Thúc đẩy sản xuất cá ngừ theo chuỗi, chống khai thác IUU và xuất khẩu cá ngừ vào thị trường Châu Âu theo Hiệp định EVFTA (12-10-2020)

Ngày 10/10/2020, tại tỉnh Khánh Hòa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị "Thúc đẩy sản xuất cá ngừ theo chuỗi, chống bán phá giá vào thị trường châu Âu nhằm tăng cường hoạt động chống khai thác bất hợp pháp trong ngành cá ngừ và thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ sang thị trường châu Âu theo Hiệp định EVFTA".
Thúc đẩy sản xuất cá ngừ theo chuỗi, chống khai thác IUU và xuất khẩu cá ngừ vào thị trường Châu Âu theo Hiệp định EVFTA

Hội nghị có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, Phó Văn phòng Thương mại, Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam, ông Saornil Minguez, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Hữu Hoàng, cùng đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hội nghề cá Việt Nam, đại diện Công ty TNHH Hải Vương.

Theo báo cáo tại Hội nghị, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Riêng đối với ngành thủy sản, việc xóa bỏ thuế quan trong EVFTA kỳ vọng tạo ra cơ hội to lớn cho xuất khẩu thủy sản. Cụ thể, EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 3 năm; 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá, tận dụng lợi thế của EVFTA, từ đầu tháng 8 đến nay xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng đáng kể. Tuy nhiên, để sẵn sàng cho EVFTA có hiệu lực, trong thời gian qua các doanh nghiệp thủy sản đã chuẩn bị hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, cập nhập thông tin hoạt động chế biến, logistics… để đáp ứng được nội dung đưa ra trong hiệp định này. Đặc biệt, Việt Nam cũng đang huy động toàn bộ hệ thống chính trị, nỗ lực ở mức cao nhất để tháo gỡ thẻ vàng của EC, để đảm bảo phát triển bền vững và giữ uy tín của ngành thủy sản Việt Nam. Cũng như đặc biệt lưu ý đến việc cấm sử dụng chất chống ô xy hóa để bảo quản sản phẩm thức ăn thủy sản, hạn chế đến mức cao nhất đối với một số sản phẩm có nguồn gốc sinh vật gây bệnh nhất định.

Cũng theo Thứ trưởng, bên cạnh mặt hàng tôm, cá ngừ là một trong những mặt hàng xuất khẩu có giá trị kim ngạch cao của Việt Nam sang thị trường EU. Thêm vào đó, nhu cầu tiêu thụ cá ngừ đóng hộp tại nhà của người Châu Âu tăng mạnh do tác động đại dịch Covid-19. Thứ trưởng cho biết thêm: “Hiệp định EVFTA với ưu đãi đặc biệt về thuế quan mở ra tiềm năng lớn hơn nữa cho các sản phẩm cá ngừ Việt Nam. Tính đến hết tháng 7/2020, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang thị trường EU đạt trung bình khoảng 10,5 triệu USD/tháng. Kể từ sau khi EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, giá trị xuất khẩu cá ngừ đã tăng lên 11,4 triệu USD (tăng 8,6%) và tháng 9 là 11,9 triệu USD tăng 13,3% so với các tháng trước đó”.

Cũng tại Hội nghị, ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, kể từ khi Hiệp định EVFTA được ký kết và có hiệu lực đã mở ra cơ hội và là lực đẩy rất lớn để các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nói chung và của tỉnh Khánh Hòa nói riêng mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu mặt hàng cá ngừ. Hiện nay, Thái Lan và Trung Quốc đang là hai quốc gia nắm giữ thị phần xuất khẩu lớn nhưng cả hai đều chưa ký kết Hiệp định thương mại tự do với EU và cũng không phải là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Do đó, mặt hàng cá ngừ của Việt Nam có lợi thế về thuế so với các nước tại hai khu vực thị trường lớn là EU và thị trường các nước thành viên CPTPP. Để tận dụng được ưu đãi, ông Hoàng cho rằng các doanh nghiệp cần tuân thủ tiêu chuẩn cao về an toàn vệ sinh thực phẩm của EC. Đi kèm với các cam kết ưu đãi giảm thuế của Hiệp định EVFTA là những yêu cầu cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn kháng sinh đối với sản phẩm xuất khẩu mà doanh nghiệp Việt cần đáp ứng để khai thác được lợi thế của mình, nếu không sẽ gặp nhiều khó khăn.

Đại diện Công ty TNHH Hải Vương - một doanh nghiệp chế biến, kinh doanh và xuất khẩu các sản phẩm từ thủy sản, đặc biệt là cá ngừ đại dương, có trụ sở tại khu công nghiệp Suối Dầu, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) cho biết, với 220 mặt hàng thủy sản có thuế suất cơ sở 0 - 22%, trong đó thuế cao từ 6 - 22% sẽ về 0% kể từ ngày 1/8. Riêng cá ngừ đông lạnh dạng fillet và loin thuế suất cơ bản từ 18% sẽ được giảm về 0% theo lộ trình 3 năm; cá ngừ đóng hộp EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan là 11.500 tấn/năm. Có thể nói đây là cơ hội để doanh nghiệp tăng cường mở rộng thị trường và tận dụng lợi thế cạnh tranh với đối thủ các nước như Thái Lan đang chịu mức thuế là 18-24%.

Theo VASEP, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, các mặt hàng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, trong đó có cá ngừ, vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng. Tuy nhiên, với EVFTA, dự báo tổng giá trị cá ngừ xuất sang thị trường EU trong năm 2020 đạt 123 triệu USD. Để đón đầu cơ hội, mở rộng xuất khẩu cá ngừ sang EU, Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam đang xây dựng 2 chuỗi giá trị cho cá ngừ vây vàng và sọc dưa theo Chương trình cải thiện nghề cá ngừ đại dương (FIP) phạm vi thế giới và đạt chứng chỉ quốc tế. Trong chuỗi giá trị này, phải giải quyết tốt 3 mắt xích quan trọng. Theo đó, đối với mắt xích ngư dân và tàu thu mua, hiệp hội đang tập trung hỗ trợ, đào tạo ngư dân để đạt mục tiêu "cung cấp các sản phẩm cá ngừ an toàn và minh bạch" bằng cách ghi nhật ký khai thác theo quy định; nâng cao ý thức bảo vệ hệ sinh thái, môi trường bằng các giải pháp kỹ thuật, ý thức không xả thải trên biển cho ngư dân. Mắt xích thứ hai là nhà máy chế biến xuất khẩu. Hiện nay, đối với cá ngừ đại dương, đã có 23 nhà máy tham gia và 7 nhà mua hàng quốc tế trên toàn thế giới tham gia. Đối với cá ngừ sọc dưa, có 14 nhà máy chế biến đồ hộp và 4 nhà mua hàng quốc tế, qua đó xây dựng được mã truy xuất nguồn thủy sản. Mã truy xuất này được các nhà mua hàng quốc tế công nhận. Hiệp hội đang triển khai thí điểm truy xuất nguồn gốc điện tử ở Bình Thuận để giúp minh bạch hóa các sản phẩm cá ngừ. Đối với mắt xích thứ 3 - nhà mua hàng, hiệp hội đã liên kết được 7 nhà mua hàng cá ngừ đại dương và 4 nhà mua hàng cá ngừ sọc dưa ở các thị trường quốc tế có trách nhiệm hỗ trợ ngược lại để giúp Việt Nam cải thiện nghề cá.

Thu Hiền

Ý kiến bạn đọc

Tin khác