Vietshrimp 2024 do Cục Thủy sản Việt Nam, Hội Thủy sản Việt Nam, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau và Tạp chí Thuỷ sản Việt Nam phối hợp tổ chức với chủ đề “Đồng hành cùng người nuôi tôm ”, diễn ra từ ngày 20 - 22/03/2024.
Đồng hành với người nuôi tôm để có năng suất như kỳ vọng
Theo Hội Thủy sản Việt Nam, tôm là mặt hàng chủ lực của ngành thủy sản nói riêng, nông nghiệp Việt Nam nói chung. Hằng năm, ngành hàng này mang về nguồn thu cho nước ta gần 4 tỷ USD và đóng góp khoảng 45 - 50% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
Năm 2023, diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước đạt 737 nghìn ha, sản lượng khoảng 1,12 triệu tấn, tăng 5,5% so với năm 2022. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu tôm lại bị sụt giảm gần 20%. Năm 2024, khó khăn còn nhiều, nhưng dự báo ngành tôm xuất khẩu sẽ khởi sắc, tăng 10 - 15% so với năm 2023, dự kiến thu về hơn 4 tỷ USD.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau cho biết: “VietShrimp 2024 được tổ chức tại tỉnh Cà Mau là cơ hội để các ngành, đơn vị chức năng và người dân trong tỉnh Cà Mau có điều kiện học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để tổ chức tốt việc sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm trong thời gian tới. Bởi từ lâu, con tôm đóng vai trò chủ lực trong ngành nông nghiệp Cà Mau.”
Đây là sự kiện có ý nghĩa rất thiết thực, không chỉ góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh và thương hiệu tôm Việt Nam, mà còn là cơ hội để các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nuôi tôm cùng trao đổi, cập nhật tình hình, những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến,..
Với mong muốn tiếp tục đưa con tôm Việt Nam đến với nhiều thị trường mới, khẳng định vị thế, thương hiệu trên bản đồ ngành công nghiệp tôm toàn cầu, ban tổ chức VietShrimp 2024 hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn của hàng triệu người nuôi tôm, các trang trại, doanh nghiệp, chuyên gia trong nước, quốc tế; các sở ban ngành, cơ quan thông tấn báo chí cũng như khách tham quan.
Phát biểu tại lễ khai mạc hội chợ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, cho rằng ngành tôm muốn phát triển phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đây là động lực quyết định nâng cao sức cạnh tranh để giảm giá thành cạnh tranh với tôm thế giới. Tuy nhiên, việc sản xuất phải chú trọng đến yếu tố môi trường, giảm phát thải.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Hội chợ sẽ là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp, các đối tác và khách hàng; là diễn đàn để 4 “nhà” là Nhà nước, Nhà khoa học, Doanh nghiệp và Nhà nông cùng chung tay tìm ra giải pháp, đưa ngành tôm phát triển hiệu quả và bền vững; duy trì vị thế trên thị trường thế giới, kết nối tất cả các lĩnh vực với thế giới; cùng với đó, học tập kinh nghiệm, tiến bộ kỹ thuật của các quốc gia tiên tiến để nâng tầm ngành tôm Việt”.
Nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn chuỗi giá trị tôm Việt
Ngay sau lễ khai mạc, nằm trong khuôn khổ chương trình Hội chợ triển lãm quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 5 năm 2024, diễn ra hội thảo: “Nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn chuỗi giá trị tôm Việt” do Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức.
Tại hội thảo, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết: Vấn đề giảm phát thải, xây dựng ngành nông nghiệp tuần hoàn như cam kết của Việt Nam tại COP26, 28 đang được triển khai tích cực. Đối với lĩnh vực thủy sản, ngành xuất khẩu chủ lực của cả nước càng phải khởi động sớm ngay từ đầu với những giải pháp, sáng kiến giúp nâng cao chất lượng, uy tín thương hiệu của thủy sản Việt Nam là thủy sản xanh. Hội thảo là dịp để các doanh nghiệp, người dân chia sẻ sáng kiến góp phần đưa ngành tôm phát triển. Cục trưởng mong muốn ngành tôm phải đồng hành cùng nhau giữa các thành phần tham gia, đồng hành chia sẻ tạo sức mạnh trong ngành nuôi tôm.
|
Tiềm năng kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực thủy sản là rất lớn trong đó có phụ phẩm từ con tôm. Làm thế nào để xử lý vấn đề cho tốt, góp phần gia tăng giá trị, giảm phát thải tăng giá trị cho người nuôi tôm rất quan trọng. Cục trưởng Trần Đình Luân nhấn mạnh: “Do vậy, thay đổi nhận thức của người nuôi để tổ chức thu gom vỏ tôm lột trong quá trình nuôi, cung cấp cho các nhà máy chế biến sẽ góp phần gia tăng giá trị, giảm phát thải, tăng giá trị cho người nuôi tôm”.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu thảo luận, phân tích, đánh giá thách thức của ngành tôm Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt là giá tôm đang có xu hướng giảm. Nguyên nhân là do giá nguyên liệu đầu vào cao, tác động của biến đổi khí hậu, khâu sản xuất và phân phối thức ăn còn nhiều bất cập, quy trình sản xuất giống còn nhiều hạn chế.
Kinh tế tuần hoàn trong nuôi tôm là mô hình giảm thiểu lãng phí tài nguyên và tạo ra chu trình tái sinh tự nhiên,.. và đang trở thành xu hướng được nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp, người nuôi tôm quan tâm. Các chuyên gia, diễn giả đã đề xuất nhiều giải pháp công nghệ đối với sản phẩm tôm Việt theo định hướng theo kinh tế tuần hoàn, hướng đến nuôi trồng thủy sản không phát thải ròng như giải pháp giảm phát thải như tận dụng năng lượng xanh, năng lượng hợp lý từ việc trồng rừng; ứng dụng công nghệ sinh học nuôi tôm trong giảm phát khí thải; xây dựng hệ sinh thái nuôi trồng thủy sản dựa trên dữ liệu, giải pháp dinh dưỡng và công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững cho ngành tôm Việt Nam,..
Thanh Thủy