Con sông có đa dạng sinh học đứng thứ ba thế giới
Ngày 4/3 vừa qua WWF đã công bố bản báo cáo “Những loài cá bị lãng quên của sông Mê Kông”. Báo cáo nêu rất chi tiết về sự đa dạng sinh học đặc biệt của các loài cá trên sông, với ít nhất 1.148 loài, trải dài gần 5.000 km từ cao nguyên Tây Tạng đến Biển Đông. Điều này khiến sông Mê Kông trở thành con sông có đa dạng sinh học đứng thứ ba sau Amazon và Congo. Sông Mê Kông được coi là huyết mạch canh tác và đánh cá của hàng chục triệu người ở Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, với diện tích lưu vực 795.000 km2, lưu lượng dòng chảy trung bình hàng năm khoảng 15.000 m3/s và tổng lượng dòng chảy hàng năm 475 tỷ m3 tại châu thổ. Đây cũng là nơi diễn ra một trong những cuộc di cư lớn nhất trên Trái đất xét về số lượng động vật, với ước tính khoảng 5 tỷ loài cá đã và đang di chuyển.
Bản báo cáo nhấn mạnh vai trò quan trọng của tất cả các loài cá này trong việc duy trì sự ổn định của lưu vực sông Mê Kông cũng như an ninh lương thực và sinh kế của hàng chục triệu người trong khu vực. Sông Mê Kông tự hào có nghề cá nội địa lớn nhất thế giới, chiếm hơn 15% tổng sản lượng đánh bắt nội địa toàn cầu, tạo ra hơn 11 tỷ USD hàng năm và là trung tâm đảm bảo an ninh lương thực và sinh kế của hơn 40 triệu người trong các cộng đồng trên khắp lưu vực.
Các loài cá phải đối mặt với vô số mối đe dọa
Thế nhưng các loài cá đang chịu áp lực ngày càng tăng với 1/5 loài đã bị đe dọa tuyệt chủng. Báo cáo thống kê chi tiết các loài cá trên sông Mê Kông đang phải đối mặt với vô số mối đe dọa, bao gồm mất môi trường sống, chuyển đổi vùng đất ngập nước sang nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, khai thác cát không bền vững, du nhập các loài xâm lấn, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng và việc xây hàng loạt các đập thủy điện chia cắt dòng chảy của sông và các nhánh sông. Các mối đe dọa này đang tàn phá các loài cá và nghề cá với số lượng cá ở Tonle Sap giảm 88% trong giai đoạn 2003-2019 và ước tính giá trị kinh tế của nghề cá ở Mê Kông giảm 1/3 trong giai đoạn 2015-2020.
Theo thống kê đã có ít nhất 19% các loài hiện được ước tính đang có nguy cơ tuyệt chủng. Đặc biệt trong số loài cá trên có tới 18 loài được Liên minh quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (IUCN) đưa vào danh sách “cực kỳ nguy cấp,” gồm cá chép lớn nhất thế giới, 2 loài cá da trơn lớn nhất thế giới và cá đuối nước ngọt khổng lồ. Tuy nhiên, con số đáng kinh ngạc là 38% các loài được coi là “Thiếu dữ liệu”, nghĩa là có quá ít thông tin về chúng để đánh giá tình trạng bảo tồn của chúng. Đáng tiếc là số lượng các loài bị đe dọa chắc chắn còn cao hơn nhiều.
Tuy nhiên, các loài cá ở sông Mê Kông tiếp tục bị những người có quyền quyết định đánh giá thấp và họ vẫn gia tăng phát triển thủy điện. Các con đập đã làm thay đổi dòng chảy của sông Mê Kông, thay đổi chất lượng nước và ngăn chặn sự di cư của cá.
Thượng nguồn Mê Kông (sông Lan Thương) trên địa phận tỉnh Vân Nam của Trung Quốc đã được quy hoạch bậc thang thuỷ điện trong lưu vực sông Lan Thương từ những năm 1980, có 25 bậc thang trên dòng chính với tổng công suất lắp máy là 25.870 MW và 120 trạm thuỷ điện trên các dòng nhánh với tổng công suất lắp máy là 2.600 MW. Hiện nay, có 8 công trình thủy điện chính trên sông Lan Thương đã và đang xây dựng. Ngoài ra, Lào có kế hoạch nghiên cứu xây dựng 23 đập thủy điện, trong đó có đập Ban Koun công suất lớn nhất khoảng 2000 MW. Thái Lan ngoài 2 con đập Sakamen 1 và 3, đã có kế hoạch tái khởi động xây dựng các đập trên sông Mê Kông dự kiến công suất 4.000 MW. Phía Campuchia cũng nghiên cứu 2 đập thủy điện là Sambor và Stung Treng có công suất khoảng 3.600 MW.
|
Các đập thủy điện ở Trung Quốc và các hồ chứa ở Thái Lan, Lào và Campuchia đã làm chậm tốc độ dòng chảy thiên nhiên của sông, gây bồi lắng một lượng phù sa lớn tại hồ chưa, thay đổi động lực dòng chảy gây xói lở các đoạn sông hạ lưu, đập chắn đường đi cho chu trình sinh sản đồng thời cũng làm thay đổi hàm lượng sinh vật phù du, dinh dưỡng của sông tác động đến quá trình sinh sản và sinh trưởng các loài cá, tác động xấu đến sinh kế của người dân ven sông. Đáng lưu ý riêng lượng phù sa từ thương nguồn Trung Quốc chiếm khoảng 40% tổng lượng phù sa của sông Mê Kông. Trong khi hàng năm người dân đồng bằng Sông Cửu Long vẫn mong lũ về (còn gọi là mùa nước nổi) để khai thác thủy sản, vệ sinh đồng ruộng, lấy phù sa màu mỡ. Chỉ riêng các tỉnh trong vùng ven biên giới Việt Nam - Campuchia, mùa nước nổi hàng năm cũng mang lại thu nhập khoảng 4.500 tỷ đồng.
Hệ lụy của suy giảm hệ sinh thái
Lan Mercado, Giám đốc WWF khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã đưa ra cảnh báo nghiêm trọng, nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải hành động để đảo ngược xu hướng đáng báo động này. “Sự suy giảm đáng báo động về quần thể cá ở sông Mê Kông là lời cảnh tỉnh khẩn cấp để hành động nhằm cứu những loài đặc biệt và cực kỳ quan trọng này, chúng không chỉ củng cố xã hội và nền kinh tế của khu vực mà còn cả sức khỏe của hệ sinh thái nước ngọt của sông Mê Kông.” Ông Mercado nói.
Báo cáo cũng cảnh báo rằng các loài cá biến mất có thể làm trầm trọng thêm nạn phá rừng trong khu vực khi hàng triệu người trước đây sống dựa vào dòng sông buộc phải chuyển sang làm ruộng. “Rõ ràng là chúng ta đang mạo hiểm gây ra một cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học mới cho lưu vực sông Mekong. Nhưng vẫn chưa quá muộn!” ông Herman Wanningen, Giám đốc điều hành của World Fish Migration Foundation nêu rõ.
Cần chung tay hành động khẩn cấp
Nhà sinh vật học cá Zeb Hogan - người đứng đầu nhóm Kỳ quan sông Mê Kông, một trong những nhóm thực hiện báo cáo - cho biết vẫn “chưa quá muộn” để các nước trong vùng phối hợp nỗ lực nhằm đảo ngược những tác động bất lợi đối với quần thể cá sông Mekong. “Nếu chúng ta hành động, hành động tập thể để phát triển dòng sông một cách bền vững thì vẫn còn hy vọng” - ông Hogan nói.
Trong phần khuyến nghị, báo cáo kêu gọi các quốc gia Mekong bảo vệ và khôi phục hệ sinh thái của dòng sông, đồng thời cam kết thực hiện Thử thách Nước ngọt (Freshwater Challenge - FWC) - một sáng kiến nhằm hỗ trợ, tích hợp và đẩy nhanh việc khôi phục 300.000 km sông bị suy thoái và 350 triệu ha vùng đất ngập nước bị suy thoái vào năm 2030, cũng như bảo tồn các hệ sinh thái nước ngọt nguyên vẹn. Được biết đến nay, đã có 46 quốc gia tham gia sáng kiến này.
Tất cả các quốc gia có sông Mê Kông chảy quả đều cần có hành động khẩn cấp để đảo ngược xu hướng đáng báo động này. Cùng với việc bảo vệ và khôi phục hệ sinh thái nước ngọt, các quốc gia Mê Kông cần thực hiện Kế hoạch 6 trụ cột phục hồi khẩn cấp xuyên biên giới về đa dạng sinh học nước ngọt. Kế hoạch toàn diện này bao gồm việc để các dòng sông chảy tự nhiên hơn, cải thiện chất lượng nước và chấm dứt việc khai thác tài nguyên không bền vững, có thể đưa ra các giải pháp ở quy mô cần thiết để đảo ngược tình trạng suy giảm quần thể cá ở Mê Kông. Điều quan trọng là ngư dân và cộng đồng địa phương sở hữu kiến thức, kiến thức chuyên môn và giải pháp - chẳng hạn như Khu bảo tồn cá cộng đồng - đã chứng tỏ thành công và chúng tôi có thể dựa vào đó để giúp bảo vệ cá và dòng sông của họ. Tuy nhiên, cộng đồng địa phương không thể tự mình bảo vệ toàn bộ sông Mê Kông - những người ra quyết định cần tính đến các loài cá trên sông Mê Kông và mở rộng các hành động hiệu quả để khôi phục sự lành mạnh của dòng sông và sự sống vô giá dưới bề mặt của nó.
Tại Việt Nam, theo GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu, nhất là đối với vùng duyên hải. Nạn xâm nhập mặn và hạn hán đã ảnh hưởng lớn đến canh tác nông nghiệp và thủy sản, nhất là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Việt Nam cần tăng cường các biện pháp quản lý môi trường và bảo vệ hệ sinh thái có hiệu quả mới có thể giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm và ngăn chặn sự suy thoái môi trường sống, hệ sinh thái, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hải Đăng