Thị trường hai mảnh vỏ: Nhu cầu mạnh nhưng nguồn cung hạn chế (08-05-2024)

Nhu cầu nhuyễn thể hai mảnh vỏ tăng mạnh trong những tháng cuối năm 2023. Mặc dù giá tăng nhưng người tiêu dùng đánh giá sản phẩm hai mảnh vỏ rất xứng đáng để chi tiền.
Thị trường hai mảnh vỏ: Nhu cầu mạnh nhưng nguồn cung hạn chế
Ảnh minh họa

Ở một số vùng của Châu Âu, biến đổi khí hậu và những ảnh hưởng tiêu cực khác (chẳng hạn như loài địch hại Cua xanh đã xâm lấn, ăn thịt Vẹm và Ngao non ở Biển Adriatic) dẫn đến sản lượng khai thác và nuôi trồng giảm. Trên thế giới hiện có một lập luận mạnh mẽ rằng “Động vật hai mảnh vỏ có ích cho môi trường biển”, khẳng định sự đóng góp của chúng đối với sự cân bằng sinh thái.

Vỏ của các loài hai mảnh vỏ như Hàu, Vẹm, Sò điệp và Ngao chứa chất vôi (canxi cacbonat), được tạo thành một phần từ carbon dioxide (CO2) trong đại dương. Đối với một con Hàu được bán trên thị trường có trọng lượng 85 gam, tức là có khoảng 9 gam cacbon nguyên chất được lưu trữ trong vỏ của nó. Bên cạnh đó vẫn còn một ưu điểm nữa của động vật hai mảnh vỏ chính là chúng lọc nước biển liên tục, giúp khử ô nhiễm nước biển; ví dụ như một con Hàu lọc được 5 lít nước mỗi giờ. Từ năm 2014, Thành phố New York đã thực hiện dự án đưa 1 tỷ con Hàu xuống vùng biển của vịnh để phục vụ mục đích này. Đến nay, 122 triệu động vật thân mềm đã được tái tạo nguồn lợi tại cửa sông, nơi chúng đã biến mất vào đầu thế kỷ XX.

Vẹm

Vẹm là loài quan trọng đối với thị trường hải sản Pháp, với lượng tiêu thụ khoảng 180.000 tấn mỗi năm, tương đương với mức tiêu thụ bình quân gần 3 kg một người mỗi năm. 8 trong số 10 người tiêu dùng nói rằng họ ăn Vẹm ít nhất một lần mỗi năm, trong đó món vẹm ăn kèm với khoai tây chiên (moules-frites) là món rất phổ biến tại thị trường Pháp. Xét về sản phẩm giá trị gia tăng ở Pháp, có một lượng lớn người sản xuất (nông ngư dân nuôi Vẹm) và người chế biến đã tham gia quá trình gia tăng giá trị cho sản phẩm Vẹm tại các nhà máy chế biến chuyên dụng. Các nhà sản xuất Vẹm ở Pháp phải đối mặt với chi phí tăng cao, tỷ suất lợi nhuận giảm. Trong năm 2023, sản xuất Vẹm trong nước đã phục hồi (sau năm 2022 khó khăn khi gặp thời kỳ hạn hán kéo dài ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của Vẹm). Giá Vẹm đã giảm phần nào sau mức giá cao vào năm trước đó.

Pháp hiện là nước sản xuất Vẹm lớn thứ hai ở Châu Âu, sau Tây Ban Nha. Nhìn chung, thương mại vẹm phục hồi ở Pháp vào năm 2023, sau sự phục hồi của sản xuất từ ​​mùa thấp điểm năm 2022 như vừa đề cập. 9 tháng đầu năm 2023, có thêm 20.000 tấn Vẹm tham gia thị trường thương mại quốc tế, nâng tổng số tiêu thụ vẹm toàn cầu lên 272.000 tấn. Trong cùng thời gian này, Vương quốc Hà Lan đã xuất khẩu thêm khoảng 5.000 tấn Vẹm, trong khi New Zealand cũng tăng lượng xuất khẩu thêm 4.000 tấn. Về nhập khẩu, khối lượng Vẹm được nhập khẩu vào Pháp trong 9 tháng đầu năm 2023 thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, do sản xuất trong nước đã thay thế nguồn cung từ các nước khác.

Hàu

Hàu cũng là một mặt hàng quan trọng ở Pháp, dịp lễ hội cuối năm là thời điểm tiêu thụ lớn mặt hàng này. Thật không may cho người nông dân, ngộ độc thực phẩm do Hàu gây ra đã khiến cơ quan y tế Pháp trong kỳ nghỉ lễ đã ban hành lệnh cấm sản xuất và buôn bán Hàu. Ở phía Bắc Vịnh Bourgneuf ở Loire-Atlantique, lệnh cấm kéo dài một tháng. Sau đó, Hàu của Pays-de-Retz đã xuất hiện trở lại tại kệ hàng từ thứ Hai, ngày 15 tháng 1 năm 2024. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn cảnh giác với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và việc khôi phục niềm tin của họ trong ngắn hạn là một nhiệm vụ khó khăn đối với ngành Hàu tại Pháp.

Thương mại Hàu trên toàn thế giới giảm nhẹ trong 9 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước. Khoảng 54.240 tấn đã được nhập khẩu, trong đó Mỹ là thị trường chính (mặc dù báo cáo nhập khẩu giảm 19% trong giai đoạn này). Về xuất khẩu, Pháp là nhà cung cấp chính với khoảng 11.400 tấn đã được vận chuyển ra thị trường thế giới, ngang bằng với lượng xuất khẩu của năm 2022. Hàn Quốc là nhà cung cấp Hàu lớn thứ hai với gần 9.000 tấn Hàu được xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2023, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

Sò điệp

Năm 2023, Trung Quốc đã quyết định đóng cửa thị trường Sò điệp nội địa đối với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản vì những lo ngại liên quan đến việc xả nước từ lò phản ứng hạt nhân Fukushima. Kết quả là nhập khẩu Sò điệp của Nhật Bản vào Trung Quốc giảm 36% trong 9 tháng đầu năm năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022. Hệ quả là các nhà sản xuất Nhật Bản phải tìm kiếm thị trường mới và nhận thấy Mỹ là đầu ra tốt, chủ yếu do sản lượng Sò điệp ở thị trường Mỹ giảm (nhất là ở vùng New England). Quý cuối cùng của năm 2023 đã chứng kiến ​​kim ngạch xuất khẩu từ Nhật Bản sang thị trường Mỹ tăng mạnh, đúng dịp lễ hội cuối năm.

Nhìn chung, thương mại Sò điệp quốc tế giảm trong năm 2023. Khoảng 140.000 tấn đã được nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm, trong đó Trung Quốc chiếm 39%, giảm so với mức 46% được báo cáo trong cùng kỳ năm 2022. Hàn Quốc, một trong những thị trường nhập khẩu hàng đầu về Sò điệp, cũng báo cáo nhập khẩu giảm. Pháp, nước từng là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 của Sò điệp, cũng giảm 25% lượng nhập khẩu. Về xuất khẩu, Trung Quốc và Pháp là những nước xuất khẩu chính của Sò điệp, đều tuyên bố xuất khẩu giảm.

Ngao

Tại thị trường Ý, mỗi năm có hai giai đoạn quan trọng trong thương mại Ngao: một số ngày vào giữa tháng 8 và 20 ngày kể từ Lễ Giáng Sinh. Cuối năm 2023, Ngao sản xuất trong nước thất bại do bị động vật địch hại xâm lấn ăn thịt. Do đó, nhu cầu trong nước được đáp ứng bởi Ngao nhập khẩu, mặc dù có giá bán trên thị trường rất cao. Ngư dân và nông dân Ý hy vọng chính quyền sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp để có thể triển khai các biện pháp kịp thời hợp lý.

Các công ty hoạt động trong kênh bán lẻ cho biết gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sản phẩm hai mảnh vỏ của Ý để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Nguồn cung khan hiếm không chỉ do sản lượng thấp (bởi cua xanh Đại Tây Dương xâm chiếm) mà còn có thể do việc nông dân nuôi Ngao đang trì hoãn việc xuống giống. Cùng với đó, các nhà sản xuất của Ý đang bán nguyên liệu thô ra thị trường nước ngoài, nhất là Pháp và Bồ Đào Nha, và vì lý do này mà giá động vật có vỏ đã tăng vọt. Dù nguyên nhân là gì thì chắc chắn rằng lượng Ngao sẵn có không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ tại Ý.

Trung Quốc là nước sản xuất Ngao lớn nhất thế giới và cũng đồng thời là nước xuất khẩu chính. Trong chín tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đã xuất khẩu khoảng 80.000 tấn, giảm khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2022; kéo khối lượng giao dịch thương mại thế giới đối với Ngao giảm khoảng 10.000 tấn. Tất cả những nhà thu mua lớn đều báo cáo nhập khẩu giảm trong năm 2023, trong đó Nhật Bản chỉ nhập khẩu 27.250 tấn, giảm khoảng 10% so với năm trước. Nhật Bản từng là nước nhập khẩu Ngao hàng đầu thế giới vào năm 2021, nhưng hiện tụt hạng, đứng thứ ba sau khi bị các nước khác vượt qua là Hàn Quốc và Tây Ban Nha.

Dự báo

Cuối năm 2023 (đặc biệt là dịp lễ Giáng sinh), mức tiêu thụ hai mảnh vỏ tăng cao ở châu Âu, nhất là các mặt hàng xa xỉ như Hàu. Nhu cầu về hai mảnh vỏ vẫn ở mức cao, mặc dù người tiêu dùng còn lo ngại về vấn đề ngộ độc thực phẩm. Giá các loài hai mảnh vỏ dự kiến ​​sẽ tăng ở Ý do sản lượng hiện tại thấp và dự kiến còn ​​thấp hơn nữa do các loài địch hại gây ra. Thị trường Mỹ có khả năng tăng nhập khẩu Sò điệp từ Nhật Bản, dẫn đến áp lực về giá và từ đó sẽ tác động đến các nhà sản xuất trong nước.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác