Xuất khẩu thủy sản sang EU: Cơ hội từ các thị trường ngách (01-11-2024)

EU là thị trường tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản hàng đầu thế giới song thị phần của Việt Nam tại khu vực này mới chiếm một tỷ lệ khiêm tốn, dư địa phát triển còn rất lớn.
Xuất khẩu thủy sản sang EU: Cơ hội từ các thị trường ngách
Ảnh minh họa

Việt Nam có thuận lợi lớn từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) với việc EU cam kết mở cửa rất mạnh cho thủy sản Việt Nam bằng việc xóa bỏ khoảng 50% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, trong đó phần lớn các sản phẩm thuế cao từ 6 - 22% được xóa bỏ về 0% như hàu, điệp, mực, bạch tuộc, nghêu, sò, tôm sú đông lạnh…; 50% số dòng thuế còn lại, thuế suất cơ sở từ 5,5-26%, sẽ được cắt giảm về 0% theo lộ trình 3-7 năm.

Đặc biệt, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) nhập khẩu vào EU sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12-20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Trong khi các đối thủ cạnh tranh chủ yếu như Thái Lan không được hưởng GSP, không có FTA nên có mức thuế cơ bản 12%; Ấn Độ không có FTA nên chịu thuế GSP 4,2%; Indonesia chịu thuế GSP 4,2% và Ecuador vẫn chịu mức thuế cơ bản 12%. Như vậy, EVFTA đã tạo ra lợi thế rất lớn về giá cho thủy sản Việt Nam, nhất là trong cạnh tranh xuất khẩu các mặt hàng tương đồng với các đối thủ tại thị trường EU.

Số liệu thống kê cho thấy, những mặt hàng thủy sản được hưởng ưu đãi ngay sau khi EVFTA có hiệu lực đã cho những kết quả tăng trưởng xuất khẩu khả quan. Đồng thời, EVFTA cũng thúc đẩy mạnh mẽ thu hút đầu tư trực tiếp từ EU và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công nghệ chế biến sâu, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và chất lượng thủy sản Việt Nam, đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Bên cạnh đó, EU cũng linh hoạt mặt hàng mực và bạch tuộc chế biến của nước ta được áp dụng cộng gộp mở rộng với các nước ASEAN. Theo đó, nguyên liệu để sản xuất mực và bạch tuộc chế biến được phép nhập khẩu từ ASEAN để sản xuất hàng hóa xuất khẩu đi EU và hưởng thuế suất ưu đãi theo Hiệp định EVFTA. Đây là cơ hội tốt để thu hút các nhà đầu tư ASEAN đầu tư vào các nhà máy chế biến thủy sản của Việt Nam nhằm tận dụng chuỗi cung ứng khu vực và hưởng lợi từ Hiệp định.

Theo thông tin từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản ngoài khối lớn thứ 5 cho EU giai đoạn 2017 - 2022 (nguồn cung lớn thứ 2 từ châu Á, sau Trung Quốc) và chiếm thị phần 3,7% trong tổng nhập khẩu thủy sản của EU. Giai đoạn này, mặc dù kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU ghi nhận tốc độ tăng trưởng trong những năm gần đây nhưng thị phần thủy sản của Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng thấp.

Năm 2023, tình hình thị trường gặp nhiều khó khăn, cầu sụt giảm nên xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU cũng giảm khá mạnh. Từ đầu năm 2024, tình hình xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này tăng trưởng khả quan hơn; kim ngạch nửa đầu năm 2024 đạt 513 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân được cho là thị trường EU có xu hướng phục hồi trở lại, giá cả thị trường và tiêu dùng ổn định hơn; dự báo nhu cầu nhập khẩu và tiêu dùng mặt hàng thủy sản của EU những tháng cuối năm có thể tiếp tục tăng.

Đặc biệt, cơ cấu xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới EU trong thời gian tới dự kiến sẽ có nhiều chuyển biến khi các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tích cực đẩy mạnh xuất khẩu những sản phẩm thủy sản được hưởng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA trong khi phía đối tác cũng ưu tiên lựa chọn sản phẩm thủy sản từ Việt Nam do có mức giá cạnh tranh hơn và nguồn nguyên liệu ổn định. Theo Hiệp hội VASEP, Hiệp định EVFTA dự kiến giúp xuất khẩu thủy sản tăng trưởng khoảng 2% giai đoạn 2020 - 2030.

Xét trong cơ cấu các thị trường thành viên EU, bên cạnh những thị trường xuất khẩu chủ lực và truyền thống như Hà Lan, Đức, Pháp…, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam hiện vẫn còn nhiều dư địa và cơ hội để khai thác hiệu quả hơn một số thị trường tiềm năng, thị trường ngách tại EU. Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ, Bộ Công Thương tại “Cẩm nang xuất khẩu vào thị trường EU, mặt hàng thủy sản” đã dự báo cơ hội xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang một số thị trường tiềm năng ở EU trong thời gian tới như sau:

Thị trường Litva

Litva hiện được xếp hạng 79 trong số các nền kinh tế lớn và đứng thứ 36 trong danh sách các quốc gia giàu nhất với GDP hàng năm đạt khoảng 23.723 USD bình quân đầu người, tương đương 66,45 tỷ USD. Hàng năm Lítva là chi khoảng 650 triệu USD để nhập khẩu thủy sản.

Theo số liệu thống kê của ITC, năm 2022, nhập khẩu thủy sản của Lítva đạt 721,9 triệu USD, tăng 15,4% so với năm 2021, đạt mức cao nhất so với những năm trước đó, là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 12 trong khu vực EU, chiếm 1,2% tổng trị giá nhập khẩu thủy sản của EU. Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 6 cho Lítva từ ngoài khối EU trong năm 2022, chiếm 3,54% tổng trị giá nhập khẩu thủy sản của EU trong năm 2022.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, sau khi EVFTA có hiệu lực tháng 8/2020, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới Lítva liên tục tăng, năm 2021 tăng 42,97% so với năm 2020 đạt 23,6 triệu USD. Năm 2022 xuất khẩu thủy sản tới Lítva đạt 39,9 triệu USD, tăng 68,8% so với năm 2021, chiếm 3,06% tổng trị giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới EU. Cá ngừ, chả cá và cá tra là những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực tới thị trường Lítva và có nhiều cơ hội tăng trưởng trong thời gian tới. Đặc biệt là những sản phẩm thủy sản của Việt Nam đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường về chất lượng, truy xuất nguồn gốc…

Thị trường Phần Lan

Phần Lan là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 13 ở EU hàng năm chi hơn 600 triệu USD để nhập khẩu thủy sản.

Theo số liệu thống kê của ITC, năm 2022 có Phần Lan chi 678 triệu USD để nhập khẩu thủy sản, chiếm 1,14% tổng trị giá nhập khẩu thủy sản của EU. Trong đó Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 4 từ ngoài EU cho Phần Lan, chiếm 1,71% tổng trị giá nhập khẩu thủy sản của Phần Lan từ ngoài EU.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới thị trường này sau khi EVFTA có hiệu lực đang tăng trưởng không ổn định, nhưng dư địa cho việc đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản tới thị trường này là khá cao. Cá ngừ, tôm và cá tra là ba mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tới thị trường Phần Lan.

Thị trường Rumani

Rumani là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 11 của Việt Nam ở khu vực EU năm 2022, chiếm 1,87% tổng trị giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới EU.

Theo số liệu thống kê của ITC, hàng năm chi khoảng hơn 400 triệu USD để nhập khẩu thủy sản. Năm 2022, Rumani đã chi 463 triệu USD để nhập khẩu thủy sản, chiếm 0,78% tổng trị giá nhập khẩu thủy sản của khu vực EU, tăng 7,5% sovới năm 2021. Trong đó nhập khẩu từ Việt Nam 19,4 đạt triệu USD, chiếm 4,19% tổng trị giá nhập khẩu thủy sản của Rumani. Đáng chú ý Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 2 cho Rumani sau Thổ Nhĩ Kỳ từ ngoài khối.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới Rumani liên tục tăng mạnh sau khi EVFTA có hiệu lực. Cá ngừ, tôm và cá tra là ba mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực tới thị trường này.

Đây là thị trường nhiều tiềm năng và còn nhiều dư địa đối với các sản phẩm thủy sản thế mạnh của Việt Nam. Bên cạnh đó, cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng chả cá tới thị trường này vẫn còn rất nhiều tiềm năng.

Ngọc Thúy (theo Tạp chí Công Thương)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác