Có thể nói, Cục Thủy sản được thành lập trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như kinh tế - xã hội trong nước phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, với nhiều sự biến động nhất định. Bối cảnh thế giới phải chứng kiến rất nhiều khó khăn, ngành thuỷ sản chịu ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine kéo dài, giao tranh giữa Israel - Hamas, tình hình bất ổn tại Trung đông khiến kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn so với dự báo, làn sóng lạm phát ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, người dân các nước thắt chặt chi tiêu, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu giảm mạnh trong đó có sản phẩm thủy sản, dẫn đến những khó khăn trong hoạt động xuất khẩu.
Trong nước tình hình kinh tế-xã hội trong nước cũng gặp không ít những khó khăn thách thức, trong khi đó, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp khó lường, thời tiết ngày càng cực đoan, bất thường; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng; tình hình an ninh trật tự trên biển diễn biến phức tạp, các nước trong khu vực tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác trên biển, ngư trường khai thác thủy sản bị thu hẹp đáng kể. Việc EC vẫn tiếp tục giữ cảnh báo “Thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam, nhu cầu nhập khẩu chưa có dấu hiệu phục hồi, sự cạnh tranh mạnh mẽ của các thị trường và lượng tồn kho của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trong nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn thách thức thì ngành thủy sản cũng nhận rất nhiều sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ trưởng và các Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bằng chứng là thời gian qua, hàng loạt khung khổ pháp lý quan trọng là xương sống cho phát triển từ các Chương trình, Chiến lược, đề án và chương trình hành động phát triển tổng thể bao trùm tất cả các lĩnh vực của ngành đã cơ bản được hoàn thiện tạo tiền đề để xác định các mục tiêu, giải pháp trọng tâm cho phát triển ngành thủy sản trong thời gian tới và cho giai đoạn tiếp theo. Điều này hết sức quan trọng trong bối cảnh tình hình mới của đất nước và thế giới có những thay đổi, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số đang diễn ra hết sức mạnh mẽ. Các yêu cầu của thị trường, đối tác xuất khẩu ngày càng khắt khe đòi hỏi ngành thủy sản có định hướng chiến lược, mục tiêu rõ ràng trong thời gian tới.
Ngay khi Nghị định số 105/2022/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã tích cực hoàn thiện cơ cấu, tổ chức của các đơn vị trực thuộc, trong đó, Ngày 08/5/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 1786/QĐ-BNN-TCCB về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thủy sản.
Cơ cấu tổ chức, bộ máy của Cục Thủy sản được kiện toàn ngay khi chức năng nhiệm vụ được Bộ phân giao giúp cho việc tham mưu Bộ trong chỉ đạo, điều hành hoạt động quản lý, tổ chức sản xuất xuyên suốt, liền mạch.
Với chức năng nhiệm vụ mới sau khi được kiện toàn, Cơ cấu tổ chức của Cục Thủy sản gồm: Văn phòng Cục; 07 phòng chuyên môn (Phòng Kế hoạch, Tài chính; Phòng Pháp chế, Thanh tra; Phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế; Phòng Nuôi trồng thủy sản; Phòng Giống và Thức ăn thủy sản; Phòng Khai thác thủy sản; Phòng Quản lý tàu cá và Cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá) và 03 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc (Trung tâm Thông tin thủy sản; Trung tâm Đăng kiểm tàu cá; Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định nuôi trồng thủy sản).
Theo Quyết định về chức năng nhiệm vụ, Cục Thủy sản có chức năng nhiệm vụ thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng thủy sản; khai thác thủy sản; đăng kiểm tàu cá, quản lý tàu cá, tàu công vụ thủy sản, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; tổ chức sản xuất thủy sản gắn với chế biến, thương mại thủy sản, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái thủy sinh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng.
Được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành, sự quan tâm chỉ đạo của Bộ trưởng và các Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đặc biệt là đồng chí Thứ trưởng trực tiếp phụ trách và sự chủ động, khẩn trương của lãnh đạo Cục Thủy sản đã kịp thời kiện toàn các chức danh lãnh đạo và tiếp tục bám sát những mục tiêu, định hướng phát triển đã đề ra cho ngành trong năm 2023 và những năm tiếp theo giúp cho việc tham mưu Bộ trong chỉ đạo, điều hành hoạt động quản lý, tổ chức sản xuất xuyên suốt, liền mạch.
Theo đó, kết thúc năm 2023, ngành thủy sản cơ bản hoàn thành tất cả những mục tiêu đã đề ra, đưa tổng sản lượng thủy sản năm 2023 của toàn ngành đạt hơn 9,23 triệu tấn (tăng 2% so với năm 2022). Trong đó, sản lượng khai thác đạt hơn 3,8 triệu tấn; sản lượng nuôi, trồng đạt hơn 5,43 triệu tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 9,2 tỷ USD.
Từ những nhận định, phân tích đánh giá trong tổng thể chung của tình hình kinh tế giới và trong nước, ngành thủy sản sản đã đề ra những mục tiêu, định hướng của thể cho năm 2024. Cụ thể, năm 2024 ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 1,3 triệu ha; tổng sản lượng thủy sản khoảng 9,22 triệu tấn, với kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 9,5 tỷ USD.
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu thủy sản tháng 4/2024 đạt 770 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đưa lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản thu về 2,7 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.
Như vậy có thể khẳng định sau 01 năm được kiện toàn, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ mới của Cục Thủy sản, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và linh hoạt của Bộ Nông nghiệp và PTNT, sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí Bộ trưởng, Thứ trưởng, sự quyết tâm của lãnh đạo Cục Thủy sản cùng với sự cố gắng của đội ngũ các doanh nghiệp, người dân tiếp tục kế thừa những kinh nghiệm và phát huy tinh thần vượt khó của ngành, ngành thủy sản duy trì được tốc độ phát triển giữ vững được vị thế, vai trò quan trọng của ngành trong tổng thể kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, là giữ vững vai trò quan trọng trong tổng thể ngành nông nghiệp, góp phần đưa ngành nông nghiệp tiếp tục phát huy vai trò là trụ đỡ của ngành kinh tế của đất nước, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ...
Để tiếp tục phát huy và đưa ngành thủy sản phát triển một cách bền vững giữ vững vai trò và vị thế của ngành trong thời gian tới và giai đoạn mới tiếp theo đòi hỏi các cấp lãnh đạo Cục Thủy, lãnh đạo các đơn vị cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức người lao động tập trung, quyết tâm, sáng tạo không ngừng nỗ lực phấn đấu hơn nữa cùng với các địa phương sát cánh cùng doanh nghiệp, người dân bám sát các mục tiêu, định hướng đã đề ra tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa ra những chính sách, giải pháp phù hợp để mục tiêu chung đến năm 2030 là phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế; đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Và các chỉ tiêu chủ yếu của ngành thủy sản đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,0 - 4,0%/năm. Tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn; trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản 7,0 triệu tấn, sản lượng khai thác thủy sản 2,8 triệu tấn.
Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14 - 16 tỷ USD. Giải quyết việc làm cho trên 3,5 triệu lao động, có thu nhập bình quân đầu người lao động thủy sản tương đương thu nhập bình quân chung lao động cả nước. Xây dựng các làng cá ven biển, đảo thành các cộng đồng dân cư văn minh, có đời sống văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc riêng gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tầm nhìn đến năm 2045, thủy sản phải là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến; là trung tâm chế biến thủy sản sâu, thuộc nhóm ba nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới; giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển, góp phần bảo đảm an ninh dinh dưỡng, thực phẩm; bảo đảm an sinh xã hội, làng cá xanh, sạch, đẹp, văn minh; lao động thủy sản có mức thu nhập ngang bằng mức bình quân chung cả nước; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo trở thành hiện thực.
Văn Thọ