Đào tạo kiến thức về nuôi biển sẽ quyết định đến quản trị rủi ro (18-10-2024)

Sáng ngày 17/10, Tại Hà Nội, Cục Thủy sản đã phối hợp với Đại sứ quán Na-uy tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) và một số đơn vị Trường đào tạo lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đã tổ chức cuộc họp về xây dựng chương trình và trao bộ tài liệu đào tạo nghề cho nuôi biển công nghiệp.
Đào tạo kiến thức về nuôi biển sẽ quyết định đến quản trị rủi ro

Tham dự cuộc họp có đại diện các đơn vị trực thuộc Cục Thủy sản, đại diện Đại sứ quán Na-uy tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (VCCI-HCM); Đại học Hạ Long; Trường Cao đẳng Thủy sản và Công nghệ thực phẩm Hải Phòng; Trường Cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thủy sản.

Nhằm triển khai Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 04/10/2021, đưa lĩnh vực nuôi biển trở thành một trong những trụ cột chính của ngành thủy sản phát triển một cách bền vững, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Thuỷ sản cùng với các tổ chức quốc tế, các đơn vị đào tạo từ các Viện, trường nghiên cứu, các chuyên gia cùng với địa phương đã tổ chức nhiều cuộc hội nghị, hội thảo cũng như tham vấn những kinh nghiệm từ các nước có nền công nghiệp nuôi biển tiên tiến, phát triển trên thế giới. Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên biển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quy mô nghề nuôi biển ở nước ta phần lớn là manh mún, nhỏ lẻ, diện tích nuôi biển mới chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước. Với chiều dài bờ biển 3.260 km, rộng 1 triệu km2, trong đó khảo sát sơ bộ có khoảng 500 nghìn km2 có thể phát triển nuôi biển.

Vì vậy có thể nói nuôi biển của chúng ta có lợi thế rất lớn và có thể trở thành ngành công nghiệp, với những đối tượng chủ lực, quy mô sản lượng lớn. Dự kiến đến năm 2030 chúng ta có thể nuôi biển đạt trên 2 triệu tấn, thay vì chỉ tập trung vào khai thác. Và, khi giảm được sản lượng khai thác, sẽ bảo tồn và phát triển thủy sản bền vững.

Tuy nhiên ngành nuôi biển vẫn đang đứng trước rất nhiều thách thức, như công nghệ nuôi lạc hậu, hành lang pháp lý chưa được khơi thông, nhận thức của người nuôi cũng như nguồn vốn để đầu tư vào nuôi biển công nghiệp vẫn còn hạn chế, kinh nghiệm cũng như kiến thức, kỹ năng trong việc lập kế hoạch cơ sở nuôi biển công nghiệp, tổ chức sản xuất vẫn còn thiếu và yếu. Đặc biệt, là kiến thức, kỹ năng áp dụng phòng ngừa rủi ro về thiên tai cũng như rũi ro về an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm còn yếu.

Phát biểu tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Thủy sản, ông Trần Đình Luân cho rằng, tiềm năng nuôi biển của Việt Nam còn rất lớn, lĩnh vực nuôi biển được xác định là một trong 3 trụ cột chính trong Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045. Trong đó, định hướng chiến lược của ngành thủy sản là giảm sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng, trong đó nuôi biển công nghiệp là một những định hướng lớn của ngành.

Tuy nhiên, ngành nuôi biển của chúng ta vẫn còn manh mún, tự phát chủ yếu theo kinh nghiệm truyền thống, công nghệ lồng bè lạc hậu, hành lang pháp lý cho nuôi biển công nghiệp chưa đồng bộ, vẫn còn nhiều vướng mắc, xung đột lợi ích giữa các ngành như: kinh tế, du lịch. Đặc biệt, trong cơn bão số 3 vừa qua đã bộc lộ những hạn chế rất lớn cho lĩnh vực nuôi biển của Việt Nam. Trong đó, có các yếu tố liên quan đến quản trị rủi ro, nhận thức của người nuôi, kiến thức ứng dụng khoa học công nghệ liên quan đến lồng bè, phao, neo và các tiêu chuẩn, quy chuẩn về nuôi biển vẫn còn thiếu chưa phù hợp với thực tiễn.

Trong bối cảnh, biến đổi khí hậu diễn biến hết sức phức tạp trong thời gian qua, để đưa nghề nuôi biển phát triển một cách bền vững, ngay từ bây giờ chúng ta cần xây dựng các chương trình đào tạo, nâng cao nhận thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, giảng viên giảng dạy trong các Viện, trường nghiên cứu để tiếp cận những kiến thức cơ bản, kinh nghiệm thực tiễn của các nước tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực nuôi biển để từ đó đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng cho phát triển nuôi biển. Tổ chức các lớp đào tạo tập huấn phổ biến kiến thức, kỹ năng cho các hộ nuôi, trang trại nuôi biển, để hình thành các hạt nhân từ đó nhân rộng các mô hình nuôi biển hiệu quả cho người nuôi.

Cùng với đó, chúng ta cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, trong đó có kinh nghiệm từ Na-uy xây dựng khung tiêu chuẩn, quy chuẩn cho lĩnh vực nuôi biển đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) đã phối hợp với các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước để xây dựng Bộ tài liệu đào tạo về nuôi biển công nghiệp.

Phát biểu, tại cuộc họp bà Bùi Thị Ninh, Trưởng phòng Văn phòng Giới sử dụng lao động – VCCI Hồ Chí Minh, Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM (VCCI - HCM) cho biết, VCCI đang hợp tác với Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) và Liên đoàn Giới chủ Na Uy (NHO) cùng các chuyên gia hàng đầu về giáo dục nghề nghiệp xây dựng chương trình đào tạo ngắn hạn về nuôi biển công nghiệp.

Đối tượng đào tạo là ngư dân nuôi biển truyền thống muốn chuyển đổi sang nuôi biển công nghiệp; lao động kỹ thuật lành nghề (trưởng nhóm, kỹ thuật viên); giám sát nuôi biển công nghiệp.

Nôi dung chương trình đào tạo này có 4 học phần, gồm: Học phần 1 là thiết lập cơ sở nuôi cá biển công nghiệp. Học phần 2 là kỹ thuật vận hành cơ sở nuôi cá trên biển. Học phần 3 là kỹ thuật nuôi và thu hoạch cá trên biển. Học phần 4 là bảo trì, đánh giá cơ sở nuôi cá biển công nghiệp.

VCCI bày tỏ mong muốn, các trường đại học, cao đẳng có đào tạo nghề thủy sản sẽ tiếp nhận chương trình này để giảng dạy trong thời gian tới. Trong quá trình xây dựng bộ tài liệu các chuyên gia đã đi khảo sát thực tiễn tại các địa phương có nuôi biển phát triển như: Quảng Ninh, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Kiên Giang và đã học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới, trong đó có Na-uy. Bộ tài liệu gồm 18 Moldun trong chuỗi phát triển nuôi công nghiệp. Tài liệu thể hiện trực quan phù hợp với thực tiễn nuôi biển của Việt Nam. Thời gian tới, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) sẽ phối hợp với Cục Thủy sản, các Trường đào tạo và các địa phương sẽ phổ biến kiến thức cho đội ngũ giảng viên và tổ chức các lớp tập huấn thực tế tại các địa phương cho người nuôi giúp nâng cao kỹ năng, kiến thức về nuôi biển công nghiệp từ đó nhân rộng mô hình.

Bà Đặng Phương Liên, Cố vấn cao cấp Phòng Thương mại, Đại sứ quán Hoàng gia Na Uy tại Hà Nội nhấn mạnh, với hơn 40 năm kinh nghiệm nuôi cá hồi, Na Uy sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm thành công lẫn thất bại của ngành cá hồi Na Uy với Việt Nam. Đại sứ Na Uy mong muốn được đồng hành cùng Việt Nam trong việc phát triển nuôi biển bền vững và rất muốn được lắng nghe về những nhu cầu của Việt Nam, đặc biệt là từ các địa phương, nhất là vấn đề liên quan đến đào tạo kỹ năng nuôi biển.

Đại diện các Trường đào tạo đánh giá cao sự hỗ trợ của các đối tác và sẵn sàng cử đội ngũ giảng viên tiếp cận chương trình và xây dựng chương trình đào tạo về nuôi biển công nghiệp, hiện nay tại các địa phương nhu cầu về đào tạo tập huấn cho người nuôi, doanh nghiệp về kiến thức nuôi biển rất cần thiết, đặc biệt qua cơn bão số 3 vừa qua là bài học rất sâu sắc cho người nuôi về cập nhật những kiến  thức trong nuôi biển là yếu tố rất quan trọng để quản trị rũi ro, hiệu quả kinh tế trong nuôi biển công nghiệp.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác