Đẩy mạnh "Phát triển nguồn nhân lực biển" (06-11-2018)

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã nêu rõ 7 giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó, nhấn mạnh: Việt Nam cần đẩy mạnh giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển.
Đẩy mạnh
Ảnh minh họa

Nghị quyết cũng đã nhận định: Phát triển nguồn nhân lực biển mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn chưa trở thành nhân tố then chốt trong phát triển bền vững kinh tế biển; Đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực biển còn hạn chế; Công tác đào tạo, dạy nghề, hỗ trợ chuyển đổi việc làm cho người dân ven biển chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực biển nói riêng và lao động ngành Thủy sản nói chung đang là bài toán cấp thiết, cả trước mắt và lâu dài.

Thực trạng nguồn nhân lực biển: Các tỉnh ven biển miền trung có hàng triệu lao động tham gia hoạt động kinh tế trên biển, ven biển và trong các nhà máy chế biến, xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực ngành Thủy sản hiện chưa theo kịp yêu cầu phát triển, khiến ngành Thủy sản chưa phát huy hết tiềm năng. Đối với các tàu cá (nhất là tàu khai thác xa bờ) luôn rơi vào tình trạng thiếu lao động, đặc biệt thiếu đối tượng lao động có khả năng điều khiển trang, thiết bị trên tàu. Điều này đã dẫn tới một số tàu phải nằm bờ, không thể ra khơi do không đủ thuyền viên; Và sau thời gian dài nằm bờ, chủ tàu phải bán tàu do không tham gia hoạt động sản xuất, không có thu nhập để trả nợ.

Nguyên nhân của việc thiếu hụt cả số lượng và chất lượng nguồn nhân lực phục vụ ngành Thủy sản bước đầu được xác định là: Đào tạo lao động biển từ trước đến nay chủ  yếu vẫn theo kiểu cha truyền, con nối, người đi trước truyền kinh nghiệm cho người đi sau; việc kế tục nghề nghiệp được đa số ngư dân xem như sự mặc định, không thay đổi. Trong khi đó, nhiều người trong lớp trẻ không muốn theo nghề biển, do lao động trên biển quá vất vả, thu nhập không ổn định. Nguồn nhân lực biển hiếm đến mức thậm chí cả lao động phổ thông (chưa qua đào tạo) cũng không có để huy động tham gia khai thác biển.

Một số chủ trương lớn và khâu đột phá

Về chủ trương Phát triển nguồn nhân lực biển: Đẩy nhanh xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển theo hướng tiếp cận mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; Tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế, chủ động tham gia và đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế; tranh thủ tối đa các nguồn lực, sự hỗ trợ quốc tế để nâng cao năng lực quản lý và khai thác biển, trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực. Đối với khâu đột phá, tập trung đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tận dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, khoa học, công nghệ mới, thu hút chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, nhân lực chất lượng cao.

Để thực hiện được các chủ trương trên, trước tiên Việt Nam cần thực hiện các giải pháp chủ yếu sau: Rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về biển theo hướng phát triển bền vững, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất, phù hợp với chuẩn mực luật pháp và điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Tạo hành lang pháp lý thuận lợi để huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư nguồn nhân lực và chuyển giao tri thức về biển; Ưu tiên đầu tư cho công tác đào tạo nguồn nhân lực biển; Đẩy mạnh giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển.

Bên cạnh đó, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, kiến thức, hiểu biết về biển, đại dương, kỹ năng sinh tồn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, tránh thiên tai cho học sinh, sinh viên trong tất cả các bậc học, cấp học. Phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao phù hợp với nhu cầu thị trường. Có cơ chế, chính sách đặc biệt thu hút nhân tài, từng bước hình thành đội ngũ các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đạt trình độ quốc tế, có chuyên môn sâu về biển và đại dương; Có cơ chế hỗ trợ, nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nguồn nhân lực biển đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu lao động của các ngành kinh tế biển và việc chuyển đổi nghề của người dân. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế và khu vực để phát triển nguồn nhân lực biển.

Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển, Việt Nam sẽ lấy nguồn nhân lực chất lượng cao làm nhân tố đột phá; Ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước cho công tác đào tạo nguồn nhân lực biển (kết hợp huy động các nguồn lực trong và ngoài nước). Hướng đến mục tiêu năm 2030, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển, hình thành đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ biển có năng lực, trình độ cao. Đồng thời, chủ động, nâng cao hiệu quả hội nhập, hợp tác quốc tế, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu thế giới có trình độ quản lý tiên tiến trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

 Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác