Hội thảo tập huấn lần này được tổ chức với mục tiêu nâng cao nhận thức và kỹ năng cho các bên liên quan, từ cán bộ quản lý đến người dân địa phương, trong việc thành lập và vận hành hiệu quả mô hình HTX. Đây được xem là giải pháp chiến lược nhằm khắc phục những hạn chế trong việc khai thác thủy sản truyền thống, đồng thời xây dựng cơ chế đồng quản lý phù hợp với Luật HTX 2023 và các nghị định liên quan.
Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, việc xây dựng các mô hình HTX không chỉ đảm bảo lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản trước nguy cơ khai thác quá mức. “Mô hình HTX không chỉ là nơi tập hợp cộng đồng mà còn là giải pháp để quản lý, bảo tồn và khai thác bền vững tài nguyên thủy sản, đặc biệt tại các vùng ven biển như Bến Tre, Sóc Trăng và Kiên Giang,” ông nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc.
Những bài học thực tiễn từ mô hình HTX tiêu biểu và lập kế hoạch chi tiết cho mô hình HTX tại Kiên Giang
Ngày đầu tiên của hội thảo tập trung vào chia sẻ Chính sách, quy định pháp luật về HTX tại Việt Nam; giới thiệu mô hình HTX quản lý vùng biển và khai thác thủy sản (nghêu, sò huyết, sò lụa); Kinh nghiệm thành lập & hỗ trợ hoạt đông kinh doanh HTX tại một số địa phương; kinh nghiệm xây dựng HTX từ các địa phương đi đầu như Bến Tre, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Các đại biểu đã được lắng nghe câu chuyện thành công của HTX thủy sản Rạng Đông (Bến Tre) với hơn 3.500 thành viên và diện tích quản lý lên tới 1.500 ha. Đây là một ví dụ điển hình về việc tận dụng lợi thế quy mô lớn để nâng cao hiệu quả kinh tế, với doanh thu năm 2023 đạt hơn 35 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 8,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, đại diện tỉnh Sóc Trăng chia sẻ về mô hình HTX nuôi nghêu Cù Lao Dung, nơi đã thực hiện thành công việc liên kết chuỗi giá trị, từ nuôi trồng, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Sự liên kết này giúp HTX không chỉ tăng giá trị kinh tế mà còn bảo vệ được sinh kế cho hàng trăm hộ dân ven biển.
TS Trần Minh Hải và Ths Nguyễn Hoàng Minh Tâm cùng các chuyên gia từ IUCN và WWF hướng dẫn xây dựng mô hình HTX gắn với bảo quản và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản theo cộng đồng tại quần đào Bà Lụa, huyện Kiên Hải, Kiên Giang. Các nội dung trọng tâm bao gồm: Xây dựng điều lệ HTX, phương án kinh doanh và quy chế tài chính, Phân công nhân sự, từ Hội đồng Quản trị, Ban Giám đốc đến các thành viên kiểm soát và Ứng dụng công nghệ số trong quản lý, như phần mềm nhật ký sản xuất điện tử để tăng cường tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Ngày thứ hai của hội thảo tập trung vào hoàn thiện kế hoạch thành lập HTX quản lý, bảo vệ và khai thác thủy sản tại xã Sơn Hải, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Dự án này được kỳ vọng sẽ trở thành mô hình mẫu cho các địa phương khác.
Ban tổ chức đã đưa ra lộ trình cụ thể, từ khâu tuyên truyền vận động người dân tham gia HTX đến việc xây dựng phương án kinh doanh trong giai đoạn 2024-2025. Theo kế hoạch, HTX tại Sơn Hải sẽ tập trung vào các dịch vụ chính như: Quản lý và khai thác thủy sản bao gồm bảo vệ ngư trường, nuôi trồng, chế biến, và tiêu thụ các sản phẩm thủy sản; Dịch vụ đời sống cung cấp các nhu yếu phẩm như gạo, nước sạch và dịch vụ y tế; Phát triển du lịch cộng đồng kết hợp bảo tồn văn hóa và sinh thái để tạo thêm nguồn thu nhập.
Cũng trong ngày này, các đại biểu đã tham gia thảo luận về việc lồng ghép các kế hoạch phát triển HTX vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc phối hợp giữa các cơ quan như UBND xã, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, và các tổ chức phi chính phủ được đánh giá là yếu tố quyết định sự thành công của mô hình HTX.
Những lợi ích và kỳ vọng từ mô hình HTX
Mô hình HTX không chỉ giúp cải thiện đời sống kinh tế cho các thành viên mà còn mang lại lợi ích xã hội và môi trường to lớn. Bằng việc khai thác nguồn lợi thủy sản một cách bền vững, các HTX sẽ giảm thiểu được áp lực lên tài nguyên tự nhiên, đồng thời tạo việc làm ổn định cho cộng đồng ven biển.
Theo TS. Trần Minh Hải, một trong những diễn giả chính tại hội thảo, “HTX không phải là nơi phân chia lợi ích mà là nơi cùng nhau tạo ra những giá trị lớn hơn. Sự hợp tác và chia sẻ chính là chìa khóa để đảm bảo phát triển bền vững”.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ từ nhà nước, như ưu đãi về thuế, vốn vay và đào tạo kỹ thuật, cũng tạo điều kiện thuận lợi để HTX phát triển mạnh mẽ. Đây là động lực để các địa phương tích cực nhân rộng mô hình này, góp phần nâng cao vị thế của ngành thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Hội thảo tập huấn “Nâng cao năng lực cho các bên có liên quan về thành lập mô hình HTX quản lý, bảo vệ và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản” đã khép lại với nhiều kết quả tích cực. Sự kiện không chỉ là nơi trao đổi kiến thức và kinh nghiệm mà còn tạo nền tảng vững chắc cho các sáng kiến phát triển bền vững trong tương lai.
Với sự đồng hành của các tổ chức quốc tế và sự nỗ lực từ các địa phương, ngành thủy sản Việt Nam hứa hẹn sẽ có những bước tiến dài, góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Hải Đăng