Với mục tiệu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số và chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2022-2025. Xác định rõ lộ trình, thời gian hoàn thành, trách nhiệm thực hiện và đôn đốc, giám sát đối với các cơ quan, đơn vị đảm bảo hoàn thành Kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2022-2025. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 2151/QĐ-BNN-VP ngày 15/6/2022 phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2022-2025.
Theo đó, với mục đích tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “Sản xuất nông nghiệp” sang “Kinh tế nông nghiệp”; phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Tạo sự thay đổi từ nhận thức đến hành động về chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị thuộc ngành và tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đề ra định hướng, phương án, lộ trình triển khai chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 làm cơ sở xây dựng kế hoạch hàng năm và tổ chức triển khai thực hiện chuyển đổi số thống nhất, hiệu quả.
Đến năm 2025, Bộ Nông nghiệp &PTNT đặt ra 02 mục tiêu tổng thể là phát triển Chỉnh phủ số trong nông nghiệp và phát triển kinh tế số trong nông nghiệp. Cụ thể, đến năm 2025 đưa 100% dịch vụ công trực tuyến cung cấp ở mức độ 4, được xác thực một lần, cung cấp trên nhiều nền tảng thiết bị; tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến trên tổng số hồ sơ đạt 70%; tích hợp 90% các dịch vụ công trực tuyến với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.
Đảm bảo 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ (không bao gồm nội dung mật) được ký số, gửi qua Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ, chia sẻ với Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia.
Hồ sơ công việc được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
Hoàn thành cơ sở dữ liệu về cây trồng, vật nuôi, thủy sản
Về cơ sở dữ liệu về Nông nghiệp: 80% cơ sở dữ liệu được xây dựng, cập nhật: trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng, gồm:
Xây dựng bản đồ số nông nghiệp sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở để thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, vận hành Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ chuỗi khối để cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai phục vụ nông dân năng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua nền tảng số.
Đến năm 2025, có 50% các thiết bị quan sát, giám sát sử dụng công nghệ số, bảo đảm thu nhận trực tiếp dữ liệu số, sử dụng công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT) để tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp.
70% công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và chuyên môn của ngành hoàn toàn dựa trên phân tích, xử lý dữ liệu sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI); trong đó đến 80% công tác giám sát, dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch trong nông nghiệp dựa trên phân tích, xử lý dữ liệu lớn theo thời gian thực, hỗ trợ ra quyết định chính xác, kịp thời, đúng quy định.
Song song với đó, bảo đảm an toàn thông tin mạng theo mô hình 4 lớp, 100% máy chủ, máy trạm của Bộ được triển khai giải pháp phòng chống mã độc; hoàn thành xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin; 100% hệ thống thông tin được giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.
Mục tiêu của Bộ cũng đặt ra đến năm 2025, có 100% người làm việc trong ngành được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng số, trong đó 30% được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu.
Về mục tiêu phát triển kinh tế số trong nông nghiệp là nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp, người dân tham gia các hoạt động trong nông nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp; quản lý, giám sát nguồn gốc; hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số,..; ứng dụng công nghệ số trong quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp
Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quyđịnh kỹ thuật phù hợp với sự thay đổi của công nghệ, đảm bảo phát triển, vận hành Chính phủ điện tử trong nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu quá trình chuyển đổi số.
Tái cấu trúc, chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin thành hạ tầng số thống nhất, ổn định, linh hoạt, ưu tiên áp dụng công nghệ điện toán đám mây (Cloud - First); phát triển ứng dụng, dịch vụ mới theo hướng sử dụng chung hạ tầng số, nền tảng số và các dịch vụ công nghệ thông tin sẵn có.
Có khả năng sử dụng dữ liệu số và các công cụ phân tích thông minh để kịp thời đưa ra các quyết sách chính xác trong các hoạt động quản lý nhà nước; cung cấp dịch vụ công thuận tiện theo phương thức số (dịch vụ số), mang lại giá trị gia tăng cho người dân.
Cung cấp dữ liệu mở có thể truy cập, sử dụng dễ dàng; hoàn thiện kho dữ liệu số đáp ứng các yêu cầu về kết nối, chia sẻ tài nguyên thông tin, dữ liệu trong Bộ.
Văn Thọ