Kiểm soát An toàn thực phẩm tại công đoạn Xuất khẩu cá và các sản phẩm cá bộ Siluriformes sang thị trường Hoa Kỳ (30-06-2020)

Ngày 22/5/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký Quyết định số 1802/QĐ-BNN-QLCL ban hành “Chương trình kiểm soát An toàn thực phẩm cá và các sản phẩm cá bộ Siluriformes xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ”; Trong đó có quy định Kiểm soát An toàn thực phẩm tại công đoạn Xuất khẩu cá và các sản phẩm cá bộ Siluriformes sang Hoa Kỳ.
Kiểm soát An toàn thực phẩm tại công đoạn Xuất khẩu cá và các sản phẩm cá bộ Siluriformes sang thị trường Hoa Kỳ
Ảnh minh họa

Cơ sở đủ điều kiện xuất khẩu Cá da trơn sang thị trường Hoa Kỳ 

Cơ sở chế biến Cá da trơn có nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ gửi hồ sơ đăng ký chứng nhận đủ điều kiện ATTP theo yêu cầu tại Điều 10 Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT) được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Thông tư 16/2018/TT-BNNPTNT. Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Trung Bộ, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nam Bộ) thực hiện thẩm định điều kiện bảo đảm ATTP của cơ sở theo quy định tại Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT; đồng thời thẩm tra việc đáp ứng các yêu cầu tại “Chương trình kiểm soát An toàn thực phẩm cá và các sản phẩm cá bộ Siluriformes xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ”.

Cơ sở đủ điều kiện ATTP và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Chương trình này sẽ được Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đề nghị Cơ quan thẩm quyền Hoa Kỳ đưa vào “Danh sách các Cơ sở được phép xuất khẩu Cá da trơn sang thị trường Hoa Kỳ”. Trường hợp Cơ sở chưa đủ điều kiện, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản sẽ có văn bản thông báo cho Cơ sở và nêu rõ lý do.

Ngược lại, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản sẽ đề nghị Cơ quan thẩm quyền Hoa Kỳ đưa tên Cơ sở ra khỏi “Danh sách các Cơ sở được phép xuất khẩu Cá da trơn sang thị trường Hoa Kỳ” trong các trường hợp sau: (1) Cơ sở không còn nhu cầu xuất khẩu Cá da trơn vào Hoa Kỳ; (2) Cơ sở có kết quả thẩm định điều kiện bảo đảm ATTP không đáp ứng quy định của Việt Nam và Hoa Kỳ, Cơ quan kiểm soát đã có thông báo yêu cầu Cơ sở khắc phục sai lỗi và báo cáo kết quả khắc phục nhưng Cơ sở không báo cáo kết quả khắc phục theo đúng thời hạn của Cơ quan kiểm soát.

Yêu cầu đối với sản phẩm xuất khẩu

Sản phẩm phải được sản xuất tại Cơ sở có tên trong “Danh sách các Cơ sở được phép xuất khẩu Cá da trơn sang thị trường Hoa Kỳ”; Đồng thời, được sản xuất từ nguyên liệu có nguồn gốc từ các Cơ sở nuôi đáp ứng yêu cầu của Chương trình này; được kiểm soát trong quá trình sản xuất đáp ứng yêu cầu của Chương trình; đáp ứng các quy định của Chương trình về ghi nhãn những thông tin bắt buộc (các thông tin ghi nhãn khác không được sai lệch với bản chất của hàng hóa, không vi phạm pháp luật của Việt Nam và Hoa Kỳ); có mức dư lượng hóa chất kháng sinh đáp ứng quy định.

Đối với sản phẩm được sơ chế, chế biến từ các Cơ sở khác nhau: Phải đáp ứng quy định tại Mục IV.2.2 của “Chương trình kiểm soát An toàn thực phẩm cá và các sản phẩm cá bộ Siluriformes xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ”. Đặc biệt, các Cơ sở tham gia sơ chế, chế biến, bảo quản lô hàng (bao gồm kho lạnh độc lập) phải ký Hợp đồng, trong đó cam kết cùng chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp xử lý của Cơ quan kiểm soát trong trường hợp lô hàng bị Cơ quan thẩm quyền Hoa Kỳ cảnh báo hoặc Cơ quan kiểm soát phát hiện vi phạm về ATTP, ghi nhãn.  

Việc đăng ký thẩm định lô hàng xuất khẩu

Thực hiện theo Điều 29 Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 15 Điều 1 Thông tư 16/2018/TT-BNNPTNT. Trường hợp, lô hàng được bảo quản, Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo quản lạnh độc lập với Cơ sở sản xuất thì điều kiện bảo đảm ATTP đối với Cơ sở này phải đáp ứng quy định của Việt Nam, Hoa Kỳ. 

Trình tự thủ tục thẩm định, lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng

Thực hiện theo Điều 30 Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 16 Điều 1 Thông tư 16/2018/TT-BNNPTNT, tuy nhiên, không thực hiện việc lấy mẫu lưu. Trong quá trình thẩm định, kiểm nghiệm: (1) Chỉ tiêu ngoại quan, cảm quan: Thực hiện theo Phụ lục 1 Quyết định 2864/QĐ-BNN-QLCL ngày 24 tháng 11 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định chỉ tiêu kiểm tra về chất lượng, ATTP đối với lô hàng thủy sản xuất khẩu; (2) Chỉ tiêu vi sinh, hóa học: Thực hiện theo Phụ lục 2 của Chương trình này.

Danh mục chỉ tiêu kiểm tra, kiểm nghiệm được Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản rà soát, cập nhật theo từng thời kỳ. Kết quả kiểm nghiệm tại các Phòng thử nghiệm được chỉ định là kết quả cuối cùng, không chấp nhận việc tái kiểm. Trường hợp kết quả thẩm định lô hàng không đáp ứng quy định về hồ sơ sản xuất, chỉ tiêu ngoại quan, cảm quan: Xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT.

Trường hợp kết quả kiểm nghiệm lô hàng không đáp ứng quy định ATTP: Cơ quan kiểm soát gửi cho Chủ hàng Thông báo lô hàng không đạt theo mẫu quy định tại Phụ lục XVI ban hành kèm theo Thông tư 48/2013/TTBNNPTNT, trong đó nêu rõ lý do không đạt, yêu cầu Chủ hàng điều tra nguyên nhân, thực hiện các biện pháp khắc phục, xử lý đối với lô hàng và lập báo cáo giải trình gửi Cơ quan kiểm soát. Sau khi nhận được báo cáo giải trình, Cơ quan kiểm soát thẩm tra báo cáo (bao gồm kiểm tra thực tế nếu cần), thông báo kết quả cho Cơ sở. Nếu nguyên nhân lô hàng không đáp ứng quy định ATTP có liên quan đến vi phạm của Cơ sở nuôi, Cơ quan kiểm soát báo cáo thông tin Cơ sở nuôi vi phạm về Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản để thông báo cho Tổng cục Thuỷ sản tổ chức thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm soát đối với Cơ sở nuôi vi phạm.

Cấp chứng thư

Chậm nhất 02 ngày kể từ ngày xuất khẩu, Chủ hàng phải cung cấp (bằng văn bản) đầy đủ các thông tin cần thiết quy định trong mẫu Chứng thư tại Phụ lục 3 của Chương trình này cho Cơ quan kiểm soát để cấp Chứng thư cho các lô hàng có kết quả thẩm định, kiểm nghiệm đạt yêu cầu.

Sau thời hạn 90 ngày kể từ ngày thẩm định, nếu Chủ hàng không cung cấp đầy đủ thông tin cho Cơ quan thẩm định để thẩm định, cấp Chứng thư, Chủ hàng phải thực hiện đăng ký thẩm định như quy định tại Điều 29 Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 7 Điều 2 của Thông tư 16/2018/TT-BNNPTNT.

Mỗi lô hàng xuất khẩu (theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT) được cấp 01 (một) Chứng thư theo mẫu tại Phụ lục 3 của Chương trình này. Chứng thư chỉ có giá trị đối với lô hàng được vận chuyển, bảo quản trong điều kiện không làm thay đổi nội dung đã được chứng nhận về ATTP.

Tạm ngừng cấp chứng thư trong trường hợp Cơ sở thuộc diện tạm dừng xuất khẩu sản phẩm Cá da trơn sang Hoa Kỳ (theo quy định tại Mục V.8.1.2 Chương trình này). Trường hợp Cơ sở không duy trì điều kiện bảo đảm ATTP theo quy định của Việt Nam và/hoặc Hoa Kỳ (xếp hạng 4 theo quy định tại Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT ): Tạm ngừng cấp chứng thư cho các lô hàng cá da trơn xuất khẩu vào Hoa Kỳ trong thời gian Cơ sở thực hiện các biện pháp khắc phục sai lỗi, báo cáo kết quả khắc phục sai lỗi theo yêu cầu của Cơ quan kiểm soát.

Cấp lại chứng thư, cấp chuyển tiếp chứng thư, giám sát lô hàng sau thẩm định, chứng nhận: Thực hiện theo Điều 33, 34, 35 Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 18 Điều 1 của Thông tư 16/2018/TTBNNPTNT.

Xử lý lô hàng bị cảnh báo 

Khi nhận được thông tin cảnh báo chính thức của Cơ quan thẩm quyền Hoa Kỳ, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản sẽ gửi văn bản yêu cầu Cơ sở chế biến lô hàng thực hiện các nội dung sau: (1) Thực hiện truy xuất nguồn gốc lô hàng, tổ chức điều tra nguyên nhân dẫn đến lô hàng không bảo đảm ATTP; thiết lập và thực hiện hành động khắc phục; báo cáo gửi Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản theo mẫu nêu tại Phụ lục XVII của Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT, kèm theo các bằng chứng việc thực hiện điều tra xác định nguyên nhân, thực hiện biện pháp khắc phục; (2) Tạm dừng xuất khẩu sản phẩm Cá da trơn sang Hoa Kỳ.

Sau khi nhận được báo cáo kết quả điều tra nguyên nhân và biện pháp khắc phục của Cơ sở, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản tiến hành thẩm tra các nội dung báo cáo (bao gồm cả kiểm tra thực tế nếu cần) và thông báo kết quả thẩm tra tới Cơ sở. Cơ sở được tiếp tục xuất khẩu sản phẩm cá da trơn sang Hoa Kỳ nếu kết quả thẩm tra đạt yêu cầu. Trong trường hợp nguyên nhân lô hàng bị cảnh báo có liên quan đến vi phạm của Cơ sở nuôi, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản thông báo thông tin về Cơ sở nuôi vi phạm đến Tổng cục Thủy sản để tổ chức hoặc chỉ đạo Cơ quan quản lý thủy sản tại địa phương thực hiện xác minh, lấy mẫu thức ăn, nước, cá để kiểm tra, đánh giá việc chấp hành các quy định của Cơ sở nuôi, làm rõ vi phạm và xử lý theo quy định pháp luật.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác