Tăng cường hệ thống Đồng quản lý trong Nuôi trồng thủy sản bền vững (06-08-2024)

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thực phẩm thủy sản của thế giới, nuôi trồng thủy sản là giải pháp hữu hiệu, đồng thời góp phần giải quyết các thách thức về an ninh lương thực và môi trường. Do đó, cần phải có chiến lược quản lý hiệu quả nhằm đảm bảo phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững trong tương lai.
Tăng cường hệ thống Đồng quản lý trong Nuôi trồng thủy sản bền vững
Ảnh minh họa

Mới đây, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã cung cấp Hướng dẫn về phát triển các hệ thống đồng quản lý trong nuôi trồng thủy sản - một trong những biện pháp nhận được nhiều sự chú ý hiện nay. Hướng dẫn này đã cung cấp lộ trình toàn diện cho các chính phủ, tổ chức phi chính phủ và các chủ thể thuộc khu vực tư nhân nhằm thiết lập và tăng cường các hệ thống đồng quản lý trong nuôi trồng thủy sản với mục đích nhằm cải thiện các kết quả về môi trường, xã hội và kinh tế.

Đồng quản lý trong nuôi trồng thủy sản đề cập đến cách tiếp cận hợp tác trong việc ra quyết định và quản lý tài nguyên thông qua việc chia sẻ trách nhiệm, quyền và lợi ích giữa các chủ thể, bao gồm các cơ quan chính phủ, nhà sản xuất và các bên liên quan khác. Mục tiêu của việc áp dụng phương pháp đồng quản lý nhằm giải quyết các rủi ro và nguồn lực chung trong sản xuất nuôi trồng thủy sản thông qua các quy trình toàn diện với sự tham gia của các bên.

Theo ông KwangSuk Oh, Trưởng nhóm Hỗ trợ Kế hoạch và Phát triển Quốc gia thuộc Phòng Thủy sản và Nuôi trồng thủy sản của FAO, mô hình đồng quản lý trong nuôi trồng thủy sản bao gồm việc ra quyết định hợp tác giữa các bên liên quan để giải quyết các rủi ro và nguồn lực chung trong sản xuất cũng như  tạo cơ hội cho tất cả các chủ thể (bao gồm cả các ngư dân quy mô nhỏ) lên tiếng. Các phương pháp tiếp cận hợp tác đã mang lại thành công thông qua việc tăng cường niềm tin, chia sẻ kiến ​​thức và đồng thuận trong quá trình ra quyết định. Nhìn chung, đồng quản lý trong nuôi trồng thủy sản cần được triển khai nhằm đạt được các hoạt động nuôi trồng thủy sản bền vững và có trách nhiệm cũng như đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình nghị sự 2030.

Đồng quản lý trong nuôi trồng thủy sản được định nghĩa là việc thực hiện các phương pháp và hành động để nuôi trồng thủy sản một cách bền vững thông qua việc cải thiện tính bền vững, hiệu quả và khả năng phục hồi của các hoạt động nuôi trồng thủy sản bằng cách thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan, thực hành quản lý thích ứng và chia sẻ kiến ​​thức. Sách hướng dẫn cũng nhấn mạnh những thách thức và khả năng trong hợp tác quản lý nuôi trồng thủy sản vượt ra ngoài quy mô của các trang trại riêng lẻ. Bằng cách giải quyết các mối quan tâm như kiểm soát dịch bệnh, phân bổ nguồn lực và tác động môi trường, các phương pháp đồng quản lý có thể giúp ngành nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững trong tương lai.

Việc thực hiện hiệu quả đồng quản lý nuôi trồng thủy sản đòi hỏi một cách tiếp cận có hệ thống, bao gồm các bước cơ bản nhằm thiết lập khuôn khổ hợp tác và giám sát tiến độ. Bằng cách rút ra những bài học từ mô hình đồng quản lý nghề cá, Hướng dẫn về phát triển các hệ thống đồng quản lý trong nuôi trồng thủy sản  của FAO đã cung cấp một khuôn khổ để thực hiện, giám sát và đánh giá các hệ thống đồng quản lý. Cách tiếp cận thích ứng này nhằm mục đích thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng thủy sản toàn diện, hợp pháp và sáng tạo, góp phần xây dựng hệ thống thực phẩm thủy sản bền vững.

Thông qua việc triển khai hệ thống đồng quản lý trong nuôi trồng thủy sản, các bên liên quan có thể làm việc cùng nhau để quản lý rủi ro và tài nguyên chung, góp phần vào sự thành công lâu dài và khả năng phục hồi của hệ thống thực phẩm thủy sản từ nuôi trồng thủy sản, từ đó góp phần vào lộ trình Chuyển đổi Xanh (Blue Transformation roadmap).

Hương Trà (theo fishery.news)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác