Trong thời gian gần đây, Trung Quốc tiếp tục xu hướng giảm nhập khẩu. Theo dữ liệu mới nhất của Tổng cục Hải Quan Trung Quốc, trong tháng 5/2024 nước này chỉ nhập khẩu 70.169 tấn tôm đông lạnh, trị giá 341 triệu USD; khối lượng giảm 30%, giá trị giảm 41%. Giá trung bình giảm 16% xuống còn 4,86 USD/kg. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 367.435 tấn tôm, trị giá 1,78 tỷ USD, giảm 11% về khối lượng và 24% về giá trị.
Năm 2024, nhập khẩu tôm Trung Quốc bắt đầu sụt giảm khi nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này có dấu hiệu đi xuống và lãnh đạo ngành quyết định thay đổi chiến lược đẩy mạnh sản xuất tôm trong nước. Ecuador duy trì là nguồn cung tôm lớn nhất của Trung Quốc trong tháng 5/2024 với 50.129 tấn, trị giá 226 triệu USD, giảm 31% về lượng và 42% về giá trị (do giá trung bình giảm). Ấn Độ đứng thứ hai với 12.598 tấn. Cả hai nhà cung cấp đều chứng kiến giá trị xuất khẩu tôm sang Trung Quốc sụt giảm 2 con số trong năm nay. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, giá nhập khẩu tôm trung bình từ Ấn Độ (chủ yếu là tôm bỏ đầu) giảm 11% xuống còn 5,07 USD/kg. Giá tôm Ecuador (chủ yếu là tôm nguyên con) giảm 16% xuống 4,5 USD/kg. Như vậy, giá tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu vào Trung Quốc đạt 4,86 USD/kg trong 5 tháng đầu năm 2024. Đây là khoảng thời gian dài nhất trong 10 năm qua giá tôm nhập khẩu vào Trung Quốc đạt mức dưới 5 USD/kg.
Về khối lượng, Ấn Độ xuất khẩu 54.819 tấn tôm sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm, tăng 15%; ngược lại Ecuador ghi nhận giảm 11%, với tổng cộng 267.700 tấn tôm được thông quan. Ngoài ra, thời gian này cũng là lần đầu tiên nhập khẩu tôm từ Malaysia, Việt Nam, Argentina và Peru ghi nhận sụt giảm 2 con số cả về khối lượng và giá trị. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tính đến 15/6/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc&HK đạt 295 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù con số lũy kế vẫn tăng, nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng giảm dần từ tháng 1 đến tháng 4; thậm chí sang tháng 5 có dấu hiệu giảm nhiều. Nguyên nhân là do giá tôm của Việt Nam cao, khó cạnh tranh với các nguồn cung đối thủ tại thị trường này và cả nguồn cung nội địa của Trung Quốc. Hơn nữa lại trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc, người dân nước này đang thắt chặt chi tiêu.
VASEP dự đoán từ tháng 6 đến tháng 9 năm nay, tôm từ Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc sẽ không tăng, thậm chí giảm vì Trung Quốc có thể sẽ tập trung tăng mua sản lượng từ Ecuador, Ấn Độ và Indonesia (vì các nước này bị áp thuế chống phá giá cao ở thị trường Mỹ). Tại thị trường Trung Quốc, dù lợi thế tôm giá rẻ vẫn đang thuộc về Ecuador, nhưng không vì thế mà tôm Việt Nam không có cơ hội. Bởi màu sắc của tôm Việt Nam sau khi được chế biến luôn có màu đỏ tươi, rất phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc. Đây chính là điều mà tôm Ecuador khó đáp ứng được do họ chỉ nuôi ao đất, sau khi chế biến tôm chỉ có màu đỏ nhạt. Hơn nữa, thị trường này có nhu cầu cao với tôm cỡ nhỏ, phù hợp khả năng cung ứng của Việt Nam trong khi mặt hàng này ở các nước khác không cung cấp được nhiều.
Dự kiến nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc sẽ tăng trở lại từ quý III/2024 để phục vụ giai đoạn Lễ Quốc Khánh và Tết Trung Thu, từ 17/9 – 7/10. Theo đó, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc có khả năng sẽ tăng trong giai đoạn này.
Ngọc Thúy (theo VASEP)