Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp báo thường kỳ về kết quả công tác Quý III, nhiệm vụ trọng tâm Quý IV năm 2020 (07-10-2020)

Tại buổi họp báo thường kỳ về kết quả công tác Quý III, nhiệm vụ trọng tâm Quý IV năm 2020, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm nghiệp và thuỷ sản (NLTS) ước gần 52,8 tỷ USD, trong đó xuất khẩu (XK) đạt 30,05 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019; nhập khẩu (NK) ước khoảng 22,8 tỷ USD, giảm 2,2%. Xuất siêu khoảng 7,2 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp báo thường kỳ về kết quả công tác Quý III, nhiệm vụ trọng tâm Quý IV năm 2020

Riêng kim ngạch XK NLTS ước đạt 30,05 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhóm nông sản chính ước đạt gần 13,7 tỷ USD, giảm 1,1%; chăn nuôi ước đạt 231 triệu USD, giảm 19,7%; thủy sản ước đạt trên 6,0 tỷ USD, giảm 3,0%; lâm sản chính đạt khoảng 9,1 tỷ USD, tăng 13,2%.

9 tháng đầu năm, mặc dù còn nhiều mặt hàng XK giảm nhưng gạo, rau, sắn, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, quế, mây tre vẫn duy trì giá trị XK tăng so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tôm thu về gần 2,75 tỷ USD (tăng 12,7%). 

Đáng chú ý, Việt Nam đã có 8 nhóm, mặt hàng XK trên 1 tỷ USD và 6 nhóm, mặt hàng có giá trị XK trên 2 tỷ USD (cà phê 2,2 tỷ USD, gạo 2,5 tỷ USD, hạt điều đạt 2,3 tỷ USD, rau quả đạt 2,5 tỷ USD, tôm 2,75 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,5 tỷ USD).

Mỹ tiếp tục là thị trường chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt trên 7,5 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ và chiếm gần 25% thị phần; tiếp đến là Trung Quốc ước đạt 7,24 tỷ USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ và chiếm 24,1% thị phần.

Thị trường ASEAN nhập khẩu ước đạt 2,93 tỷ USD, tăng 4,6% và chiếm 9,75% thị phần; xuất khẩu sang các nước EU đạt khoảng 2,83 tỷ USD, giảm 0,6% và chiếm 9,4% thị phần; xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 2,51 tỷ USD, tương đương cùng kỳ và chiếm gần 8,4% thị phần.

Trong khi đó, kim ngạch NK các mặt hàng NLTS ước khoảng 22,8 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá trị NK các mặt hàng nông lâm thủy sản chính ước đạt 17,8 tỷ USD, giảm 3,5%. Ngoại trừ các mặt hàng dầu mỡ động thực vật, lúa mì, ngô, đậu tương và chăn nuôi có giá trị NK tăng (lần lượt là +18,5%, +3,7%, +3,6%, +18,0% và +28,4%), các mặt hàng khác đều giảm so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thủy sản giảm 1,7%.

GDP của ngành nông nghiệp quý III đạt mức tăng trưởng 2,93%, cao hơn quý I và quý II. Trong đó, nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) tăng 3,21%, lâm nghiệp tăng 1,7%, thủy sản tăng 2,47%. Lũy kế 9 tháng, tốc độ tăng trưởng GDP của ngành đạt 1,84% (nông nghiệp tăng 1,65%, lâm nghiệp tăng 2,02%, thủy sản tăng 2,44%).

Đối với thủy sản, Thứ trưởng Tiến nhìn nhận từ đầu năm, thời tiết tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác hải sản. Tuy nhiên, nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi cá tra, đang đứng trước nhiều thách thức do thị trường tiêu thụ, hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Dù vậy, sản xuất thủy sản vẫn tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất lĩnh vực thủy sản quý III tăng 2,5% so với quý III/2019; 9 tháng giá trị sản xuất tăng 2,48% (nuôi trồng đạt 105.300 tỷ, tăng 2,67%; khai thác đạt 70.380 tỷ, tăng 2,2%), tốc độ tăng thấp nhất từ năm 2016 đến nay.

Những tháng cuối năm, Bộ NN&PTNT dự kiến tình hình thiên tai, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm còn diễn biến khó lường; việc tiêu thụ nông sản (nhất là xuất khẩu) sẽ tốt hơn nhưng sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn. 

Trong quý cuối cùng của năm 2020, toàn ngành phấn đấu mục tiêu xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD, đưa tổng trị giá xuất khẩu cả năm nay đạt trên 40 tỷ USD. 

Tổng cục Thủy sản hướng dẫn các địa phương tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản các đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, tôm chân trắng, cá tra) và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững. Ngành phối hợp với địa phương, hiệp hội để tháo gỡ khó khăn đối với cá tra, phục hồi nuôi cá tra. Bên cạnh đó, ngành triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các khuyến nghị mà Liên minh châu Âu đưa ra đối với Việt Nam để gỡ “thẻ vàng” và hướng tới phát triển thủy sản biển bền vững.

NN

Ý kiến bạn đọc

Tin khác