địa phương lên Trung ương cũng như giữa các bộ ngành; các hệ thống thông tin liên quan (Hải quan, Hành chính công…) chưa liên thông, tích hợp; số liệu không cập nhật theo thời gian thực; Chưa có hệ thống tương tác, tập huấn, tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra với người dân, doanh nghiệp. Trong khi đó công tác giám sát, báo cáo còn thủ công; chưa có cổng tra cứu thông tin; thủ tục hành chính cho DN còn phức tạp; chưa có kế hoạch thống nhất trong thanh kiểm tra xử lý vi phạm.

Tại cuộc họp, đại diện các Bộ, ngành đã thống nhất nguyên tắc sử dụng duy nhất hệ thống thông tin ATTP thay vì xây dựng các hệ thống, phần mềm riêng biệt. Hệ thống này cần đáp ứng yêu cầu quy trình quản lý ATTP đặc thù của từng bộ ngành trên nền tảng thống nhất, đồng thời có độ mở để cộng đồng cùng tham gia.

 Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu các bộ ngành chỉ đạo cục, vụ, hệ thống trực thuộc quán triệt tinh thần cập nhật thông tin về ATTP trên một hệ thống duy nhất. Trước mắt là cập nhật dữ liệu, thông tin về các sản phẩm thực phẩm đã được các tổ chức, cá nhân đăng ký từ trước, có lộ trình cụ thể với từng nhóm đối tượng. Ngoài việc phục vụ công tác quản lý nhà nước, điểm rất quan trọng là phải huy động cả xã hội tham gia vào. Ngoài những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm lớn thì làm sao để một người nông dân, một quán đều có thể dễ dàng đưa thông tin về các loại rau, quả, thịt, cá, đồ ăn lên hệ thống, có địa chỉ rõ ràng. Còn người tiêu dùng cũng thuận lợi chia sẻ thông tin về những loại thực phẩm, cửa hàng an toàn, phát hiện vi phạm ATTP, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn. Hệ thống thông tin ATTP để phục vụ quản lý nhà nước nhưng dữ liệu cũng phải được chia sẻ cho cộng đồng tham gia làm giàu dữ liệu vừa phục vụ quản lý, vừa góp phần phổ biến kiến thức về ATTP. Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm cần thực hiện điều chỉnh theo quy trình quản lý rủi ro của thế giới, hướng tới phấn đấu đưa về cùng mặt bằng các sản phẩm sản xuất trong nước và sản phẩm nhập khẩu.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác