23/6/2023 DIỄN ĐÀN TÔM VIỆT 2023 SẼ DIỄN RA TẠI BẠC LIÊU (17-05-2023)

Ngày 23/6/2023, Cục Thủy sản sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, Hội Thủy sản Việt Nam và Hiệp hội Tôm tỉnh Bạc Liêu để tổ chức “Diễn đàn Tôm Việt 2023”.
23/6/2023 DIỄN ĐÀN TÔM VIỆT 2023 SẼ DIỄN RA TẠI BẠC LIÊU

Kết quả kỷ lục năm 2022

Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển nuôi tôm và chế biến các sản phẩm từ tôm, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm 95% sản lượng tôm và cũng là trung tâm của các nhà máy chế biến tôm. Trong những năm gần đây, tôm ngày càng chiếm tỉ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Năm 2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt kỷ lục 4,3 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021. Theo báo cáo của Tổng cục Thuỷ sản (nay là Cục Thủy sản): Năm 2022, cả nước sản xuất được 41 nghìn con tôm bố mẹ (trong đó có 21 nghìn tôm thẻ chân trắng và 20 nghìn con tôm sú); cả nước có 2.294 cơ sở sản xuất ương dưỡng giống tôm nước lợ, sản lượng tôm giống năm 2022 đạt 159,5 tỷ con, với diện tích nuôi tôm 747.000 ha, sản lượng đạt 1.080.600 tấn. Hiện tại, Việt Nam vẫn là nước đứng thứ 3 thế giới (sau Ấn Độ và Ecuador) về xuất khẩu tôm, trung bình 5 năm qua xuất khẩu tôm của nước ta tăng trưởng 5% mỗi năm. Các thị trường chính của tôm Việt Nam vẫn là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc. 

Dự báo khó khăn năm 2023

Trong năm nay, ngành hàng Tôm Việt được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn do những biến động của thị trường, đó là: i) Những thách thức phải cạnh tranh mạnh hơn với Ecuador và Ấn Độ. Năm 2023, Ecuador dự kiến sản lượng tôm lớn hơn 1,5 triệu tấn, gấp 2 lần so với sản lượng tôm thẻ chân trắng của Việt Nam (hơn 700.000 tấn); ii) Giá tôm nhập khẩu trên thị trường thế giới giảm dần từ nửa cuối năm 2022 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm khi nguồn cung toàn cầu tăng lên khoảng 6 triệu tấn, làm cho giá tôm trong nước giảm sâu; iii) Nền kinh tế châu Âu tiếp tục khó khăn nên xuất khẩu tôm sang EU không được đánh giá tích cực trong năm 2023. Với thị trường Hàn Quốc, nửa đầu năm 2023, nhập khẩu tôm của thị trường này sẽ chậm lại theo xu hướng trong quý cuối năm 2022 do kinh tế khó khăn, sau đó mới phục hồi. Đối với thị trường Mỹ, có chiều hướng sụt giảm từ quý 4/2022 và tiếp đà giảm sâu trong 4 tháng đầu năm nay; iv) Lãi suất dự kiến sẽ ở mức cao, chi phí tài chính tăng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận ròng trong đầu tư nuôi tôm…

Có thể thấy, trong thời gian gần đây, tình trạng giá tôm giảm liên tục, tình hình thời tiết không thuận lợi kéo dài, dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp, chi phí sản xuất tăng cao đã khiến người nuôi tôm tại nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long quyết định treo ao (nhất là các trang trại nuôi tôm công nghệ cao). Trong khi đó, nuôi tôm công nghệ cao là mô hình giúp quản lý chu trình nuôi ở 3 khía cạnh chính: Hiệu quả quản lý trại nuôi, kiểm soát chỉ tiêu môi trường nước nuôi, quản lý các thiết bị trong ao nuôi. Áp dụng công nghệ thông tin để kiểm soát các chỉ tiêu môi trường nước, để ghi nhật ký nuôi tôm, điều khiển thông minh các thiết bị trong ao như máy cho ăn tự động, quạt nước, sục oxy. Các chi phí đầu tư cho công nghệ chiếm một khối lượng khá lớn, do đó, khi giá tôm giảm kết hợp với các yếu tố bất lợi khác sẽ gây ảnh hưởng lớn để mô hình này. 

Ổn định sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh

Để góp phần đưa ngành hàng Tôm vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, nâng sức cạnh tranh trên thị trường, giữ vững mục tiêu đã đề ra,  Cục Thủy sản (D-Fish) đã quyết định phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, Hiệp hội Tôm tỉnh Bạc Liêu (BSA), Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS) – Hội Thủy sản Việt Nam (VINAFIS), WWF Việt Nam, OXFAM tại Việt Nam - Dự án “Tăng cường bình đằng giới và đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm ở Đông Nam Á – GRAISEA2” tổ chức “DIỄN ĐÀN TÔM VIỆT 2023: NUÔI TÔM CÔNG NGHỆ CAO HƯỚNG ĐẾN BỀN VỮNG VÀ HIỆU QUẢ”. 

Đến tham dự sẽ có khoảng 500 đến 600 đại biểu thuộc Cục Thuỷ sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản và Trung tâm Khuyến nông các tỉnh; Hội Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam; Hiệp hội Tôm Bạc Liêu, WWF Việt Nam, OXFAM Việt Nam; Các công ty chế biến và xuất khẩu thủy sản; Các nhà mua hàng quốc tế; Các công ty cung ứng đầu vào (thức ăn, giống thủy sản, chế phẩm sinh học, thiết bị nuôi tôm…); các trường đại học, viện nghiên cứu thủy sản;  Tổ chức NGO và đông đảo bà con nuôi tôm đến từ các tỉnh nuôi tôm tại Việt Nam; các đơn vị truyền thông…

Mục đích chính của Diễn đàn lần thứ 8 này là: Chia sẻ những khó khăn, thách thức trong nuôi tôm tại Việt Nam nói chung, nuôi tôm công nghệ cao nói riêng. Chia sẻ các giải pháp khoa học, kỹ thuật giúp giảm dịch bệnh, giảm giá thành và ổn định sản xuất trong nuôi tôm công nghệ cao tại Việt Nam. Đối thoại, thảo luận giải pháp tháo gỡ thị trường tôm Việt Nam năm 2023 và các năm tiếp theo. Về hình thức tổ chức, sẽ có 02 không gian: (1) DIỄN ĐÀN TÔM VIỆT 2023 được tổ chức theo hình thức trực tiếp; (2) Triển lãm mini: là không gian được bố trí bên lề Diễn đàn nhằm trưng bày các sản phẩm, công nghệ, mô hình…của các đơn vị có giải pháp kỹ thuật, công nghệ liên quan. 

Link đăng ký tham dự: 

https://docs.google.com/spreadsheets/d/1SANyC9EQjnhaXIP1KRNTE5YnM47gek8qEi1EG0sDQd4/edit?usp=sharing

Trước 30/5/2023, tên bài trình bày cần được đăng ký với Ban Tổ chức để xét tuyển, chọn lựa những bài có liên quan đến nội dung chương trình (đặc biệt là không chứa nội dung quảng cáo). Trước 10/6/2023, đăng ký không gian triển lãm sản phẩm, công nghệ.

Thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ: Ông Đinh Xuân Lập – Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS); Điện thoại: 0985.024.307    Email: lap.dinhxuan@icafis.vn hoặc xuanlapthuysan@gmail.com

Tài liệu Diễn đàn được chia sẻ tại: App DIỄN ĐÀN TÔM VIỆT 

Link điện thoại Iphone IOS: https://apps.apple.com/vn/app/d%C4%91tvn/id1614108679

Link điện thoại Android: https://play.google.com/store/apps/details?id=dolphin.megapis.com

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác