Nâng cao năng lực xuất khẩu và an toàn thực phẩm nông sản Việt Nam (28-11-2018)

Ngày 27/11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực xuất khẩu và an toàn thực phẩm nông sản Việt Nam: Vai trò của quản lý hóa chất nông nghiệp”. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì Hội thảo.
Nâng cao năng lực xuất khẩu và an toàn thực phẩm nông sản Việt Nam

Theo Bộ NN&PTNT, trong 10 năm qua, nông nghiệp Việt Nam luôn duy trì mức tăng trưởng mạnh và khá toàn diện. Hiện, xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 15 thế giới. Đã có 10 nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD/năm trở lên, riêng 5 mặt hàng gồm tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD/năm.

Về khả năng đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu của nông sản Việt Nam, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cả nước đã có trên 6.300 ha cây ăn quả được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP/GlobalGAP và được cấp mã số vùng trồng đảm bảo điều kiện xuất khẩu. Về thủy sản, trên 5.000 ha nuôi trồng thủy sản đạt chứng nhận VietGAP/GlobalGAP; 100% cơ sở nuôi cá tra xuất khẩu được đánh mã số truy xuất nguồn gốc; 100% các tàu khai thác hải sản cam kết chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); 100% cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu áp dụng chứng nhận an toàn thực phẩm HACCP và các chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm, môi trường, trách nhiệm xã hội… trong nước và quốc tế. 

Nhưng trên thực tế, nông sản Việt Nam vẫn đang hàng ngày đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó, rào cản lớn nhất vẫn là các tiêu chuẩn về chất lượng, mức độ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong nông sản khi xuất khẩu vào các thị trường lớn.

Chỉ tính riêng thị trường châu Âu, trong năm 2017, có đến 90 trường hợp hàng hóa nông sản, thực phẩm Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này bị cảnh báo hoặc trả hàng về do các vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm. Từ đầu năm đến nay đã có hơn 40 trường hợp bị cảnh báo và từ chối cho phép nhập khẩu. Theo các chuyên gia, phần lớn các lô hàng bị trả về do các vi phạm liên quan đến vượt ngưỡng hàm lượng tồn dư tối đa thuốc BVTV trong nông sản, thực phẩm (MRL).

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: Xuất khẩu nông sản Việt Nam hiện tại cũng như trong tương lai cần phát huy tốt hơn nữa những lợi thế và tiềm năng. Đặc biệt, cần tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm, đảm bảo việc xuất khẩu an toàn và bền vững. Cụ thể, để xuất khẩu nông sản an toàn và bền vững, ngành nông nghiệp cần xây dựng các hệ thống tiêu chuẩn, đáp ứng được các quy định từ các thị trường nhập khẩu. Điều này đặt ra những yêu cầu vô cùng cấp thiết đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp khi tham gia sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản. Làm được điều này, nông nghiệp Việt Nam sẽ kịp thời xử lý được những vướng mắc, vượt qua các rào cản thương mại đang ngày càng gia tăng từ các thị trường xuất khẩu.

Theo đại diện của Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV), tăng trưởng xuất khẩu nông sản Việt Nam hướng tới không chỉ về số lượng mà cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng. Theo PSAV, sản xuất nông nghiệp Việt Nam đang cố gắng gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm nông sản, điều này thể hiện ở quá trình tái cơ cấu nâng cao giá trị nông sản.

NN

Ý kiến bạn đọc

Tin khác