Vai trò của các Bộ, ngành, địa phương trong việc đưa Việt Nam vào danh sách 5 quốc gia hàng đầu thế giới về chế biến thủy sản (21-08-2021)

Tại “Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030”, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các Bộ ban ngành, địa phương nhằm sớm đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản và đứng trong danh sách 5 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030. Cụ thể như sau:
Vai trò của các Bộ, ngành, địa phương trong việc đưa Việt Nam vào danh sách 5 quốc gia hàng đầu thế giới về chế biến thủy sản
Ảnh minh họa

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các cơ quan cơ liên quan tổ chức thực hiện Đề án; chủ động lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án với các chương trình mục tiêu quốc gia và các Đề án, dự án có liên quan do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện. Đồng thời, tổ chức hướng dẫn, giám sát, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết đánh giá kết quả (thực hiện hàng năm, 5 năm và tổng kết 10 năm); kịp thời đề xuất, kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ quyết định những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền, điều chỉnh Đề án, bổ sung các dự án, nhiệm vụ ưu tiên phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Xem xét lựa chọn doanh nghiệp, chuỗi sản xuất tôm, cá tra, cá ngừ, rong tảo biển để hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật trong nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, sản phẩm giá trị gia tăng cao có nguồn gốc từ nguyên liệu và phụ phẩm thủy sản. Nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, bảo quản, chế biến thủy sản. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn; các chính sách mang tính đặc thù của ngành chế biến thủy sản (như: giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao tỷ lệ thủy sản qua chế biến, đầu tư ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, quản lý môi trường) để thúc đẩy phát triển ngành chế biến thủy sản hiện đại, hiệu quả, an toàn và bền vững.

Xây dựng, thực hiện kế hoạch tháo gỡ hàng rào kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu sản phẩm thủy sản Việt Nam. Rà soát, đầu tư và nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về chế biến thủy sản. Xây dựng, triển khai các Dự án, nhiệm vụ ưu tiên thuộc “Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030”. Phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền cân đối, bố trí kinh phí ngân sách nhà nước cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Đề án và các dự án ưu tiên theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn; cân đối, bố trí vốn để thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án theo đúng tiến độ sau khi được cấp có thẩm quyền phân bổ.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đánh giá và thông tin kịp thời về nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng thủy sản của các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng; xây dựng định hướng xuất khẩu thủy sản giai đoạn 2021-2030. Thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp, hình thành các cụm công nghiệp liên kết ngành chế biến thủy sản, chuỗi giá trị trong sản xuất công nghiệp nông thôn. Rà soát, đánh giá các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại; đổi mới nội dung và hình thức xúc tiến thương mại, kết hợp quảng bá, giới thiệu sản phẩm với tổ chức lễ hội, quảng bá du lịch ở địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực phát triển sản phẩm thủy sản đáp ứng yêu cầu của thị trường, mở rộng tiêu thụ các mặt hàng thủy sản tại chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng thực phẩm sạch, các điểm du lịch trong nước; xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm tại các thị trường trọng điểm; phối hợp với hệ thống Thương vụ tại nước ngoài đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại đưa hàng hóa thủy sản Việt Nam tiếp cận thị trường các hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị tại nước ngoài.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bên có liên quan phát triển hậu cần dịch vụ gắn với vùng sản xuất, kinh doanh thủy sản nhằm giúp doanh nghiệp giảm chi phí và thời gian vận chuyển, phân phối sản phẩm. Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, ban hành danh mục sản phẩm cơ khí chế tạo, linh kiện, máy nông nghiệp và sản phẩm phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được hỗ trợ đầu tư, trong đó bao gồm các loại máy phục vụ chế biến, bảo quản thủy sản. Xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện một số Dự án, nhiệm vụ ưu tiên thuộc Đề án này.

Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung ưu tiên đầu tư khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến đối với các ngành hàng chủ lực, đặc biệt là công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chế biến nhằm nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các mặt hàng giá trị gia tăng (dầu cá, collagen, chitin, chitosan, bột cá...) từ phụ phẩm trong chế biến thủy sản. Tăng cường hỗ trợ bảo hộ sở hữu trí tuệ, bí quyết và giải pháp công nghệ trong lĩnh vực chế biến, bảo quản thủy sản ở trong nước và quốc tế cho các sản phẩm thủy sản chủ lực, đặc thù; thúc đẩy xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm quốc gia; triển khai mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, vận hành và quản trị Cổng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia; nghiên cứu phát triển các giải pháp kỹ thuật nhằm bảo đảm khả năng tương tác, trao đổi, kết nối dữ liệu truy xuất với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền cân đối, bố trí kinh phí ngân sách nhà nước cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành khác để thực hiện Đề án và các dự án ưu tiên theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

Các bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của Đề án.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển chế biến thủy sản, cơ chế chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ phù hợp với chức năng nhiệm vụ và nguồn lực của địa phương. Tổ chức quy hoạch sử dụng đất dành cho các khu chế biến thủy sản tập trung và các cụm công nghiệp liên kết ngành chế biến thủy sản; ưu tiên bố trí nguồn kinh phí thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ chế biến. Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ thủy sản tại địa phương.

Phối hợp với các bộ, ngành và địa phương khác kiểm soát an toàn thực phẩm sản phẩm thủy sản chế biến (đặc biệt là đối với các làng nghề chế biến thủy sản); triển khai mô hình điểm kiểm soát an toàn thực phẩm tại các cơ sở chế biến, chợ, siêu thị kinh doanh thực phẩm thủy sản. Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp triển khai các chương trình, dự án thuộc phạm vi Đề án này; căn cứ điều kiện thực tế, để lồng ghép các nội dung của Đề án này vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, căn cứ điều kiện thực tế, xây dựng cơ chế phối hợp, liên kết các tỉnh trong vùng tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp chế biến có đủ nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến thủy sản cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Các Hội, Hiệp hội và Doanh nghiệp thủy sản phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện Đề án tới các thành viên. Xây dựng, phát triển thị trường, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm thủy sản trong và ngoài nước. Tham gia đề xuất cơ chế chính sách và biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển chế biến, bảo quản và tiêu thụ thủy sản gắn với tổ chức sản xuất nguyên liệu.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác