Thị trường tôm thế giới năm 2016 (21-04-2017)

Sản lượng tôm thế giới năm 2016 đi theo chiều hướng giảm, trái ngược với những dự báo trước đó do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại một số quốc gia nuôi tôm chính, kết hợp với giá tôm thế giới giảm trong năm vừa qua.
Thị trường tôm thế giới năm 2016

Theo báo cáo mới nhất Globefish của FAO, sự phục hồi của ngành tôm Thái Lan và đẩy mạnh thu hoạch tôm tại Êcuađo không đủ bù đắp cho sản lượng thiếu hụt ở các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc. Sản lượng tôm tại các vùng nuôi chính của Trung Quốc năm 2016 giảm 30 – 40% do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh trong khi nhiều nông dân bỏ ao nuôi. Trung Quốc đã phải nhập khẩu một lượng tôm nguyên liệu lớn để phục vụ cho chế biến và xuất khẩu. Bên cạnh đó, sản lượng tôm của Ấn Độ và Inđônêxia – hai quốc gia sản xuất tôm lớn ở châu Á – cũng được dự báo thấp hơn so với kế hoạch năm 2016. Tại Mỹ Latinh, sản lượng tôm nuôi tại Êcuađo duy trì mức tăng tương đối, song tại Mêhicô, dịch bệnh khiến nông dân phải thu hoạch tôm sớm đã ảnh hưởng tiêu cực đến tổng sản lượng tôm nuôi. Tại các quốc gia khác ở Trung và Nam Mỹ, sản lượng tôm nuôi cũng không được cải thiện nhiều.

Đối với ngành khai thác tôm, Áchentina đã có một năm khai thác thành công tôm Pleoticus muelleri với sản lượng cả năm đạt 150.000 tấn, cao hơn mức sản lượng 140.000 tấn của năm 2015. Trái lại, sản lượng khai thác tôm tại vùng Vịnh Mêhicô của Mỹ giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 10/2016 lại giảm 18% so với cùng kỳ năm 2015, khiến giá tôm khai thác vẫn ở mức cao hơn tôm chân trắng nhập khẩu.

Mặc dù tăng trưởng thấp hơn dự kiến ​​nhưng Ấn Độ đã trở thành nước xuất khẩu tôm hàng đầu trong 9 tháng đầu năm 2016, tiếp theo là Êcuađo, Thái Lan, Inđônêxia và Trung Quốc. So với cùng kỳ năm 2015, xuất khẩu từ Ấn Độ tăng 11,6% với tổng khối lượng đạt 315.400 tấn. Khối lượng xuất khẩu của Êcuađo cũng tăng 7,5% (lên 276.000 tấn) trong giai đoạn này với doanh số tăng ở Đông Á, Liên bang Nga và Mỹ Latinh. Tại Thái Lan, nhờ sản lượng tôm nuôi được cải thiện đã giúp xuất khẩu tôm của nước này tăng 28% trong 9 tháng đầu năm 2016, giúp quốc gia này đứng ở vị trí thứ 3, với hơn 40% là các sản phẩm chế biến và giá trị gia tăng. Xuất khẩu tôm của Trung Quốc tăng 9% lên mức 136.000 tấn, chủ yếu nhờ tăng trưởng tại các thị trường Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan.

Tính đến hết năm 2016, xuất khẩu tôm của Việt Nam cũng ghi nhận mức tăng trưởng dương tại các thị trường trọng điểm như Mỹ (7,9%), Nhật Bản (2,7%), EU (9,4%), Trung Quốc (24,3%) Hàn Quốc (13,6%).

Giá tôm trên thị trường thế giới nhìn chung vẫn chưa phục hồi, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên giá tôm sú xuất khẩu tại một số quốc gia như Bănglađét, Mianma, Inđônêxia có xu hướng tăng mạnh do nhu cầu lớn từ thị trường Mỹ và Nhật trong khi nguồn cung tôm sú từ các quốc gia như Ấn Độ, Việt Nam, Inđônêxia có xu hướng giảm trong thời gian qua. Giá tôm cỡ lớn tại Inđônêxia giảm do nhu cầu tại thị trường chính như Mỹ đi xuống.

Hương Trà

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác