Xuất khẩu cá ngừ hộp sang EU và bài toán nguyên liệu
Kể từ tháng 7/2024, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam của Việt Nam sang EU bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm so với cùng kỳ năm trước (giảm 14%). Bước sang nửa đầu tháng 8, mặc dù xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU đã tăng lên, nhưng xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ đóng hộp tiếp tục giảm mạnh. Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU tính đến hết ngày 15/8/2024 tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023, đạt hơn 133 triệu USD.
Tại khối thị trường này, cá ngừ đóng hộp đang là sản phẩm chủ lực, chiếm gần 39% tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU. Nếu như 4 tháng đầu năm, cá ngừ đóng hộp là nhóm sản phẩm duy trì được đà tăng trưởng tốt thì từ tháng 5 trở lại đây, xuất khẩu nhóm sản phẩm này đang sụt giảm liên tục và ngày càng giảm sâu. Trong giai đoạn này, xuất khẩu sang các thị trường nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam trong khối EU như Đức, Hà Lan, Ba Lan hay Italy đều giảm. Theo các doanh nghiệp, nguyên nhân của sự sụt giảm này ngoài việc hạn ngạch ưu đãi thuế quan đang hết dần thì các doanh nghiệp cũng đang gặp khó về nguồn cung cá ngừ vằn có xuất xứ thuần túy (nguyên liệu chủ lực của ngành chế biến và xuất khẩu cá ngừ đóng hộp).
Theo Nghị định 37/2024/NĐ-CP (có hiệu lực từ 19/5/2024) quy định về kích cỡ chiều dài nhỏ nhất cho phép khai thác đối với cá ngừ vằn là 0,5m. Quy định này đang khiến cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ không mua được nguyên liệu cá ngừ đúng theo quy định mới, một số doanh nghiệp cá ngừ đã dừng hoàn toàn việc thu mua nguyên liệu cá ngừ vằn khai thác trong nước của ngư dân do không đảm bảo kích cỡ 100% đạt 0,5 mét trở lên. Hầu hết các cảng cá hiện nay đã ngừng xác nhận nguyên liệu (giấy S/C) cho các lô hàng cá ngừ vằn do kích thước cá khai thác nhỏ hơn quy định của Nghị định 37.
Do đó, hiện nay nguồn nguyên liệu thuần túy dự trữ đã cạn, các doanh nghiệp phải chuyển sang sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Và với nguồn nguyên liệu này thì các đơn hàng cá ngừ đóng hộp của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ phải chịu thuế cao và khó lòng cạnh tranh được với các nước như Ecuador hay Philippines. doanh nghiệp đứng trước nguy cơ mất thị trường.
Ngành cá ngừ hộp gặp khó vì một số quy định bất cập
Những tổn thất do Covid-19 gây ra cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam chưa kịp phục hồi. Cuộc xung đột Nga-Ukraine leo thang, sự gián đoạn của thị trường năng lượng và lương thực do chiến sự gây ra và mới đây nhất là cuộc khủng hoảng toàn diện tại Dải Gaza liên quan tới xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine lại tiếp tục khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn. Nhìn chung, những bất ổn về kinh tế và chính trị trên thế giới đang khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
VASEP nhận định: Trong bối cảnh đó, khó lại chồng khó khi doanh nghiệp và ngư dân phải thực hiện một số quy định bất cập tại Nghị định 37/2024/NĐ-CP. Theo quy định, kể từ ngày 19/5/2024, cá ngừ vằn được phép khai thác phải có chiều dài tối thiểu là 500 mm. Nếu dưới kích cỡ này thì các doanh nghiệp sẽ không được thu mua để chế biến xuất khẩu. Quy định này là nhằm bảo vệ nguồn lợi cá ngừ, tránh khai thác cá ngừ ở kích thước nhỏ. Tuy nhiên, lâu nay số lượng cá ngừ vằn kích cỡ 500 mm trở lên thường chỉ chiếm từ 10 - 20% mẻ lưới.
Với quy định này, để thực hiện quy định ngư dân phải thay đổi kích thước mắt lưới. Tuy nhiên theo phản ảnh của các ngư dân, việc thay đổi ngư cụ không đơn giản, tăng thêm chi phí, hơn thế nữa cũng không giải quyết được việc sàng lọc cá đánh bắt theo cỡ. Hơn thế nữa, ngư dân đánh bắt cá về thì không bán được dẫn đến thua lỗ tàu phải nằm bờ. Không đánh bắt được cá, ngư dân mất sinh kế, đời sống bị ảnh hưởng,….
Bên cạnh đó, cá ngừ vằn là nguyên liệu chủ lực để chế biến, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam. Năm 2023, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp chiếm trên 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam, đạt gần 255 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ. Bước sang năm 2024, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam vẫn tiếp đà phục hồi với mức tăng 24%. Nhu cầu thị trường đang dần phục hồi, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu. Bên cạnh đó, những lợi thế về mặt ưu đãi thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do đang giúp cho các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn về giá tại các thị trường như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Hiện tại trên thế giới, các nước sản xuất đồ hộp như Thái Lan, Philippines, Ecuador… thường sản xuất cá ngừ vằn đóng hộp bằng cá ngừ vằn với kích cỡ khoảng 1,8 – 3,4kg, cá ngừ dưới 1kg cũng được sử dụng nhiều để sản xuất cá ngừ đóng hộp. Các nước trên thế giới hay ngay cả Liên minh châu Âu cũng không có quy định kích thước tối thiểu của cá ngừ vằn. Việc Việt Nam đưa ra quy định về kích cỡ cá ngừ vằn sẽ khiến cho nguồn cung nguyên liệu trong nước khan hiến, doanh nghiệp không có đủ nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu và thay vào đó phải tăng cường nhập khẩu nguyên liệu từ các nước. Với nguồn nguyên liệu nhập khẩu, những lợi thế về ưu đãi thuế quan theo thỏa thuận trong các hiệp định thương mại tự do sẽ không còn, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị mất thị trường.
Diễn biến xuất khẩu cá ngừ hộp trong 8 tháng đầu năm
Sau khi tăng trưởng nhanh trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam liên tục sụt giảm từ tháng 5 đến nay. Chỉ tính riêng trong tháng 8/2023, giá trị xuất khẩu cá ngừ đóng hộp đã giảm 13% (chỉ đạt khoảng 22 triệu USD). Tuy nhiên, nhờ sự tăng trưởng tốt trong những tháng đầu năm nên lũy kế 8 tháng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023, đạt hơn 196 triệu USD.
Hiện các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Việt Nam đã xuất được sang 74 nước trên thế giới. Trong đó, Mỹ, Israel, Đức, Hà Lan và Libăng là 5 thị trường đơn lẻ nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ đóng hộp của Việt Nam, chiếm hơn 61% tổng giá trị xuất khẩu. Tính đến hết tháng 8/2024, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp sang các thị trường này, trừ Hà Lan, đều tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số liệu thống kê của Hải quan cho thấy xuất khẩu cá ngừ đóng hộp sang 2 thị trường nhập khẩu lớn nhất là Mỹ và EU đang sụt giảm liên tục trong 4 tháng qua.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, giai đoạn sụt giảm xuất khẩu cá ngừ đóng hộp cũng chính là giai đoạn Nghị định 37/2024/NĐ-CP có hiệu lực khiến các doanh nghiệp phải ngừng việc thu mua nguyên liệu cá vằn khai thác trong nước của ngư dân do không đảm bảo kích cỡ 100% đạt nửa mét trở lên; hầu hết các cảng cá hiện nay cũng đã ngừng xác nhận nguyên liệu (giấy S/C) cho các lô hàng cá ngừ vằn do kích thước cá khai thác nhỏ hơn quy định của Nghị định 37. doanh nghiệp phải tận dụng nguồn nguyên liệu tồn kho để đáp ứng xuất khẩu.
Hiện tại, nguồn nguyên liệu tồn kho đã hết, những vướng mắc tù việc thực hiện quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác của cá ngừ vằn theo Nghị định 37 vẫn chưa được tháo gỡ. Bên cạnh đó, Khủng hoảng Biển Đỏ khiến chi phí vận tải đi châu Âu và Mỹ tăng mạnh. Cụ thể, theo báo cáo từ Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), chi phí vận tải từ Việt Nam đến châu Âu đã tăng 3-5 lần, còn đến Mỹ cũng tăng từ 70-88%. Không chỉ vậy, thời gian vận chuyển kéo dài còn gây ra tình trạng thiếu hụt container rỗng, khiến việc lưu thông hàng hóa thêm khó khăn. Điều này đang ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp cá ngừ Việt trên thị trường quốc tế.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam trong những tháng cuối năm dự kiến sẽ không thể phục hồi.
Ngọc Thúy - FICen