Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 4,355 tỷ USD, tăng 4,9% (03-07-2024)

Sáng ngày 03/7, tại Hà Nội, Cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp &PTNT tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2024 của ngành thủy sản.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 4,355 tỷ USD, tăng 4,9%

Tham dự Hội nghị có đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và &PTNT, Cục Thủy sản; Bộ Công an; Cục Kiểm ngư; Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản; Cục Thúy y; Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản; Viên nghiên cứu NTTS I,II,III; Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep); Hội Thủy sản Việt Nam cùng các phóng viên báo đài đến đưa tin về Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến dự và chỉ đạo Hội nghị.

Theo báo cáo của Cục Thủy sản tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 đạt trên 4,38 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, sản lượng thủy sản khai thác đạt hơn 1,95 triệu tấn; nuôi trồng thủy sản đạt trên 2,43 triệu tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 4,355 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Về sản xuất giống thủy sản hiện cả nước có 7.256 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống với tổng sản lượng 166 tỷ con, trong đó, tôm giống bố mẹ nước lợ 07 cơ sở, tôm giống thương phẩm 2.267 cơ sở, 1.690 cơ sở sản xuất giống cá tra; giống nhuyễn thể 835 cơ sở, 112 cơ sở sản xuất giống cá biển, 195 cơ sở sản xuất giống thủy sản nước ngọt. Về nuôi trồng thủy sản: Nuôi biển có khoảng 9,2 triệu m3 lồng (4 triệu m3 nuôi cá biển; 5,2 triệu m3 lồng nuôi tôm hùm) và 55ha nuôi nhuyễn thể (sò, nghêu, trai, hàu, mực).

Nuôi thủy sản nước lợ với diện tích 674,5 nghìn ha, tăng 1,1% so với cùng kỳ (tôm nước lợ, tôm sú, tôm thẻ chân trắng) 666,5 nghìn ha, sản lượng 454,8 nghìn tấn. Diện tích nuôi cá tra 3.104 ha, giảm 2,8% diện tích so với cùng kỳ, sản lượng 832 nghìn tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Sản lượng khai thác thủy sản 1,953 triệu tấn, trong đó sản lượng thủy sản khai thác trên biển 1,864 triệu tấn; khai thác nội địa (sông, hồ) 89 nghìn tấn.

Hiện cả nước có 85.980 tàu: Tàu cá có chiều dài từ 6-12 mét là 39.867 chiếc; tàu có chiều dài từ 12-15 mét là 16.561 chiếc; tàu có chiều dài từ 15-24 mét là 27.022 chiếc; tàu trên 24 mét là 2.530 chiếc.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành thủy sản vẫn còn đối mặt với những tồn tại khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu đã đề ra, chính vì vậy, Cục trưởng Cục Thủy sản, ông Trần Đình Luân đề nghị các đại biểu tham dự tập trung mổ xẻ, nhận diện những khó khăn và đề ra các giải pháp cụ thể cho từng đối tượng, từng lĩnh vực để tham mưu cho lãnh đạo Cục, lãnh đạo Bộ, Ban, ngành và địa phương kịp thời chỉ đạo điều hành trong 6 tháng cuối năm 2024.

Mục tiêu giảm sản 8% lượng khai thác thủy sản có thể không đạt được

Phát biểu tại Hội nghị, Ông Vũ Duyên Hải, Trưởng phòng Khai thác Thủy sản cho biết mục tiêu giảm sản lượng khai thác vẫn chưa đạt được như kỳ vọng đề ra là 1 trong những thách thức của ngành khi cơ cấu đội tàu, công tác chuyển đổi nghề vẫn chưa thể giải quyết một cách đồng bộ, quyết liệt. Dự báo trong 6 tháng cuối năm thời tiết tương đối thuận lợi, nguồn lợi cá nổi phân bố tốt giá cả các mặt hàng thủy sản đang ở mức cao do đó sản lượng dự báo tiếp tục có xu hướng tăng vì vậy mục tiêu giảm sản lượng khai thác trong năm nay xuống 8% có thể không đạt được. Về lâu dài cần có giải pháp về nguồn lực để tập trung thực hiện cơ cấu lại đội tàu khai thác, chính sách cho chuyển đổi nghề tại các địa phương đi vào thực chất hiệu quả hơn từ đó mới có thể giảm sản lượng khai thác. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả chuyến biến bằng cách ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác thủy sản để giảm chi phí chuyến biển, nâng cao ứng dụng công nghệ bảo quản sản phẩm để giảm tổn thất sau thu hoạch.

Đối với công tác chống khai thác IUU, hiện các địa phương đã vào cuộc quyết liệt trong ngăn chặn các hành vi vi phạm cũng như triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (ECDT). Tuy nhiên, trong công tác xử lý vi phạm về mất kết nối VMS một số địa phương vẫn chưa xử lý nghiêm, kiểm soát tàu cá, giám sát tại cảng vẫn tồn tại hạn chế do thiếu nguồn lực, nhân lực thực hiện.

Quy định về kích cỡ khai thác cá ngừ văn đang gây khan hiếm nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp

Đặc biệt, về lĩnh vực khai thác, một vấn đề mới đang gây ra khó khăn cho nhiều doanh nghiệp hiện nay đó là quy định về kích cỡ chiều dài nhỏ nhất cho phép khai thác đối với cá ngừ vằn là 0,5m. Mặc dù, quy định nêu ra dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tuy nhiên quy định này cũng đang khiến cho nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu sản phẩm cá ngư khan hiếm nguồn nguyên liệu, nguy cơ mất nhiều thị trường lớn cần phải sớm điều chỉnh phù hợp trong thời gian sớm nhất.

Theo bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 6/2024, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt 875 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ đầu năm 2024 tới nay. Kết quả này đã đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 6 tháng đầu năm nay đạt trên 4,35 tỷ USD, tăng gần 4,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chủ lực đều có tăng trưởng cao trong tháng 6, trong đó, xuất khẩu cá tra tăng 22%, cá ngừ tăng 40%, cua ghẹ tăng 59%. Riêng mặt hàng tôm tăng nhẹ 7%. Mực, bạch tuộc là sản phẩm duy nhất giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng đối với mặt hàng tôm, nửa đầu năm nay mang về hơn 1,6 tỷ USD, cao hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm chân trắng đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng nhẹ 3%, tôm sú đạt trên 200 triệu USD, giảm 10%. Riêng xuất khẩu tôm hùm tăng mạnh gấp 57 lần so với cùng kỳ đạt hơn 130 triệu USD.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất tôm hùm của Việt Nam, chiếm đến 98 - 99%, xuất khẩu tôm hùm trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng gấp 57 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện Việt Nam có 46 cơ sở bao gói được xuất khẩu tôm hùm vào thị trường Trung Quốc. Xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc đang có chiều hướng thuận lợi nhưng về lâu dài, cần phải hướng đến việc xuất khẩu chính ngạch. Muốn vậy, cần phải xây dựng các chuỗi liên kết từ khâu sản xuất, thu mua đến xuất khẩu, gắn với truy xuất nguồn gốc minh bạch.

Với mặt hàng xuất khẩu chủ lực cá tra đạt 922 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng gần 6% so với cùng kỳ. Tuy có cải thiện về nhu cầu của các thị trường, nhưng giá xuất khẩu sang các thị trường vẫn thấp, như Trung Quốc, EU, Anh… Chỉ có thị trường Mỹ có tín hiệu khả quan hơn về cả giá và khối lượng nhập khẩu.

Xuất khẩu cá ngừ nửa đầu năm nay tăng gần 25% đạt 477 triệu USD, chủ yếu nhờ phân khúc cá đóng hộp, đóng túi tăng mạnh.

Ngoài cá ngừ, còn có nhiều mặt hàng cá biển có nhu cầu và doanh số bán tăng mạnh trong nửa đầu năm nay. Trong đó, cá chẽm có tăng trưởng xuất khẩu 27% đạt trên 36 triệu USD, cá chỉ vàng tăng 14% đạt trên 29 triệu USD, cá thu tăng 6%, cá minh thái tăng 8% đạt 38 triệu USD, cá cam tăng 96%. Một số loài cá nước ngọt có nhu cầu nhập khẩu tăng bao gồm: cá diêu hồng tăng 32%, cá rô tăng 18%, lươn tăng 93%.

Về thị trường tiêu thụ,  EU đang có xu hướng ổn định dần dần. Giá cả thị trường và tiêu dùng đang ổn định, đồng thời lạm phát thủy sản tiếp tục giảm xuống mức 2,1% trong tháng 5. Kể từ tháng 3, lạm phát thậm chí còn giảm đáng kể hơn đối với thủy sản đông lạnh, với tỷ lệ lạm phát âm 0,9% trong tháng 5. Dự báo nhu cầu và nhập khẩu thủy sản của EU sẽ tăng trờ lại sau kỳ nghỉ hè ở châu Âu.

Ngoài ra, xuất khẩu thủy sản sang 2 thị trường lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc – Hồng Kông (Trung Quốc) đều ghi nhận tăng trưởng cao trong tháng 6. Cụ thể, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ tăng 14%, sang thị trường Trung Quốc – Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 18%.

Theo các chuyên gia, kinh tế Mỹ năm nay có những tín hiệu lạc quan. Lạm phát tại Mỹ đã giảm nhanh từ 9% xuống còn 3% trong năm nay, Mỹ sẽ sớm có động thái cắt giảm lãi suất trong năm nay để kích cầu tiêu dùng, do đó sẽ có cơ hội tốt cho các nhà xuất khẩu. Nửa đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ đạt 733 triệu USD tăng 9%; xuất khẩu sang Trung Quốc - Hồng Kông (Trung Quốc) nửa đầu năm tăng 7% đạt 766 triệu USD.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với xuất khẩu thủy sản chính là từ các đối thủ cạnh tranh trực tiếp của chúng ta như Ecuador và Ấn độ, tôm giá rẻ hơn chúng ta đang chiếm thị phần xuất khẩu của chúng ta tại một số thị trường. Ngoài ra, dịch bệnh đang diễn biến khó lường có thể ảnh hưởng lớn đến nguồn nguyên liệu trong 6 tháng cuối năm. Chính vì vậy cần có giải pháp kiểm soát dịch bênh, tăng cường quan trắc cảnh báo môi trường và có dự báo chính xác kịp thời đến người dân từ đó mới có thể ổn định được nguồn nguyên liệu trong 6 tháng cuối năm. Bên cạnh đó, nguyên liệu cá ngừ cũng là một vấn đề khó khăn lớn trong 6 tháng cuối năm 2024 nếu như quy định về kích cỡ khai thác không kịp thời tháo gỡ.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà ngành thủy sản đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024, về cơ bản các chỉ tiêu đã đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đã đề ra có sự chuyển biến tích cực. Quỹ đạo tăng trưởng cũng như các động lực mới và tín hiệu từ thị trường, thời tiết được dự báo khả quan trong 6 tháng cuối năm 2024. Tuy nhiên, một số mục tiêu vẫn chưa thực sự bền vững như giảm sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Công tác quản lý đội tàu khai thác, chuyển đổi nghề vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt. Trong công tác chống khai thác IUU cần phải quyết liệt hơn nữa mới có thể gỡ được cảnh báo “thẻ vàng IUU”, đặc biệt là công tác quản lý đội tàu và xử lý vi phạm.

Trong 6 tháng cuối năm 2024, Thứ trưởng đề nghị tập trung rà soát quản lý chặt chẽ đội tàu khai thác, xử lý khối tàu cá “3 không” và tập trung cao điểm về chống khai thác IUU. Kịp thời xem xét tháo gỡ liên quan đến quy định kích cỡ khai thác cá ngư vằn. Đẩy mạnh quản lý con giống, thức ăn và vật tư đầu vào, không để thiếu hụt nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần bám sát, thường xuyên theo dõi hoạt động cảnh báo quan trắc môi trường, kiểm soát dịch bệnh để không bị động có hướng xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, ngành thủy sản cần đẩy mạnh các hoạt động nuôi biển, cơ giới hóa đội tàu khai thác thủy sản, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để bảo quản nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, giảm tổn thất.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác