Tại Hội nghị, ông Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, Viện đã phối hợp với đơn vị chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT trong nhiều đề tài, dự án nghiên cứu về công nghệ viễn thám. Đây cũng là đề tài được Viện nghiên cứu triển khai từ cách đây khoảng 20 - 30 năm. Theo ông Tuấn Anh, việc phóng vệ tinh phục vụ viễn thám là một nội dung vô cùng quan trọng trong việc xây dựng chiến lược và xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam theo nhiệm vụ của Viện Hàn lâm.
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Vũ Anh Tuân, Phó Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: Ứng dụng công nghệ viễn thám trong ngành Nông nghiệp sẽ giúp điều tra quy hoạch rừng, thành lập bản đồ cây trồng dự báo sản lượng, theo dõi diện tích nuôi trồng thủy sản, theo dõi dự báo hạn hán, các ứng dụng liên quan đến theo dõi phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu như lũ lụt, sạt nở đất thiệt hại do thiên tai phát hại nhà kính.
Ông Vũ Anh Tuân đã chỉ ra một số thành quả của việc ứng dụng công nghệ viễn thám trong ngành nông nghiệp, cụ thể đối với cây lúa như theo dõi lúa; phân bố diện tích, năng suất theo mùa vụ, ước tính sinh khối, sản lượng thu hoạch, tình trạng đốt đồng; theo dõi lịch thời vụ, giai đoạn sinh trưởng, ảnh hưởng hạn mặn, ngập lũ đến sản xuất lúa; ước tính khí methan phát thải từ ruộng lúa; sâu bệnh, dinh dưỡng, giống lúa.
Công nghệ viễn thám được ứng dụng cả trong lĩnh vực phòng chống thiên tai như theo dõi lũ lụt; theo dõi lũ tại Đồng bằng sông Cửu Long; theo dõi lũ do bão (tại Miền Trung), sử dụng ảnh radar, chụp trong mọi điều kiện thời tiết. Cũng nhờ công nghệ SAR kết hợp với quang học có thể theo dõi hàng tháng tình trạng mất rừng; cung cấp thông tin về sinh khối, phục vụ điều tra tích tụ các bon.
Mặt khác, công nghệ viễn thám còn giúp theo dõi điều kiện mặt đất như nhiệt độ bề mặt, độ ẩm, độ bốc hơi, chỉ số khô hạn. Còn nhiều sản phẩm khác từ viễn thám đã được xây dựng tại Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam như biến động đường bờ; xói lở bờ biển; chất lượng nước; bản đồ hiện trạng sử dụng đất; khu vực nuôi trồng thủy sản.
Từ năng lực làm chủ về cơ sở vật chất; dữ liệu; đội ngũ chuyên gia; các công nghệ xử lý ảnh, kết hợp với GIS. Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam đã có nhiều kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, nổi bật là theo dõi cây trồng (lúa), theo dõi rừng, theo dõi lũ lụt
|
Về lĩnh vực thủy sản, ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết: Ngành thủy sản có nhu cầu rất lớn đối với công nghệ viễn thám. Quan trọng nhất là dữ liệu hàng hải, hoạt động tàu cá trên biển liên quan đến khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, đặc biệt tại các vùng giáp ranh chồng lấn với các nước để xác định tàu cá vi phạm trên biển. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, cần kiểm soát biến động diện tích vùng nuôi; đánh mã số vùng trồng, vùng nuôi, từ đó giao cho các địa phương thả giống ngày nào. Cùng đó, ngành thủy sản cần có dữ liệu ảnh chụp về biến động hệ sinh thái biển, rừng ngập mặn, san hô để từ đó đưa ra các giải pháp bảo vệ, kiểm soát biến động của các hệ sinh thái; sử dụng các ảnh chụp viễn thám để đưa ra các dự báo ngư trường khai thác thủy sản cho ngư dân.
Trong lĩnh vực thủy lợi, ông Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Thủy lợi đề xuất ứng dụng công nghệ viễn thám trong quan trắc, giám sát sông ngòi, dự báo nguồn nước; ứng dụng cảnh báo lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, tình trạng ô nhiễm; sử dụng ảnh viễn thám kết hợp các công nghệ khác để kiểm đếm dung tích thực của các hồ chứa; giám sát vùng trồng tại các vùng sản xuất tập trung.
Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp Nguyễn Quốc Toản đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng một chương trình hợp tác toàn diện với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam theo hướng trọng tâm, trọng điểm và có các sản phẩm dùng chung. Bên cạnh đó, các ảnh viễn thám, các dữ liệu về bản đồ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có thể tích hợp vào cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp thông qua Dự án xây dựng hệ thống thông tin và Cơ sở dữ liệu ngành Nông nghiệp do Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp triển khai,..
Tại Việt Nam hiện có 2 chiến lược chi phối các hoạt động liên quan đến ứng dụng viễn thám là Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Chiến lược nêu rõ các mục tiêu ứng dụng rộng rãi công nghệ viễn thám trên mọi lĩnh vực, trong đó có các lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa, đưa trình độ viễn thám của Việt Nam lên tầm quốc tế... và Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030.
Hiện Việt Nam đang làm chủ 2 vệ tinh viễn thám VNREDSat-1, hoạt động từ 2013. Vệ tinh này do Viện Hàn lâm và Công nghệ Việt Nam vận hành đã hoạt động được hơn 10 năm với tuổi thọ thiết kế chỉ 5 năm nên tiến tới cần được thay thế. Dự kiến cuối năm 2024, đầu năm 2025, vệ tinh LOTUSat-1 sẽ đưa lên quỹ đạo với công nghệ chụp ảnh xa, xuyên qua mây, có khả năng theo dõi thiên tai, lũ lụt tốt.
Theo lộ trình phát triển vệ tinh Việt Nam, vệ tinh LOTUSat-1 khi đi vào hoạt động sẽ được xin cơ chế miễn phí cung cấp ảnh vệ tinh cho các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, để vệ tinh tăng tần suất quan sát và chụp ảnh thường xuyên trên lãnh thổ Việt Nam, phía Viện sẽ làm việc để trao đổi ảnh giữa các vệ tinh với các nước bạn.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết về mặt pháp lý, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 149/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, trong đó Bộ Nông nghiệp và PTNT được giao 6 nhiệm vụ song Bộ chưa có kế hoạch thực hiện chiến lược. Từ năm 2015, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Quyết định 3738/QĐ-BNN về ứng dụng công nghệ viễn thám trong chỉ đạo sản xuất, điều hành… và đề án đính kèm nhưng sự triển khai còn nhỏ lẻ.
Thứ trưởng đề nghị Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường sớm lập kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia về ứng dụng công nghệ viễn thám theo Quyết định của Thủ tướng. Trong đó 6 lĩnh vực giao cho Bộ Nông nghiệp và PTNT cần được cụ thể hóa trong kế hoạch.
Ứng dụng công nghệ viễn thám là một trong những nội dung quan trọng của chuyển đổi số, hỗ trợ công tác chỉ đạo điều hành trong chuyển đổi số. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp đưa nội dung này vào các nội dung thường xuyên trong các cuộc họp của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Trao đổi với các chuyên gia về ứng dụng công nghệ viễn thám và quản trị điều hành trong mô hình Nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: ngành Nông nghiệp Việt Nam rất cần một công cụ để quản trị, điều hành, ứng dụng viễn thám vào Nông nghiệp như Nhật Bản đã và đang áp dụng. Công nghệ viễn thám phục vụ ngành nông nghiệp, nông thôn sẽ là một trong những đề tài cần chú ý nghiên cứu triển khai trong năm 2024.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ ra: Tư duy của các cơ quan quản lý ngành Nông nghiệp đầu tiên là tư duy số, trong đó có tư duy về công nghệ bao gồm công nghệ viễn thám. Các ứng dụng của công nghệ viễn thám cần được tích hợp lại để phục vụ được cho tất cả các lĩnh vực. Bộ trưởng đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT và phía chuyên gia Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhanh chóng xây dựng một biên bản ghi nhớ với lộ trình hợp tác cụ thể, gửi bản thảo để Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Khoa học công nghệ lên kế hoạch họp bàn để nhanh chóng triển khai áp ụng vào thực tế, trước mắt có thể thực hiện thử nghiệm trong lĩnh vực trồng trọt. Đồng thời, nội dung ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần được đưa vào báo cáo thực hiện kế hoạch hàng tháng của ngành Nông nghiệp.
Thanh Thủy