Quảng Ninh: Quyết xóa sổ phao xốp trong nuôi trồng thủy sản (05-05-2023)

Nhằm hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) bền vững, kết hợp bảo vệ môi trường biển, Quảng Ninh đang đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi phao xốp trong NTTS sang vật liệu nổi theo quy chuẩn QCĐP 08:2020/QN trước ngày 30/4/2023.
Quảng Ninh: Quyết xóa sổ phao xốp trong nuôi trồng thủy sản
Phao xốp trên Vịnh Hạ Long ảnh hưởng nghiêm trọng tới khách du lịch

Địa phương đầu tiên đưa ra quy chuẩn vật liệu nổi trong NTTS

Quảng Ninh có lợi thế NTTS trên biển, với diện tích mặt biển tương đương diện tích đất liền là trên 600.000 ha, trong đó khoảng 55.000 ha có tiềm năng NTTS. Tuy nhiên trước đây, hầu hết diện tích này đều sử dụng phao xốp để làm vật liệu nổi.

Phao xốp là loại vật liệu có giá rẻ, dễ đầu tư, tuy nhiên không thân thiện với môi trường, “tuổi thọ” ngắn. Do đó, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 30/2021/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong NTTS mặn, lợ. Đây chính là giải pháp của Quảng Ninh trong việc quản lý, rà soát và giám sát chặt chẽ, giảm thiểu rác thải từ các vật liệu không thân thiện, không bền vững trên vùng biển Quảng Ninh. Đặc biệt, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên của cả nước đưa ra quy chuẩn vật liệu nổi trong NTTS.

Sau 2 năm triển khai, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh mới chuyển đổi được 50% tổng số phao xốp trên biển. Do đó, Quảng Ninh đang “thúc” các địa phương lập lại trật tự, kỷ cương đối với nghề nuôi biển, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi vật liệu nổi theo quy chuẩn...

Đẩy nhanh tiến độ

Để hoàn thành tiến độ chuyển đổi phao xốp trong NTTS trên địa bàn tỉnh sang vật liệu nổi theo quy chuẩn QCĐP 08:2020/QN trước ngày 30/4/2023. Hiện, các xã ven biển của tỉnh Quảng Ninh đang tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi đảm bảo hoàn thành theo kế hoạch đã đề ra.

Tại huyện Đầm Hà, thực hiện chỉ đạo của tỉnh và huyện về việc chuyển đổi phao xốp sang phao hợp quy chuẩn, các xã ven biển Tân Lập, Đại Bình, Tân Bình và xã Đầm Hà đã ban hành Thông báo về việc di dời, giải tỏa hoạt động NTTS không phép, xử lý vật liệu nổi bằng phao, xốp không đạt tiêu chuẩn trên khu vực biển do địa phương quản lý. Các xã cũng đã chủ động làm việc với các hộ dân có hoạt động NTTS trên biển; đồng thời tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của xã và thực hiện ký cam kết với các hộ dân đang NTTS trên biển về việc chấp hành nghiêm quy định về sử dụng vật liệu làm phao và lồng nuôi đảm bảo theo quy chuẩn, nuôi trồng đúng theo diện tích được giao. Đến nay, các hộ dân đang tích cực triển khai thực hiện thay thế các vật liệu nổi bằng phao xốp sang phao hợp tiêu chuẩn.

Còn tại huyện Vân Đồn, từ năm 2022 đến những tháng đầu năm 2023, huyện đã đề ra lộ trình chuyển đổi phao xốp sang phao nổi HDPE phù hợp quy chuẩn kỹ thuật địa phương mỗi tháng 10%, hoặc tự cắt giảm 10% nếu không thay.

Rác thải phao xốp trôi nổi trên Vịnh Hạ Long

Năm 2021, Vân Đồn có 971 cơ sở NTTS, sử dụng trên 5 triệu quả phao xốp. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thời gian qua, đến nay, huyện Vân Đồn đã chuyển đổi được trên 90% phao xốp và hiện chỉ còn trên 300.000 quả phao xốp cần chuyển đổi.

Vân Đồn xác định từ nay đến ngày 30/4/2023 sẽ hoàn thành việc cắt bỏ hoàn toàn phao xốp trong NTTS, chuyển đổi phao xốp sang phao nổi HDPE trên tất cả diện tích đang NTTS.

Để đạt được mục tiêu này, thời gian qua, huyện đã tổ chức nhiều đợt cao điểm, huy động nhiều lực lượng với con số lên đến hơn 400 người để hỗ trợ người dân để cắt bỏ phao xốp, thu gom phao xốp trôi nổi trên biển về các vị trí đã được bố trí, sắp xếp để xử lý theo đúng quy định.

 

Tháo gỡ khó khăn

Phao xốp có độ nổi mặt nước tốt, nhưng độ bền sử dụng của phao trung bình chỉ 2 - 3 năm. Do NTTS bằng vật liệu phao xốp, lồng, bè gỗ nên mỗi khi mưa bão, người nuôi bị thiệt hại rất nặng nề. Ngoài ra, phao xốp bị phá hỏng, trôi dạt trên biển rất khó thu gom, gây ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng hệ sinh thái. Chủ trương chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa HDPE là đúng đắn, nhằm bảo vệ môi trường biển, đảm bảo NTTS bền vững, được người dân đồng tình ủng hộ.

Phao nổi và lồng nuôi thủy sản bằng vật liệu nhựa HDPE không những có độ nổi tốt như phao xốp, mà còn có kết cấu bền vững, thích ứng được với biến đổi khí hậu, tuổi thọ 30 - 50 năm, có thể thích ứng được với sóng to, gió lớn. Bên cạnh đó, vật liệu nhựa HDPE rất bền, chịu được va đập cao, an toàn với nguồn nước, không bị ăn mòn, rỉ sét bởi môi trường nước biển. Đặc biệt, chuyển đổi sang NTTS bằng nhựa HDPE còn thân thiện với môi trường, hạn chế bị ảnh hưởng tới môi trường nước, con giống sinh trưởng khỏe mạnh.

Tuy nhiên hiện nay việc chuyển đổi từ phao xốp sang phao nhựa HDPE cũng đang gặp phải một số vướng mắc; trong đó khó khăn nổi bật nhất là nguồn vốn đầu tư của các hộ NTTS; sản phẩm chưa phù hợp với một số đối tượng nuôi… Đơn cử như tại thị xã Quảng Yên, tỷ lệ chuyển đổi từ phao xốp sang phao nhựa HDPE chưa cao. Nguyên nhân là do chưa có đơn vị cung ứng được sản phẩm đạt chuẩn và phù hợp với hiện trạng nuôi hàu, hà trên địa bàn.

Ghi nhận thực tế, một bè lớn ở Quảng Yên có khoảng 60 - 80 bè nhỏ, trọng lượng khoảng 40 - 50 tấn; cần thay thế bằng phao nhựa cỡ lớn, những phao nhựa loại nhỏ sẽ không chịu được lực; đưa vào sử dụng không đảm bảo, dễ gây lãng phí, tốn kém. Hiện Quảng Yên đang vận động ngư dân nuôi bè nhỏ thì sử dụng phao nhựa loại nhỏ, còn đối với các bè lớn thì cần phải đợi có sản phẩm thay thế phù hợp được công bố hợp chuẩn.

Để thực hiện đúng lộ trình, hiện nay các địa phương, ban, ngành liên quan đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp NTTS thực hiện chủ trương chuyển đổi, xóa phao xốp; cùng với đó là xử lý những cá nhân, doanh nghiệp cố tình không thực hiện, mặc dù đã ký cam kết chuyển đổi. Tuy nhiên, rất cần có các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong huy động các nguồn lực, nguồn vốn vay để hỗ trợ các hộ NTTS.

Toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có gần 3,9 triệu quả phao xốp, đã chuyển đổi sang phao nhựa theo quy chuẩn kỹ thuật địa phương là hơn 2, 28 triệu quả phao xốp, đạt tỷ lệ 58,7%; số phao xốp còn lại hơn 1,6 triệu. Việc tăng cường quản lý và phát triển thủy sản trên biển của tỉnh Quảng Ninh là cần thiết và phù hợp, song bên cạnh đó cũng cần có sự linh hoạt, bởi đây là chiến dịch dài hơi, hướng đến sự phát triển bền vững của nghề NTTS.

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc

Tin khác