Cà Mau: Đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (18-04-2018)

Trong thời gian gần đây, vì lợi ích kinh tế nên nhiều người sản xuất đã bất chấp việc sử dụng chất tăng trọng, chất kích thích sinh trưởng, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật… để sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn. Trước thực trạng đó, Cà Mau đã tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Cà Mau: Đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm
Ảnh minh họa

Tập huấn kiến thức cho công chức cấp xã 

Ngày 30/3/2018, Chi cục ATVSTP tỉnh Cà Mau đã tổ chức lớp tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm (ATTP) cho công chức cấp xã kiêm nhiệm theo dõi công tác ATVSTP trên địa bàn 101 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, nhằm tập huấn các kiến thức về: Thực trạng, giải pháp ATTP; quan điểm của Đảng, Nhà nước về ATTP; Luật An toàn thực phẩm; quản lý Nhà nước về ATTP của UBND cấp xã; quy trình thanh tra, kiểm tra ATTP; công tác quản lý ATTP ngành công thương. Từ đó, công chức cấp xã sẽ nâng cao kiến thức, hiểu rõ quy định của Nhà nước trong công tác đảm bảo ATVSTP, góp phần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đến từng hộ sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn các xã, phường, thị trấn.

Triển khai "Tháng hành động vì ATTP - năm 2018"

Ngày 2/4/2018, Sở Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP tỉnh Cà Mau, đã triển khai các hoạt động thực hiện "Tháng hành động vì ATTP" trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh đảm bảo các điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ trong sản xuất, chế biến thực phẩm; sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng, đúng liều lượng, đúng đối tượng theo quy định trong sản xuất, chế biến thực phẩm; tuyên truyền phổ biến chuỗi thực phẩm an toàn, các mô hình sản xuất, kinh doanh, sản phẩm truyền thống, đặc sản của địa phương, nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất thực phẩm an toàn, sản phẩm mang đậm nét truyền thống.

Đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, giám sát về ATVSTP. Tăng cường tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong vấn đề ATTP, nhất là quyền khiếu nại, trách nhiệm khai báo, tố giác các hành vi vi phạm ATTP của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn; không tiêu thụ những thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng.

Tăng cường công tác giáo dục truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến ATTP. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc thực hiện về ATTP. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những bất cập trong công tác quản lý nhà nước về ATTP; phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm ATTP.

Đảm bảo chất lượng sản phẩm thủy sản

Trung tâm Khuyến nông Cà Mau khuyến cáo các hộ nuôi trồng thủy sản trong tỉnh thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật từ khâu chọn giống; xử lý môi trường trước khi nuôi; kiểm soát nước lấy vào và thải ra môi trường; chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh; thu hoạch và chế biến sản phẩm. Cụ thể:

Áp dụng các quy trình kỹ thuật tốt theo hướng an toàn sinh học, VietGAP… Địa điểm nuôi phải nằm trong vùng quy hoạch, không bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt. Các khu vệ sinh và công trình phụ phải bố trí xa khu vực nuôi để tránh nhiễm bẩn ao nuôi. Các dụng cụ (lưới, vợt, máy móc) phải được vệ sinh sạch sẽ. Chỉ thả những con giống đã được kiểm dịch. Thả theo lịch thời vụ do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thônhướng dẫn Nguồn nước sử dụng phải sạch. Toàn bộ nước và chất thải của ao, đầm nuôi phải xử lý trước khi xả ra môi trường. Thiết kế ao nuôi đúng kỹ thuật, có cống cấp thoát nước riêng biệt; có ao lắng, ao xử lý, có bờ vững chắc và không bị rò rỉ.

Không sử dụng thức ăn, thuốc thú y bị nhiễm nấm mốc, quá hạn sử dụng; Chỉ sử dụng thức ăn, thuốc thú y có nhãn mác rõ ràng, đầy đủ thông tin nguồn gốc, xuất xứ, thành phần, cách sử dụng. Phải có nơi cất giữ thức ăn, thuốc thú y riêng biệt. Tuyệt đối không sử dụng các hóa chất, kháng sinh trong danh mục cấm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không sử dụng kích thích tố sinh trưởng (hormone). Đảm bảo nguyên tắc "4 định": Định lượng, định thời gian, định địa điểm, định số lần cho ăn. Áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp. Khi phát hiện thủy sản nhiễm bệnh, cần tham khảo ý kiến của cán bộ kỹ thuật trong việc điều trị để đảm bảo không lạm dụng thuốc thú y, hóa chất. Có sổ nhật ký ghi đầy đủ thông tin chế độ ăn, loại thức ăn, thuốc thú y thủy sản, hóa chất sử dụng trong suốt quá trình nuôi để thuận tiện cho việc truy xuất nguồn gốc khi cần thiết.

Trước khi thu hoạch, cần lấy mẫu kiểm tra dư lượng hóa chất, kháng sinh. Khi thu hoạch, làm tờ khai xuất xứ thủy sản để giao cho cơ sở chế biến hoặc cơ sở thu mua cùng với phiếu kiểm tra dư lượng hóa chất, kháng sinh. Sau khi thu hoạch, không sử dụng các hóa chất để bảo quản. Chế biến thủy sản phải đảm bảo vệ sinh ATTP.

40% hộ dân áp dụng các biện pháp sản xuất nông sản sạch

Được sự hướng dẫn, vận động của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có khoảng 40% hộ dân áp dụng các biện pháp sản xuất nông sản sạch. Thời gian qua Cà Mau có nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là trong liên kết chuỗi giá trị. Tỉnh Cà Mau có nhiều chính sách ưu đãi về tiền thuê đất như: Các dự án đầu tư trên địa bàn huyện, đảo sẽ được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong thời gian xây dựng cơ bản (không quá 3 năm) và 11 năm kể từ khi dự án đi vào hoạt động. Trường hợp dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu đãi sẽ được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 15 năm. Đồng thời, tỉnh còn ban hành nhiều chính sách ưu đãi khác về giá cho thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ về đào tạo nghề, chuyển giao ứng dụng công nghệ, xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, còn có bản cam kết với nhà đầu tư sản xuất trên địa bàn tỉnh như cung cấp điện 24/24; chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường, hệ thống điện đến hàng rào khu công nghiệp, dự án; hỗ trợ đào tạo nguồn lao động và cung cấp lao động có kỹ thuật…

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác