Thay đổi nhận thức về thủy sản đông lạnh ở Bangladesh (08-01-2025)

 Ở Bangladesh, mọi người vẫn cho rằng thủy sản đông lạnh không tươi ngon bằng các sản phẩm tươi sống, tuy nhiên, điều này thường không đúng.
Thay đổi nhận thức về thủy sản đông lạnh ở Bangladesh
Ảnh minh họa

Ở Bangladesh, cá và tôm không chỉ là thực phẩm mà chúng gắn liền với nền văn hóa và nền kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, định kiến ​​lâu đời đối với thủy sản đông lạnh đã kìm hãm sự phát triển của nó tại thị trường trong nước. Người dân Bangladesh tin rằng cá và tôm đông lạnh không tươi và có chất lượng tốt như những sản phẩm mua ở chợ truyền thống. Nhận thức này không chỉ kìm hãm sự phát triển của mặt hàng thủy sản đông lạnh mà còn gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng, vì cá được xử lý không đúng cách từ những chợ này thường trải qua nhiều chu kỳ cấp đông – rã đông làm giảm chất lượng của cá.

Trước kia, các con sông, cửa sông và kênh rạch của Bangladesh luôn đầy ắp cá và người dân địa phương hầu hết sử dụng nguồn cá tươi đánh bắt hàng ngày, trong khi việc bảo quản (đông lạnh) cá rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, khi dân số Bangladesh tăng nhanh, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Sự phát triển không theo kế hoạch cùng với tình trạng ô nhiễm đã làm suy giảm đáng kể mạng lưới nước tự nhiên từng hỗ trợ đắc lực cho nghề cá Bangladesh. Nguồn cá tự nhiên ngày càng ít đi và dân số ngày càng tăng khiến cho sự phụ thuộc vốn có vào nguồn cá tự nhiên không còn bền vững nữa. Mặc dù vậy, cá tươi vẫn nắm ưu thế vượt trội trong thói quen sử dụng cho đến tận ngày nay.

Bắt đầu từ những năm 1990, nghề nuôi cá bắt đầu phát triển mạnh mẽ, cung cấp nguồn cá bổ sung đáng kể cho tình trạng suy giảm cá tự nhiên ở Bangladesh. Hiện nay, theo Báo cáo Tình hình Nghề cá và Nuôi trồng thủy sản Thế giới năm 2022 của FAO, Bangladesh đứng thứ 5 trên toàn cầu về sản lượng nuôi trồng thủy sản.

Mặc dù ban đầu nhiều người không muốn sử dụng tôm và cá được nuôi, nhưng nguồn cá tự nhiên ngày càng giảm khiến họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải chấp nhận với hoàn cảnh. Khi nguồn cá tự nhiên trở nên khan hiếm, các loại cá nuôi đã trở thành lựa chọn chính tại các chợ trên khắp cả nước. Hiện nay, hầu hết cá và tôm tại các chợ trên khắp Bangladesh đều là sản phẩm nuôi. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực của đất nước này.

Ở Bangladesh, thủy sản phải trải qua một hành trình dài trước khi đến tay người tiêu dùng. Sau khi thu hoạch, cá và tôm thường bị giảm độ tươi ngon do thiếu quy trình bảo quản lạnh thích hợp trong quá trình vận chuyển. Tại các chợ bán buôn, đá thường được dùng để bảo quản cá và tôm trong quá trình vận chuyển đến các chợ bán lẻ ở các thành phố lớn.

Đến khi đến các chợ bán lẻ ở các khu vực đô thị lớn, chất lượng cá đã bị giảm đi đáng kể. Chủ các cửa hàng bán lẻ vì muốn bán cá và tôm giống như hàng tươi sống nên đã rã đông chúng. Mặt khác, cá và tôm không bán hết có thể lại tiếp tục được cấp đông lại để bán vào ngày hôm sau. Quá trình này sẽ lặp lại cho đến khi cá được bán hết. Người tiêu dùng thường không biết về việc cá và tôm đã được rã đông và tái cấp đông nhiều lần. Họ chỉ nghĩ rằng đã mua cá và tôm tươi, sau đó sẽ bảo quản chúng trong ngăn đá của tủ lạnh ở nhà để sử dụng dần.

Rủi ro sức khỏe khi sử dụng các sản phẩm được cấp đông và rã đông nhiều lần

Định kiến ​​đối với cá đông lạnh bắt nguồn từ niềm tin rằng cá tươi an toàn hơn và có chất lượng tốt hơn. Tuy nhiên, chính sở thích ăn cá tươi này thường dẫn đến việc tiêu thụ cá đã được đông lạnh và rã đông nhiều lần - một hành vi không an toàn mà nhiều người tiêu dùng không biết. Mỗi lần cá hoặc tôm được rã đông và đông lạnh lại, chúng sẽ mất nước và chất dinh dưỡng, khiến sản phẩm có khả năng gây ngộ độc cho người sử dụng, đồng thời hương vị và dinh dưỡng cũng mất đi rất nhiều.

Chu kỳ cấp đông – rã đông lặp đi lặp lại làm hỏng cấu trúc tế bào của cá và tôm, khiến chúng dễ bị nhiễm khuẩn. Khi sản phẩm rã đông, vi khuẩn vốn đã ở trạng thái ngủ đông có thể bắt đầu phát triển và khi sản phẩm được đông lạnh trở lại, những vi khuẩn này vẫn tồn tại ở trạng thái ngủ đông. Khi chu kỳ lặp lại, mật độ vi khuẩn tăng lên, có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm. Hơn nữa, một số độc tố có hại do vi khuẩn tạo ra có khả năng chịu nhiệt, nghĩa là ngay cả quá trình nấu chín thức ăn cũng không thể loại bỏ hoàn toàn các rủi ro về sức khỏe.

Tác động đến ngành thủy sản trong nước

Những vấn đề trên đang kìm hãm sự phát triển của ngành thủy sản Bangladesh. Là nước xuất khẩu tôm và cá đông lạnh lớn trên thế giới, nhưng thị phần của các sản phẩm đông lạnh tại thị trường nội địa còn rất thấp. Điều này hoàn toàn trái ngược với thị trường quốc tế, nơi các mặt hàng thủy sản đông lạnh rất được ưa chuộng nhờ độ đồng nhất và đảm bảo chất lượng.

Tuy nhiên, người dân địa phương vẫn tiếp tục trả giá cao cho các loại cá có khả năng đã trải qua quá trình xử lý không đúng cách. Việc miễn cưỡng chấp nhận các sản phẩm thủy sản đông lạnh đang cản trở sự phát triển của thị trường trong nước. Nó cũng hạn chế các cơ hội áp dụng các biện pháp thực hành bền vững hơn trong ngành thủy sản Bangladesh, chẳng hạn như cải thiện hệ thống kho lạnh, giảm lãng phí thực phẩm và cung cấp sản phẩm thủy sản chất lượng cao quanh năm. Nếu được chấp nhận rộng rãi, chúng có thể trở thành động lực chính giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước.

Việc chấp nhận các sản phẩm đông lạnh có thể mang lại lợi nhuận đáng kể cho cả người nông dân địa phương và người tiêu dùng. Bằng cách đông lạnh sản phẩm ngay sau khi thu hoạch, chất lượng cá và tôm có thể được bảo quản tốt. Điều này sẽ giúp người nông dân chủ động kiểm soát giá bán thay vì phụ thuộc vào những thương lái trung gian tại các chợ bán buôn, nhờ vậy, thu nhập của nông dân có thể được tăng lên đáng kể. Các kỹ thuật đông lạnh phù hợp cũng sẽ kéo dài thời hạn sử dụng của cá và tôm, cho phép người nông dân bán dần sản phẩm của mình, thay vì phải bán hết ngay một lúc.

Đối với người bán lẻ, sản phẩm đông lạnh có mức độ đảm bảo chất lượng cao hơn, nhờ vậy tránh được những rủi ro về thực phẩm gây ra do quá trình xử lý không đúng cách. Đồng thời cá đông lạnh có thể được bảo quản trong thời gian dài hơn mà không sợ hư hỏng, nhờ vậy mà người bán cũng được bảo đảm lợi nhuận tốt hơn.

Vượt qua những định kiến đối với các sản phẩm đông lạnh

Việc thay đổi nhận thức của người tiêu dùng và các biện pháp xử lý và bảo quản thủy sản hiện đang được áp dụng đòi hỏi những nỗ lực chung từ tất cả các bên liên quan trong ngành thủy sản cũng như sự phối hợp của chính phủ.

Cần có chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ của việc tiêu thụ các sản phẩm thủy sản được cấp đông và rã đông nhiều lần cũng như lợi ích của các sản phẩm thủy sản đông lạnh được xử lý đúng phương pháp bằng cách giải thích cách thức các phương pháp đông lạnh nhanh giúp bảo quản chất dinh dưỡng và độ tươi của cá và tôm trong khi giảm nguy cơ nhiễm khuẩn do rã đông nhiều lần.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên được cung cấp thông tin so sánh dinh dưỡng chi tiết giữa cá đông lạnh và cá (trông có vẻ) tươi, nhờ đó, họ sẽ thấy rằng cá đông lạnh giữ được nhiều chất dinh dưỡng hơn cá đã trải qua quá trình đông lạnh và rã đông nhiều lần. Ngoài ra, cũng cần cung cấp thông tin về mức độ nhiễm khuẩn trong cá được rã đông và cấp đông nhiều lần để người dân nắm được mức độ nguy hiểm khi sử dụng các sản phẩm này. Việc thiết lập hệ thống chứng nhận cho cá và tôm đông lạnh có thể giúp xây dựng lòng tin của người tiêu dùng. Hơn nữa, tính minh bạch trên toàn bộ chuỗi cung ứng sẽ giúp nâng cao lòng tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm đông lạnh.

Cùng với việc thông tin – tuyên truyền về lợi ích của sản phẩm đông lạnh cũng như tác hại của các sản phẩm được rã đông nhiều lần, việc thu hút những nhân vật nổi tiếng như đầu bếp, chuyên gia dinh dưỡng và chuyên gia y tế để quảng bá ưu thế của cá đông lạnh có thể giúp thay đổi nhận thức của công chúng. Những người có ảnh hưởng này có thể chia sẻ công thức nấu ăn và kỹ thuật nấu ăn sử dụng cá và tôm đông lạnh. Điều này cũng sẽ thúc đẩy việc tiêu thụ cá đông lạnh trong ẩm thực Bangladesh.

Các nhà bán lẻ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Cần có các chương trình đào tạo dành cho người bán lẻ về cách bảo quản và xử lý cá – tôm đông lạnh đúng cách để duy trì chất lượng của chúng. Ngoài ra, nên khuyến khích họ bán các sản phẩm đông lạnh thay vì rã đông để trông chúng có vẻ tươi, nhờ vậy sẽ đảm bảo chất lượng và an toàn hơn cho người tiêu dùng.

Bên cạnh việc tiếp thị các sản phẩm cá – tôm được cấp đông thô, cần đầu tư cho các sản phẩm giá trị gia tăng như cá – tôm bán sơ chế hoặc chế biến sẵn giúp việc chuẩn bị bữa ăn được thuận tiện hơn, giảm lãng phí thực phẩm và phù hợp với lối sống nhanh của cư dân thành phố. Hơn nữa, việc  tập trung cải tiến hình thức, tùy chọn bao bì khác nhau cho cá và tôm đông lạnh có thể thu hút sự chú ý và mang lại lợi ích đáng kể cho người tiêu dùng bận rộn ở thành thị. Việc tổ chức các chương trình ẩm thực cũng giúp người tiêu dùng thấy rằng cá đông lạnh cũng ngon và đa dạng như cá tươi. Các chương trình giảm giá và ưu đãi khuyến mại có thể khuyến khích người tiêu dùng sử dụng thử các sản phẩm đông lạnh, dẫn đến sự chấp nhận rộng rãi hơn.

Định kiến ​​về thủy sản đông lạnh không chỉ là rào cản văn hóa mà còn liên quan tới sức khỏe cộng đồng và là trở ngại kinh tế của đất nước. Nếu vẫn tiếp tục giữ định kiến không tốt đối với các sản phẩm đông lạnh, người dân vô tình duy trì thói quen tiêu thụ các sản phẩm chất lượng thấp, ít dinh dưỡng và có khả năng gây bệnh cho cơ thể. Việc sử dụng cá đông lạnh cũng có thể mang lại lợi ích cho toàn bộ ngành nuôi trồng thủy sản thông qua việc thu hút đầu tư và thúc đẩy các biện pháp phát triển bền vững. Nếu được trang bị các cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc đông lạnh, ngành nuôi trồng sẽ được trang bị tốt hơn để đáp ứng không chỉ nhu cầu trong nước mà còn phục vụ mục tiêu xuất khẩu. Điều này cũng sẽ khuyến khích các hoạt động canh tác bền vững do người nông dân không còn phải chịu áp lực thu hoạch toàn bộ đàn cá cùng một lúc để đáp ứng nhu cầu thị trường ngắn hạn. Một thị trường cá và tôm ổn định hơn và kéo dài quanh năm sẽ tạo nên một ngành công nghiệp an toàn và có lợi nhuận hơn cho tất cả những người tham gia.

Việc thay đổi những nhận thức này sẽ cần thời gian, nhưng thông qua các biện pháp tuyên truyền và giáo dục, các hoạt động thực hành tốt hơn và sự hỗ trợ của những người có sức ảnh hưởng, Bangladesh có thể xây dựng một thị trường thủy sản đông lạnh thịnh vượng, mang lại lợi ích cho cả nền kinh tế và sức khỏe người tiêu dùng.

Hương Trà (theo thefishsite) 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác