Kim ngạch xuất khẩu cá tra 5 tháng đầu năm tăng vọt (28-05-2024)

Các thị trường gia tăng nhập khẩu, giúp kim ngạch xuất khẩu cá tra tăng vọt. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu cá tra trong 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 725 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái; thị trường nhập khẩu nhiều nhất hiện nay là Mỹ.
Kim ngạch xuất khẩu cá tra 5 tháng đầu năm tăng vọt
Ảnh: Phi lê cá tra xuất khẩu (ảnh Hải Đăng)

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), hiện nay thị trường lớn nhất cho cá tra Việt Nam là Mỹ, sau đó là thị trường Trung Quốc, châu Âu và một số thị trường Nam Mỹ khác. Trong các sản phẩm cá tra Việt Nam, Mỹ hiện đang tăng cường nhập khẩu cá tra chế biến, giá trị gia tăng gấp 8,5 lần so với cùng kì năm 2023. Trong khi đó, cá tra đông lạnh vào thị trường Mỹ lại giảm sút do nhu cầu của người tiêu dùng giảm.

Cá tra phi lê đông lạnh vẫn là mặt hàng chủ lực của xuất khẩu cá tra sang Mỹ. Tính đến hết tháng 5/2024, xuất khẩu cá tra phi lê đông lạnh sang Mỹ đạt hơn 120 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 98% tỷ trọng trong tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết Việt Nam đang có những lợi thế để xuất khẩu các sản phẩm cá thịt trắng. Vừa qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia và giới thiệu các sản phẩm cá tra Việt Nam tại triển lãm thủy sản Bắc Mỹ, tìm kiếm cơ hội kết nối, đưa sản phẩm đến khu vực này. Hiện nay các nguồn cung cá thịt trắng khác cho Mỹ đang giảm như cá rô phi cũng là lợi thế cho xuất khẩu cá tra Việt Nam.

"Thông tin Mỹ đang xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đã mang lại niềm hy vọng lạc quan cho nhiều ngành kinh tế Việt Nam, trong đó có ngành thủy sản. Dự kiến vào tháng Bảy tới, DOC sẽ có quyết định về việc Việt Nam có được chuyển đổi trạng thái từ nền kinh tế phi thị trường sang nền kinh tế thị trường hay không. Nếu Việt Nam được công nhận có nền kinh tế thị trường, đây sẽ là lợi thế cho cho các doanh nghiệp Việt Nam trong các đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá tôm, cá tra trong thời gian tới," ông Trương Đình Hòe cho biết thêm.

Thị trường châu Âu vẫn chưa phục hồi

EU đã từng là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam với doanh số đạt đỉnh 511 triệu USD vào năm 2010, chiếm 36% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào thời điểm đó. Tuy nhiên, trong những năm tiếp theo, xuất khẩu cá tra sang thị trường này giảm mạnh. Năm 2022, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang EU lại đột ngột tăng trưởng cao do nhu cầu tăng mạnh sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thế nhưng đến năm 2023, xuất khẩu cá tra sang EU đã giảm 19% so với năm 2022.

Trong hai tháng đầu năm thị trường này chỉ mang về cho Việt Nam 21 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2023. Mặc dù thị trường EU sôi động trở lại từ tháng 4/2024 cho đến nay, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường này 5 tháng đầu năm ước đạt 70 triệu USD, chỉ còn giảm 7% so với cùng kì năm 2023.

VASEP đánh giá phục hồi và tăng trưởng kinh tế châu Âu trong năm nay sẽ là không dễ dàng trước những diễn biến ngày càng căng thẳng của cuộc xung đột Nga - Ukraine, cùng với xung đột ở Trung Đông, với những tác động đầy bất ổn và rủi ro cho triển vọng kinh tế của khối Liên minh này.

Châu Âu được các doanh nghiệp cá tra đánh giá thị trường cần tập trung nhiều hơn vì nhu cầu tiêu thụ cá thịt trắng. Bên cạnh tập trung các mặt hàng giá trị gia tăng, đảm bảo các tiêu chuẩn xanh vào thị trường này, các hoạt động truyền thông, tiếp thị cho mặt hàng cá tra tại thị trường này cần tiếp tục được đẩy mạnh. Nhìn chung, thị trường không thể hồi phục ngay lập tức, hay khởi sắc chỉ trong thời gian ngắn, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan của tình hình thế giới và cả nội tại doanh nghiệp, để thúc đẩy ngành cá tra trong quý III/2024.

Tháng 5/2024, VASEP cũng ghi nhận Đức vượt Hà Lan trở thành điểm đến lớn nhất của xuất khẩu cá tra Việt Nam trong khối châu Âu. Bên cạnh đó, nhiều thị trường trong khối châu Âu tăng trưởng dương về nhập khẩu cá tra Việt Nam bao gồm: Lithuania tăng 215%, Tây Ban Nha tăng 69%, Bỉ tăng 62%, Hy Lạp tăng 46%, Bồ Đào Nha tăng 15%…

Với sự khởi sắc của chế biến và xuất khẩu cá tra hiện nay, ngành cá tra dự báo giá xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ tăng 10% trong quý III/2024, bởi sự cộng hưởng các yếu tố nhiên liệu, chi phí logistics, lãi suất ngân hàng hạ nhiệt. Đây là cơ hội cho toàn ngành cá tra Việt Nam. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần khai thác tối đa những ưu đãi, lợi thế mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-châu Âu (EVFTA) mang lại để tham gia sâu hơn vào thị trường châu Âu. Đồng thời, việc đáp ứng các tiêu chuẩn xanh của khối thị trường này về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững cũng là các yếu tố quan trọng cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào châu Âu.

UAE tăng nhập cá tra Việt

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 3/2024, Việt Nam xuất khẩu hơn 2 triệu USD cá tra sang Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE), tăng 62% so với tháng 3/2024. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sang thị trường này đạt hơn 7 triệu USD, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái.

UAE chủ yếu nhập khẩu sản phẩm cá tra fillet đông lạnh (mã HS 0304) từ Việt Nam với giá trị hơn 2 triệu USD trong tháng 3/2024, tăng 51% so với tháng 3/2023 và tăng 81% so với tháng trước đó, nhưng giảm 33% so với tháng 1/2024. Sản phẩm này chiếm đến 93% tỷ trọng trong tổng xuất khẩu cá tra Việt Nam sang UAE. Trong quý 1/2024, thị trường này nhập khẩu gần 7 triệu USD cá tra fillet đông lạnh của Việt Nam, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, ba tháng đầu năm 2024, UAE cũng nhập khẩu cá tra tươi/đông lạnh/khô (thuộc mã 03) và cá tra giá trị gia tăng với giá trị lần lượt là 517 nghìn USD, tăng gấp 15 lần và 152 nghìn USD, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), UAE tiêu thụ hơn 220.000 tấn thủy sản mỗi năm và phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu. Dư địa xuất khẩu cá tra sang khu vực này vẫn tốt khi dân số tại UAE ngày càng tăng, thu nhập của người dân cao và tốc độ đô thị hóa nhanh. Thu nhập khả dụng tăng và giới trẻ ưa chuộng protein thủy hải sản cùng với các chuyến du lịch dự báo sẽ thúc đẩy tiêu thụ thủy hải sản ngày càng tăng. Hơn nữa, Ngân hàng Trung ương UAE đã tăng dự báo tăng trưởng năm 2024 cho nền kinh tế nước này từ mức 4,3% lên 5,7%.

Trung quốc vẫn là thị trường lớn của cá tra Việt Nam

Theo Liu Zidan, Phó Tổng giám đốc của Xiangtai, Trung Quốc tiêu thụ hơn 300.000 tấn cá tra nuôi hàng năm. Trong số cá tra tiêu thụ tại Trung Quốc, cá tra nhập khẩu đạt khoảng 250.000 tấn, chiếm 85% thị phần nội địa. Có khoảng 45.000 tấn cá tra được nuôi ở Trung Quốc, chiếm 15% thị trường. 

Do sản lượng cá rô phi sụt giảm chưa thể phục hồi ngay, Trung Quốc đang tăng tiêu thụ cá thịt trằng và nổi lên là một thị trường tiêu thụ lượng khổng lồ cá tra của Việt Nam. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP cho biết, từ vị trí thứ ba, Trung Quốc đã vươn lên thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam.

Mặc dù Trung Quốc đang tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng cá tra để đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa đang tăng cao nhưng theo dự báo của các chuyên gia VASEP, thời gian tới, cá tra Việt Nam vẫn chiếm ưu thế ở thị trường Trung Quốc. Các nhà sản xuất cá tra Trung Quốc không thể cạnh tranh với Việt Nam trên thị trường cá tra thế giới do khoảng cách lớn ở mọi khâu trong chuỗi cung ứng: từ sản xuất con giống, nuôi cá tra thương phẩm đến tiêu chuẩn hóa.

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc

Tin khác