Quy định về cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (29-06-2020)

Ngày 22 tháng 5 năm 2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 07/2020/TT-BNNPTNT quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại (thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Quy định về cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Ảnh minh họa

Theo đó, Thông tư 07/2020/TT-BNNPTNT áp dụng với các Tổ chức/cá nhân có liên quan đến thẩm định Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đối với từng Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ quyết định thành lập “Hội đồng thẩm định Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”. Về phía Hội đồng, có chức năng tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xem xét Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại thuộc (thẩm quyền cấp phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Thẩm định, cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen

“Hội đồng thẩm định Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” làm việc theo nguyên tắc thảo luận tập thể, công khai, biểu quyết và quyết định theo đa số. Ý kiến của từng thành viên Hội đồng và kết quả thẩm định của Hội đồng được thể hiện trong Biên bản cuộc họp Hội đồng (theo mẫu quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư).

Thành viên Hội đồng sẽ đánh giá Hồ sơ theo 01 trong 02 mức sau: (1) Đồng ý thông qua: trong trường hợp các thông tin trong Hồ sơ đáp ứng đầy đủ theo nội dung thẩm định tại mục II của Phiếu nhận xét Hồ sơ (Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này); (2) Không đồng ý thông qua: trong trường hợp các thông tin trong Hồ sơ không đáp ứng đầy đủ theo nội dung thẩm định tại mục II của Phiếu nhận xét Hồ sơ (Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này).

Hội đồng sẽ kết luận theo 01 trong 02 mức sau: (1) Đồng ý thông qua: khi có ít nhất hai phần ba số thành viên Hội đồng (theo Quyết định thành lập Hội đồng) có phiếu đánh giá đồng ý thông qua, trong đó phải có cả 02 Ủy viên phản biện; (2) Không đồng ý thông qua: khi có từ một phần ba số thành viên Hội đồng (theo Quyết định thành lập Hội đồng) trở lên có phiếu đánh giá không đồng ý thông qua hoặc cả 02 ủy viên phản biện có phiếu đánh giá không đồng ý thông qua.

Về cơ cấu tổ chức, Hội đồng có số lượng thành viên là 07 hoặc 09 người, trong đó: Chủ tịch Hội đồng là đại diện Lãnh đạo “Cơ quan thường trực thẩm định”; Phó Chủ tịch Hội đồng là đại diện Lãnh đạo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Các Ủy viên gồm đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (nơi diễn ra hoạt động tiếp cận nguồn gen) và các chuyên gia có chuyên môn phù hợp; Bên cạnh đó còn có 02 Ủy viên phản biện là các nhà khoa học có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực có liên quan; Thư ký Hội đồng là công chức của Cơ quan thường trực thẩm định.

Thông tư 07/2020/TT-BNNPTNT về cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen đã nêu rõ các quy định về Trách nhiệm và Quyền hạn của Ủy viên hội đồng; Chủ tịch Hội đồng; Phó Chủ tịch Hội đồng; Ủy viên Hội đồng là đại diện của Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (nơi diễn ra hoạt động tiếp cận nguồn gen); Ủy viên thư ký.

Cuộc họp Hội đồng sẽ được tiến hành khi đáp ứng các yêu cầu sau: (1) Có ít nhất 2/3 số thành viên của Hội đồng (theo Quyết định thành lập Hội đồng) trong đó phải có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch, các Ủy viên phản biện và Ủy viên thư ký; (2) Chủ tịch Hội đồng chủ trì các cuộc họp của Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì các phiên họp khi được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền bằng văn bản; (3) Có sự tham gia của Đại diện có thẩm quyền của Tổ chức/cá nhân đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen hoặc Người được ủy quyền bằng văn bản (nếu cần).

Tại Cuộc họp Hội đồng, Đại diện có thẩm quyền của Tổ chức/cá nhân đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen hoặc Người được ủy quyền bằng văn bản sẽ trình bày những nội dung chính của Hồ sơ. Các thành viên Hội đồng sẽ có ý kiến đề nghị làm rõ về các nội dung trình bày (hoặc đặt câu hỏi) để Đại diện có thẩm quyền của Tổ chức/cá nhân đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen (hoặc Người được ủy quyền bằng văn bản) phản hồi, cung cấp bổ sung thông tin.

Cơ quan thường trực thẩm định

Liên quan đến việc cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen (để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), toàn ngành có tổng cộng bốn “Cơ quan thường trực thẩm định” như sau: (1) Tổng cục Thủy sản: thường trực thẩm định việc cấp, gia hạn và thu hồi Giấy phép tiếp cận nguồn gen giống thủy sản; (2) Tổng cục Lâm nghiệp: thường trực thẩm định việc cấp, gia hạn và thu hồi Giấy phép tiếp cận nguồn gen giống cây lâm nghiệp, giống vật nuôi lâm nghiệp; (3) Cục Trồng trọt: thường trực thẩm định việc gấp, gia hạn và thu hồi Giấy phép tiếp cận nguồn gen giống cây trồng nông nghiệp; (4) Cục Chăn nuôi: thường trực thẩm định việc gấp, gia hạn và thu hồi Giấy phép tiếp cận nguồn gen giống vật nuôi.

“Cơ quan thường trực thẩm định” có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ (đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật); trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định thành lập Hội đồng; thông báo cho Tổ chức/cá nhân đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen cung cấp bổ sung các tài liệu liên quan (trong trường hợp cần thiết) và gửi đến các thành viên Hội đồng; lựa chọn Tổ chức/cá nhân tư vấn trong nước có chuyên môn phù hợp, lấy ý kiến bằng văn bản về Hồ sơ (trong trường hợp cần thiết); tổ chức các cuộc họp của Hội đồng theo quy định tại Thông tư này; thông báo bằng văn bản kết quả của Hội đồng cho Tổ chức/cá nhân đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen. Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra, rà soát Hồ sơ đã được chỉnh sửa, bổ sung theo kết luận của Hội đồng; trong trường hợp cần thiết, gửi văn bản đề nghị một số thành viên Hội đồng cho ý kiến nhận xét về Hồ sơ sau khi chỉnh sửa; Dự thảo văn bản báo cáo kết quả thẩm định Hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, quyết định về việc cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen…

Các Tổng cục/Cục được giao là “Cơ quan thường trực thẩm định” có trách nhiệm tiến hành tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các nhiệm vụ được giao; Đồng thời, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Bộ (qua Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường) trước ngày 15/12 hằng năm. Về phía Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và theo dõi việc thực hiện Thông tư này.

Thông tư 07/2020/TT-BNNPTNT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06 tháng 7 năm 2020

Thông tin chi tiết của Thông tư số 07/2020/TT-BNNPTNT ngày 22 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Xem tại https://tongcucthuysan.gov.vn

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác