Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 11 tháng năm 2024 ước đạt 56,74 tỷ USD (17-12-2024)

Còn một tháng nữa mới kết thúc năm 2024, tuy nhiên đến thời điểm này, ngành Nông nghiệp đã cơ bản đạt và vượt mục tiêu đề ra 54 - 55 tỷ USD cho cả năm 2024. Đặc biệt, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (NLTS) năm nay là một điểm sáng, tự tin chuẩn bị lập kỷ lục mới.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 11 tháng năm 2024 ước đạt 56,74 tỷ USD
Ảnh minh họa

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 11 năm 2024 ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 13,9% so với tháng 11 năm 2023; đưa tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS 11 tháng đầu năm 2024 đạt 56,74 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị xuất siêu nông lâm thủy sản 11 tháng đầu năm 2024 ước đạt 16,46 tỷ USD, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản ước đạt 29,78 tỷ USD, tăng 23,2%; giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 475,5 triệu USD, tăng 4,4%; giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 9,2 tỷ USD, tăng 11,8%; giá trị xuất khẩu lâm sản ước đạt 15,59 tỷ USD, tăng 19,6%; giá trị xuất khẩu đầu vào sản xuất đạt 1,69 tỷ USD, giảm 5,7%; giá trị xuất khẩu muối đạt 5,3 triệu USD, tăng 2,7%.

Theo vùng lãnh thổ, châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng NLTS của Việt Nam với thị phần chiếm 48,2%. 2 thị trường lớn tiếp theo là châu Mỹ và châu Âu với thị phần lần lượt là 23,7% và 11,3%. Thị phần của 2 khu vực châu Phi và châu Đại Dương nhỏ, chiếm lần lượt 1,8% và 1,4%.

So với cùng kỳ năm trước, ước giá trị xuất khẩu NLTS của Việt Nam 11 tháng đầu năm 2024 sang khu vực châu Á tăng 16,1%; châu Mỹ tăng 23,6%; châu Âu tăng 30,4%; châu Phi tăng 4,4%; và châu Đại Dương tăng 13,9%.

Về thị trường, Hoa Kỳ với thị phần 21,7%, Trung Quốc với thị phần 21,6% và Nhật Bản với thị phần 6,6%, là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng NLTS lớn nhất của Việt Nam. So với cùng kỳ năm trước, ước giá trị xuất khẩu NLTS của Việt Nam 11 tháng đầu năm 2024 sang thị trường Hoa Kỳ tăng 24,6%, Trung Quốc tăng 11%, và Nhật Bản tăng 5,5%.

Riêng về mặt hàng thuỷ sản, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 11 năm 2024 ước đạt 950 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu thủy sản 11 tháng đầu năm 2024 ước đạt 9,2 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2023. 

Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường tiêu thụ hàng thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 18,5%, 17,1% và 15,3%. So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu hàng thủy sản 10 tháng đầu năm 2024 sang thị trường Hoa Kỳ tăng 16,4%, thị trường Trung Quốc tăng 23,2%, thị trường Nhật Bản tăng 1,3%.

Trong 15 thị trường xuất khẩu thủy sản chính, thị trường có giá trị xuất khẩu tăng mạnh nhất là Nga với mức tăng 81,6%. Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu giảm mạnh nhất là Hồng Kông với mức giảm 7,4%.

Cũng theo số liệu thống kê, kim ngạch nhập khẩu NLTS tháng 11 năm 2024 ước đạt 3,92 tỷ USD, tăng 20,5% so với tháng 11 năm 2023; đưa tổng kim ngạch nhập khẩu NLTS 11 tháng đầu năm 2024 đạt 40,28 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản ước đạt 25,05 tỷ USD, tăng 10,7%; giá trị nhập khẩu thuỷ sản đạt 2,32 tỷ USD, giảm 2%.

Việt Nam nhập khẩu các mặt hàng NLTS nhiều nhất từ các thị trường thuộc khu vực châu Á và châu Mỹ với thị phần lần lượt là 28,7% và 24,2%. Thị phần của 3 khu vực châu Âu, châu Đại Dương, và châu Phi nhỏ, lần lượt là 5%, 4,2%, và 4%. So với cùng kỳ năm trước, ước giá trị nhập khẩu NLTS của Việt Nam 11 tháng đầu năm 2024 từ khu vực châu Á tăng 10,8%; châu Mỹ tăng 15,7%; châu Âu tăng 30,5%; châu Đại Dương giảm 34,4%; và châu Phi giảm 4,5%.

Trung Quốc, Braxin, và Hoa Kỳ, là 3 thị trường cung cấp các mặt hàng NLTS lớn nhất cho Việt Nam với thị phần lần lượt là 9,6%, 8,1%, và 7,4%. So với cùng kỳ năm trước, ước giá trị nhập khẩu NLTS của Việt Nam 11 tháng đầu năm 2024 từ thị trường Trung Quốc tăng 25,2%, Braxin tăng 14%, và Hoa Kỳ tăng 4,8%.

Riêng giá trị nhập khẩu thủy sản tháng 11 năm 2024 ước đạt 230 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu thủy sản 11 tháng đầu năm 2024 đạt 2,32 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong 10 tháng đầu năm 2024, nguồn nhập khẩu thủy sản của Việt Nam chủ yếu từ các thị trường Inđônêxia; Nauy, và Trung Quốc. So với cùng kỳ năm 2023, giá trị nhập khẩu thủy sản của Việt Nam từ 3 thị trường trên đều tăng, mức tăng lần lượt là 52,2%, 9,5% và 22,2%.

Cán cân thương mại ngành NLTS Việt Nam 11 tháng đầu năm 2024 ước đạt thặng dư 16,46 tỷ USD, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm trước. Theo nhóm hàng, lâm sản, thủy sản và nông sản là 3 nhóm hàng có cán cân thương mại 11 tháng đầu năm 2024 ở trạng thái thặng dư. Cụ thể, nhóm lâm sản ước đạt thặng dư 13,05 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2023; nhóm thủy sản thặng dư 6,88 tỷ USD, tăng 17,5%; và nhóm nông sản thặng dư 4,72 tỷ USD, tăng 3,1 lần.

Hiện nay, Ngành nông nghiệp có 7 mặt hàng NLTS có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD. Trong đó, tôm thặng dư 3,19 tỷ USD, tăng 20,5%; cá tra thặng dư 1,72 tỷ USD, tăng 10,1%.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác