Trong năm 2016, ngành thủy sản đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như rét đậm, rét hại ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ những tháng đầu năm, tình hình hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, trong năm 2016, ô nhiễm môi trường trên các sông xảy ra ở một số tỉnh gây hiện tượng thủy sản chết hàng loạt. Trong đó, thiệt hại và ảnh hưởng nặng nề nhất là sự cố môi trường biển tại khu vực 4 tỉnh ven biển miền Trung đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của người dân.
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt và kịp thời của Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Thủy sản và sự hỗ trợ kịp thời của các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, sự cố gắng vượt khó vươn lên của doanh nghiệp và nông ngư dân, đã đưa ngành Thủy sản vượt qua những thách thức và tiếp tục phát triển bền vững. Góp phần duy trì tăng trưởng, nâng cao thu nhập và tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân.
Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2016, tổng sản lượng thủy sản cả nước ước đạt hơn 6,7 triệu tấn tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, sản lượng khai thác gần 3,1 triệu tấn (tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2015), sản lượng nuôi trồng trên 3,6 triệu tấn (tăng 3,3% so với cung kỳ năm 2015). Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt khoảng 7 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù trong những tháng đầu năm 2016, lĩnh vực thủy sản đã chịu ảnh hưởng bởi tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tại các tỉnh ĐBSCL, ảnh hưởng đến kế hoạch thả nuôi tôm nước lợ cũng như gây thiệt hại cho người nuôi. Trong những tháng đầu năm, giá cá tra nguyên liệu thiếu ổn định và ở mức thấp, cùng với đó, Luật Nông trại Hoa Kỳ 2014 (Farm bill 2014) đã gây khó khăn cho xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo ứng phó kịp thời với những khó khăn trên, kết quả đã đạt được rất khả quan. Diện tích thả nuôi tôm nước lợ của cả nước ước đạt 700.000 Ha tăng 0,72% so với kế hoạch đề ra. Sản lượng tôm nước lợ ước đạt 650 nghìn tấn. Diện tích thả nuôi cá tra ước đạt 5.050ha, sản lượng thu hoạch cá tra ước đạt 1,15 triệu tấn đạt 100% kế hoạch đặt ra.
Trong năm 2016, đã xuất hiện nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển nước ta ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động khai thác của ngư dân. Đặc biệt, sự cố môi trường biển xảy ra tại 4 tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động khai thác và tiêu thụ hải sản của ngư dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế nói riêng và cả nước nói chung. Trước tình hình đó, Tổng cục Thủy sản đã kịp thời tham mưu cho Bộ nhiều văn bản chỉ đạo, khôi phục sản xuất và ổn định đời sống của người dân. Tổng cục Thủy sản đã thành lập tổ công tác đặc biệt xử lý sự cố và tiến hành hướng dẫn kê khai, bồi thường cho người dân cũng như khôi phục sản xuất. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách phát triển thủy sản. Đẩy mạnh khai thác hải sản theo mô hình tổ đội sản xuất khai thác hải sản xa bờ và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong khai thác hải sản.
Phát biểu tại Hội nghị, Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, cho rằng trong năm qua, nhờ có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh cũng như đưa ra các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong những năm tiếp theo, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp khó lường sẽ ảnh hưởng đến ngành thủy sản. Tuy nhiên, Ông Cẩn cho rằng với hai đối tượng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là tôm nước lợ và cá tra hiện dư địa cho xuất khẩu còn lớn. Do đó, trong năm 2017 và những năm tiếp theo cần tập trung phát triển và thúc đẩy xuất khẩu 2 đối tượng này. Ngoài ra, tiếp tục phát triển các đối tượng thủy sản đặc sản có giá trị cao mang tính đặc trưng vùng miền.
Tại Hội nghị, Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản cho rằng trong năm qua, do chịu ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới. Đặc biệt, ảnh hưởng của sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại đối với hoạt động khai thác thủy sản cũng như người nuôi lồng bè . Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các đơn vị đã kịp thời giải quyết có hiệu quả, ổn định sản xuất. Đối với lĩnh vực khai thác thủy sản, Ông Trung cho rằng hiện dư địa khai thác nguồn lợi vùng nước sâu và khai thác ngoài vùng biển của Việt Nam vẫn còn. Tuy nhiên, cần có nghiên cứu đánh giá nguồn lợi thủy sản đối với các vùng biển sâu và nghiên cứu các nghề khai thác phù hợp để tận dụng lợi thế.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã đánh giá cao trong công tác chỉ đạo điều hành của các đơn vị, đã kịp thời đưa ra những giải pháp tháo gỡ và khắc phục khó khăn cho người dân. Đặc biệt, qua sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung các đơn vị đã kịp thời tham mưu cho Bộ và phối hợp với các Bộ ngành, địa phương đưa ra những giải pháp sớm ổn định và khôi phục sản xuất cho người dân.
Trong năm 2016, từ diễn biến tình hình xâm nhập mặn tại các tỉnh ĐBSCL, ngành tôm đã ứng phó và biến thành yếu tố bất lợi thành lợi thế trong nuôi tôm nước lợ. Ngành thủy sản đã thành công và đi đầu trong quản lý theo chuỗi trong sản xuất. Bên cạnh đó, ngành cá tra đã phục hồi trở lại, vượt qua những thách thức góp phần vào thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường. Chỉ đạo và triển khai ứng dụng KHCN trong lĩnh vực khai thác, bước đầu có hiệu quả và thực hiện tốt Đề án tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Tổ chức xúc tiến thương mại cũng như xử lý các vấn đề liên quan đến rào cản thương mại. Tranh thủ sự hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức quốc tế, khu vực. Công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đã được thực hiện hiệu quả, đặc biệt, đang nỗ lực nghiên cứu xây dựng Luật Thủy sản sửa đổi để trình Quốc hội trong năm 2017.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã chỉ ra những tồn tại mà ngành Thủy sản đang gặp phải như: Công tác cái cách hành chính vẫn còn chậm và nhiều thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc; Ứng dụng KHCN trong khai thác thủy sản chưa phát huy rõ rệt; Tổn thất sau thu hoạch trong khai thác vẫn còn lớn chưa nâng cao được giá trị gia tăng sản phẩm xuất khẩu. Công tác kiểm tra, giám sát về vi phạm trong sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm chưa triệt để. Tình hình tàu cá của ngư dân vi phạm bị nước ngoài bắt giữ có chiều hướng gia tăng và phức tạp hơn.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được và những tồn tại khó khăn, Thứ trưởng Vũ Văn Tám yêu cầu trong năm tới cần tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới.
Phát huy tiềm năng và lợi thế trong nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt chú trọng vào hai đối tượng chủ lực có lợi thế với dư địa còn lớn là: tôm nước lợ và cá tra.. Ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến trong nuôi tôm nước lợ tiến tới không sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi tôm. Hoàn thiện đề án tôm công nghiệp tại một số tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, chú trọng phát triển tôm sinh thái tại Cà Mau. Nghiên cứu phát triển giống cá tra chất lượng cao, tiếp tục triển khai Đề án sản phẩm quốc gia là cá da trơn và đề xuất xây dựng sản phẩm quốc gia đối với tôm.
Tập trung phát triển, tổ chức lại sản xuất trong khai thác thủy sản, ứng dụng KHCN vào khai thác đề giảm tổn thất sau thu hoạch. Cơ cấu lại nghề lưới kéo theo hướng giảm nhanh tỷ trọng nghề lưới kéo. Hiện đại hóa hạ tầng nghề cá trên cơ sở xã hội hóa trong đầu tư. Tiếp tục nghiên cứu và xây dựng 5 trung tâm nghề cá lớn đã được phê duyệt.
Tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, trong đó cần nghiên cứu thúc đẩy phát triển thị trường Trung Quốc từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Ngoài ra, cần tạo bước đột phá để phát triển và chiếm lĩnh thị trường trong nước.
Tạo cơ chế thu hút nguồn vốn từ các doanh nghiệp và nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư trong lĩnh vực thủy sản.
Tăng cường công tác truyền thông nhằm minh bạch thông tin, cung cấp thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển bền vững ngành thủy sản.
Văn Thọ