Khai mạc Hội chợ Triển lãm quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam năm 2023 (13-04-2023)

Sáng 12/4/2023, tại Cần Thơ, Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 4 năm 2023 (gọi tắt là VietShrimp 2023) với chủ đề “Nâng tầm chuỗi giá trị” đã chính thức được khai mạc.
Khai mạc Hội chợ Triển lãm quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam năm 2023
Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức VietShrimp 2023

Hội chợ do Bộ NN&PTNT; UBND TP. Cần Thơ; Hội Thủy sản Việt Nam phối hợp với Tổng cục Thủy sản; Tạp chí Thủy sản Việt Nam cùng nhiều đơn vị khác tổ chức. VietShrimp 2023 được diễn ra từ ngày 12 - 14/4/2023 tại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ - 108A Lê Lợi, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.

VietShrimp 2023 là một trong những Hội chợ Triển lãm có quy mô lớn nhất và toàn diện nhất về ngành tôm Việt Nam nói riêng, cũng như khu vực Đông Nam Á và châu Á nói chung. Quy mô Hội chợ Triển lãm năm nay có 200 gian hàng đến từ 150 doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế, hoạt động trong tất cả lĩnh vực liên quan đến ngành thủy sản nói chung và tôm nói riêng, từ con giống, thức ăn, chế phẩm, thuốc, vaccine, quy trình, công nghệ…; thu hút hơn 15.000 lượt khách tham quan. Các phiên hội thảo chuyên đề với sự tham gia và chia sẻ thông tin hữu ích của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp có tâm và có tầm.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức VietShrimp 2023 nhấn mạnh: “Ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam ra thế giới trong suốt 2 thập kỷ qua. Hàng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 45 - 50% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Với những nỗ lực không ngừng, Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm hàng đầu với giá trị xuất khẩu chiếm 13 - 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm trên toàn thế giới”.

Đại diện Bộ NN&PTNT

“Những năm qua, ngành tôm Việt Nam đã có nhiều đổi mới và phát triển, đặc biệt nhiều hộ dân, doanh nghiệp đã tăng cường ứng dụng các công nghệ mới vào nuôi tôm để nâng cao hiệu quả sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu. Dù vậy, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam vẫn còn hạn chế và ngành vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn. Để con tôm Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường tất yếu phải “Nâng tầm chuỗi giá trị”. Đây cũng là chủ đề chính của VietShrimp 2023”, ông Thắng nói thêm.

Ông Dương Tấn Hiển, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ cho biết: “Trong những năm qua, ngành tôm Việt Nam nói chung và của TP. Cần Thơ nói riêng đã liên tục đạt được sự tăng trưởng tốt về diện tích, sản lượng và giá trị xuất khẩu. Trong năm 2022, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ tại Việt Nam đạt 737.000 ha, sản lượng tôm nước lợ đạt 745.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,2 tỷ USD, tăng trên 10% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ngành tôm cả nước vẫn còn đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức như: Cơ sở hạ tầng vùng nuôi còn hạn chế, tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh còn diễn ra phức tạp… Năm 2023, ngành tôm Việt Nam đã đặt mục tiêu đạt diện tích thả nuôi là 750.000 ha, sản lượng tôm nuôi các loại là 980.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu tôm phấn đấu đạt trên 4,3 tỷ USD…”

Đại diện Ban tổ chức trao kỷ niệm chương cho các nhà tài trợ

“Để khắc phục những khó khăn, thách thức và phấn đấu đạt được mục tiêu nêu trên, cần phải quyết tâm, nỗ lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để phát triển ngành tôm; trong đó có việc liên kết 4 nhà: Nhà quản lý - nhà khoa học - nhà kinh doanh - nhà nông như thông qua Chương trình Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 4 với chủ đề “Nâng tầm chuỗi giá trị” là một sự kiện rất ý nghĩa, thiết thực. Tôi tin tưởng rằng thông qua sự kiện này sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình hợp tác, phát triển ngành thủy sản Việt Nam theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, nâng cao hơn nữa giá trị của con tôm Việt Nam”, ông Hiển nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế (Tổng cục Thủy sản) chia sẻ: Trong suốt những thập kỷ qua, cộng đồng ngành tôm Việt Nam đã nỗ lực không ngừng để đưa sản phẩm tôm của Việt Nam trở thành một trong những mặt hàng chủ lực trên thị trường quốc tế, đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của ngành cũng như nền kinh tế Việt Nam. Năm 2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt kỷ lục 4,3 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021. Tôm Việt Nam đã xuất khẩu sang 108 thị trường; trong đó xuất khẩu sang 9 thị trường chính (EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc...) chiếm hơn 97% tổng giá trị.

Lễ khai mạc đã diễn ra trọng thể

Cũng theo bà Dung, năm 2022, diện tích nuôi tôm nước lợ trên cả nước đạt 737.000 ha; sản lượng đạt 1,08 triệu tấn. Mặc dù hoạt động xuất khẩu đứng trong top đầu thế giới nhưng ngành tôm Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức ở cả đầu vào và đầu ra liên quan đến nguồn cung nguyên liệu (chất lượng con giống, kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát vùng nuôi; tỷ lệ diện tích và sản lượng tôm nuôi theo tiêu chuẩn chứng nhận GAP, hữu cơ... còn thấp. Đặc biệt, giá thành sản xuất tôm vẫn còn cao hơn các nước khác, dẫn đến giá sản phẩm kém cạnh tranh trong khi tôm Việt Nam phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt với Ecuador và Ấn Độ trên thị trường thương mại toàn cầu). Chuỗi giá trị tôm Việt chưa thật sự đạt được hiệu quả tối ưu. Điều này được thể hiện rõ nét khi bước vào đầu năm 2023, lũy kế 3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm ước đạt gần 577 triệu USD, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Dương Tấn Hiển dẫn đầu đoàn đại biểu đi tham quan các gian hàng

“Năm 2023, dù được dự báo vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, ngành tôm cả nước vẫn đặt mục tiêu duy trì về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu. Để vượt qua những thách thức và đạt được các mục tiêu đề ra, cần có sự tham gia tích cực của tất cả bên liên quan trong chuỗi giá trị tôm nhằm hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho con tôm Việt. Hội chợ Triển lãm VietShrimp 2023 được tổ chức với sự góp mặt ngày càng đông đảo của các gian hàng giới thiệu các sản phẩm, công nghệ mới, sáng tạo; là nơi bà con nuôi tôm có cơ hội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, đối thoại cùng với các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia, các doanh nghiệp sẽ là sự kiện quan trọng để cộng đồng nuôi tôm Việt cùng nhau nỗ lực vượt qua khó khăn, khắc phục những điểm yếu để nâng tầm chuỗi giá trị tôm Việt”, bà Dung cho biết thêm.

Theo thông tin từ Ban Tổ chức, trước đó, VietShrimp đã từng được tổ chức rất thành công 3 lần vào các năm 2016, 2018 và 2020, đã tạo được một dấu mốc quan trọng với ngành tôm Việt Nam khi lần đầu tiên trong nước xuất hiện một Hội chợ chuyên ngành về tôm mang tầm cỡ khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc

Tin khác