Doanh nghiệp với Chuyển đổi xanh và Đổi mới sáng tạo trong ngành nông nghiệp (01-02-2024)

Trong khuôn khổ Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV), Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị toàn thể nhóm đối tác công tư, với chủ đề “Doanh nghiệp với Chuyển đổi xanh và Đổi mới sáng tạo trong ngành nông nghiệp”.
Doanh nghiệp với Chuyển đổi xanh và Đổi mới sáng tạo trong ngành nông nghiệp

Hội nghị được tổ chức ngày 31/01/2024, tại Hà Nội, Thứ trưởng Hoàng Trung dự và chỉ đạo Hội nghị. Cùng tham dự Hội nghị có Trưởng các Nhóm đối tác công tư (PPP); các cơ quan có liên quan của Bộ; các Bộ, ngành; các doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, hiệp hội, tổ chức quốc tế và phi chính phủ. Thứ trưởng Hoàng Trung dự và chỉ đạo Hội nghị.

Đề án FIHV kỳ vọng phát triển nông nghiệp xanh, bền vững

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Trung cho biết: Nông nghiệp Việt Nam đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp gần 15% GDP của quốc gia. Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn và thách thức, tăng trưởng GDP toàn ngành năm 2023 ước đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây. Kim ngạch xuất khẩu nông lân thủy sản đạt trên 53 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt mức kỷ lục 12 tỷ USD.

Ngành nông nghiệp đang chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thuỷ sản, hướng tới những "giá trị xanh" để tạo ra các sản phẩm có giá trị tăng cao, dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng, kết nối với chuỗi lương thực thực phẩm toàn cầu.

Thực hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam tại Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), về việc phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi, hướng tới phát triển nền nông nghiệp sinh thái, trung hòa các bon bên cạnh mục tiêu an ninh lương thực. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong toàn bộ chuỗi giá trị nông nghiệp, đi liền với việc "tri thức" hóa người nông dân.

Thứ trưởng Hoàng Trung đánh giá cao vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang đầu tư vào chuỗi sản xuất, chế biến, dự trữ, hậu cần và kinh doanh nông lâm thủy sản tại Việt Nam. tại Việt Nam. “Có thể nói doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng và trung tâm, nhất là trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản. Doanh nghiệp tạo việc làm và thu nhập, nâng cao trình độ sản xuất cho người nông dân. Doanh nghiệp tiên phong trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; chủ động tìm kiếm, phát triển thị trường, nâng cao giá trị cho nông sản. Doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm cao hơn không chỉ về tăng trưởng kinh tế mà cả các vấn đề xã hội và môi trường”, Thứ trưởng đánh giá.

Tháng 12 năm 2023, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án thành lập thành lập Mạng lưới Đối mới Sáng tạo lương thực, thực phẩm tại Việt Nam (FIHV). Đề án được thực hiện sẽ góp phần phát triển ngành nông nghiệp xanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường mà còn giúp ứng phó với biến đổi khí hậu và kết nối với hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu theo hướng “Minh bạch - Trách nhiệm - Bền vững”.

Thúc đẩy hợp tác, đầu tư vì một nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường

Để triển khai hiệu quả Đề án Mạng lưới Đối mới Sáng tạo lương thực, thực phẩm tại Việt Nam (FIHV), Bộ Nông nghiệp và PTNT kêu gọi sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế, đặc biệt là những đơn vị có kinh nghiệm và chuyên môn về đổi mới sáng tạo.

Tại hội nghị, các tham luận cùng nhau chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong việc thúc đẩy hợp tác, tăng cường đầu tư vì "một nền nông nghiệp xanh, hiệu quả, bền vững và thân thiện với môi trường" góp phần đưa Việt Nam thành một Trung tâm đổi mới sáng tạo về lương thực, thực phẩm hàng đầu tại khu vực. Nhiều tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước chia sẻ các mô hình thành công trong áp dụng đổi mới sáng tạo và thúc đẩy nông nghiệp xanh, giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp...

Các đại biểu cho rằng, thiên tai, dịch bệnh, xung đột địa chính trị đã và đang gây thiệt hại nặng nề về sức khỏe, kinh tế, an sinh xã hội ở quy mô toàn cầu. Kể từ thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19, đến nay, thế giới đã và đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức khó lường trong lịch sử hội nhập kinh tế quốc tế hiện đại. Chuỗi cung ứng bị gián đoạn; sản xuất lương thực, an ninh lương thực bị ảnh hưởng, đời sống của người dân nông thôn,... Tài nguyên cho sản xuất nông nghiệp ngày càng khan hiếm, đặc biệt là tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã và đang là những thách thức lớn trong đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng cho toàn thế giới.

Để giải quyết các vấn đề này, hệ thống lương thực thực phẩm cần phải đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất và tính bền vững trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Trong đó, thúc đẩy hợp tác công tư để phát triển nền nông nghiệp xanh, đổi mới sáng tạo và gia tăng giá trị là rất cần thiết, từ đó thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân để tái cơ cấu, chuyển đổi lĩnh vực nông nghiệp theo hướng sinh thái và bền vững.

Thông tin tại Hội nghị, đại diện các đối tác trong phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam, bà Beverley Postma Giám đốc Điều hành Tổ chức Tăng trưởng Châu Á cho biết, với mạng lưới kết nối với 600 đối tác ở nhiều quốc gia trong đó có nhiều tổ chức đang hoạt động tại Việt Nam, Tổ chức Tăng trưởng Châu Á cùng với nguồn quỹ hỗ trợ cho các hoạt động và những tác nhân tham gia chuỗi giá trị trong nông nghiệp sẽ góp phần đảm bảo hành động của các quốc gia trong phát triển nông nghiệp một cách bền vững.

"Muốn giải quyết những thách thức này trong thời gian tới cần có sự chuyển đổi mang tính cấp bách. Nguồn quỹ của chúng tôi đóng vai trò như là những cơ chế mang tính kết nối giữa khối công - tư. Chúng tôi đang hợp tác với nhiều đối tác khác tại Bộ Nông nghiệp và PTNT để có thể triển khai những quỹ này một cách chiến lược và xác định những ưu tiên cấp bách cần cung cấp cho người nông dân. Chúng tôi rất tự hào hỗ trợ cho Bộ Nông nghiệp và PTNT trong hành trình của mình hướng tới nền nông nghiệp minh bạch cũng như một hệ thống thực phẩm bền vững hơn", bà Beverley Postma nhấn mạnh.

Ông Bino Jacob, Giám đốc điều hành Nestle Việt Nam, đồng chủ trì PSAV cho biết: Thế giới hiện đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, tác động bởi biến đổi khí hậu và để vượt qua được thì cần có sự nỗ lực rất lớn từ cả khu vực chính phủ và khu vực tư nhân. Mối quan hệ đối tác, hợp tác PPP có thể chứng minh cho những thay đổi rất điển hình, đặc biệt là khắc phục những khó khăn, thách thức mà ngành nông nghiệp đang phải đối mặt. Nông nghiệp được coi là ngành xương sống của nền kinh tế Việt Nam. Ông Bino Jacob đánh giá cao Bộ Nông nghiệp và PTNT với những nỗ lực chuyển đổi, hướng tới phát triển một nền nông nghiệp xanh, hiệu quả, bền vững và thân thiện với môi trường bên cạnh mục tiêu an ninh lương thực. Theo ông Bino Jacob, việc thành lập thành công FIHV sẽ giúp tăng cường hơn nữa những chuyển đổi của ngành nông nghiệp Việt Nam để trở thành một trung tâm phát triển xanh, đổi mới và phát thải thấp, qua đó sẽ thu hút nhiều đầu tư xanh từ cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế.

Thông qua các ý kiến tham luận gợi mở, Thứ trưởng Hoàng Trung tóm lại một số nội dung chính Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp cùng doanh nghiệp và đại diện Hiệp hội ngành hàng để triển khai chương trình cụ thể của PSAV trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải, mang lại lợi ích cho người nông dân: (1) Bộ đã phê duyệt đề án thành lập Mạnh lưới đổi mới sáng tạo trong lương thực, thực phẩm, đó là căn cứ để Bộ, doanh nghiệp, hiệp hội địa phương cam kết thực hiện các nhóm mục tiêu đã đề ra nhưng cần có kế hoạch cụ thể cho từng nội dung, các giải pháp đưa ra gắn vào nội dung trên và sự đồng nhất của doanh nghiệp địa phương thực hiện; (2) Tận dụng tiềm lực của từng đối tác để khơi thông nguồn lực, kêu gọi tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, hiệp hội, người dân địa phương cùng đồng hành cùng Bộ Nông nghiệp và PTNT và địa phương… thực hiện các chương trình, cam kết về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.; (3) Liên quan đến giảm phát thải, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch cụ thể về các nội dung liên quan đến tín chỉ các bon để giúp người dân xây dựng sản phẩm sản xuất mang thương hiệu giảm phát thải khí nhà kính, tham gia thị trường tín chỉ các bon,..

Kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Trung cảm ơn sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp PSAV nói riêng và toàn thể cộng đồng doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến, và kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung trong thời gian qua. Thứ trưởng mong tiếp tục nhận được sự đồng hành và hỗ trợ tích cực đó trong thời gian tới để đưa ngành nông nghiệp Việt Nam vươn tầm quốc tế, hướng tới phát triển một nền nông nghiệp xanh, hiệu quả, bền vững và thân thiện với môi trường, đồng thời góp phần chung tay đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác