Hội thảo “Xu hướng thị trường sản phẩm nuôi thủy sản – Market Trends for Aquaculture Products” (25-08-2022)

Ngày 24/8/2022, tại TP Hồ Chí Minh, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Hội Nghề cá Việt Nam tổ chức Hội thảo “Xu hướng thị trường sản phẩm nuôi thủy sản – Market Trends for Aquaculture Products”. Đồng chủ trì hội thảo là Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân và Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng.
Hội thảo “Xu hướng thị trường sản phẩm nuôi thủy sản – Market Trends for Aquaculture Products”

Hội thảo được tài trợ bởi Dự án “Tăng cường bình đẳng giới và đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm tại Đông Nam Á, giai đoạn 2 – GRAISEA2” và Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu – Tre tại Việt Nam – SCBV”. Gần 100 đại biểu đến tham dự Hội thảo đại diện cho các đơn vị có liện quan thuộc Tổng cục Thủy sản, Viện Nuôi trồng thủy sản 1, 2, 3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở các tỉnh thành phố, Chi cục Thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS), Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), doanh nghiệp/người nuôi thủy sản, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản, nhà mua hàng... Hội thảo “Xu hướng thị trường sản phẩm nuôi thủy sản” trong Khuôn khổ Hội chợ Triển lãm Quốc tế Thủy sản Việt Nam năm 2022 đã diễn ra với các nội dung sau:

Phiên 1 – Xu hướng thị trường sản phẩm nuôi thủy sản: Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) đã trình bày bài tham luận về “Xu hướng phát triển nuôi thủy sản Việt Nam và thế giới”. Tiếp theo, đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn MFC trình bày “Phụ phẩm từ nuôi trồng thủy sản: góc nhìn doanh nghiệp”; Trung tâm Hợp tác quốc tế Khai thác và Nuôi trồng thủy sản bền vững (ICAFIS) chia sẻ bài tham luận về “Chứng nhận bền vững và xu hướng phát triển trong nuôi thủy sản”. Cũng tại phiên 1, đại diện ASEAN Seafood Improvements Collaborative (ASIC) đã trình bày về “Cơ hội thị trường trong thực hành nuôi bền vững cho người sản xuất quy mô nhỏ”; đại diện Seafood Watch đã trình bày tham luận về “Ứng dụng công nghệ số SFW trong truy xuất và minh bạch sản phẩm”.

Phiên 2 - Tọa đàm “Xu hướng thị trường trong bối cảnh hội nhập toàn cầu” được diễn ra dưới sự chủ trì của lãnh đạo Tổng cục Thủy sản và Trung tâm Hợp tác quốc tế Khai thác và Nuôi trồng thủy sản bền vững (ICAFIS); khách mời gồm các nhà mua hàng MASCOTO, INDOFISH ASIA, Schroeder KG. (GmbH & Co), Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Công ty Tôm Miền Nam…

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (i) sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn cầu đang ở mức cao kỷ lục và lĩnh vực này càng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm và dinh dưỡng; (ii) phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững là yếu tố quan trọng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về sản phẩm thủy sản trên thế giới; (iii) mức tiêu thụ thức ăn thủy sản của thế giới đã tăng đáng kể trong những năm gần đây và sẽ tiếp tục tăng; (iv) nguồn lợi thủy sản tiếp tục suy giảm do đánh bắt quá mức, tình trạng ô nhiễm môi trường, công tác quản lý kém và một số yếu tố khác, tuy nhiên, số lượng thủy sản cập bờ từ các nguồn tự nhiên bền vững đang gia tăng; (v) việc giảm quy mô và số lượng tàu đánh cá trên toàn cầu vẫn tiếp tục, nhưng cần triển khai nhiều hơn nữa để giảm thiểu tình trạng thừa công suất và đảm bảo tính bền vững trong hoạt động đánh bắt thủy sản.

Và (vi) sản lượng thủy sản được dự báo sẽ tăng thêm 14% vào năm 2030, song điều này phải đi đôi với việc bảo vệ các hệ sinh thái, giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ đa dạng sinh học và đảm bảo công bằng xã hội; (vii) cuộc sống và sinh kế của hàng triệu người phụ thuộc vào hoạt động thủy sản, tuy nhiên, nhiều hộ sản xuất quy mô nhỏ, đặc biệt là phụ nữ, dễ bị tổn thương với điều kiện lao động bấp bênh, vì vậy, tăng cường khả năng chống chịu của sinh kế là chìa khóa cho sự phát triển bền vững và công bằng; (viii) hệ thống thức ăn, sản phẩm thực phẩm thủy sản là giải pháp hữu hiệu, theo đó, “chuyển đổi xanh” (Blue Transformation) có thể đáp ứng các thách thức về an ninh lương thực và tính bền vững của môi trường; (ix) giải pháp “chuyển đổi xanh” đòi hỏi sự cam kết từ Chính phủ, khu vực tư nhân và các xã hội dân sự để tiến tới đạt được Chương trình nghị sự 2030 của UN, nhất là khi Covid-19 đã làm đảo ngược các xu hướng thuận lợi trước đây.

Xu hướng sử dụng phụ phẩm trong nuôi trồng thủy sản

Việc mở rộng nuôi trồng và chế biến thủy sản dẫn đến lượng phụ phẩm tăng (chủ yếu là đầu, da/vỏ, nội tạng, xương và vảy) có thể chiếm đến 70% lượng thủy sản nuôi trồng, chế biến. Do đó, trên thế giới, nhiều phụ phẩm thủy sản đã được sử dụng cho mục đích thực phẩm/ phi thực phẩm, tác động tích cực trong việc giảm thiểu chất thải từ hoạt động thủy sản, chủ yếu là làm bột cá, dầu cá; ngoài ra còn được chế biến pate, xúc xích (phổ biến ở Na Uy), nước sốt, snack (da cá/xương cá nhỏ còn dính thịt); hoặc chuyển hóa thành bột mì làm bánh; làm bao bì sinh học (gelatine từ xương và da cá); làm thực phẩm chức năng hoặc thức ăn ủ chua cho chăn nuôi (Bangladesh, Philippines...). Ngoài thực phẩm, phụ phẩm từ thủy sản nuôi trồng còn được nghiên cứu sử dụng trong các công nghệ sinh học và dược phẩm (do có các hợp chất sinh học có giá trị cao): ứng dụng trong ngành công nghiệp đồ da, hóa chất (chất tẩy), xử lý nước (phổ biến ở Nhật Bản), hóa mỹ phẩm, thủ công mỹ nghệ...

Xu hướng thị trường thủy sản

Đối với thị trường Hoa Kỳ, giá cả tiêu thụ tôm Việt Nam có xu thế giảm vì tôm giá rẻ từ Ấn Độ và Ecuador thâm nhập mạnh mẽ, tôm không thuế chống bán phá giá từ Indonesia. Tuy nhiên, có một điều tích cực là các doanh nghiệp tôm sẽ không thiếu nợ các hợp đồng tại thị trường này; có thể tập trung bán hàng vào các thị trường có mặt mạnh như tỉ suất lợi nhuận tốt, ổn định; có cách thức chế biến hàng hóa phù hợp trình độ doanh nghiệp mình.

Nhật Bản trở thành thị trường mục tiêu, phù hợp với bối cảnh tình hình tôm Việt Nam. Mẫu mã sản phẩm tôm cung ứng hết sức đa dạng, đòi hỏi chế biến tỉ mỉ, cầu kỳ, đẹp mắt, nhìn chung đều là hàng tinh chế. Bên cạnh đó, cước phí tàu tới Nhật Bản không cao so các tuyến vận chuyển xa (Mỹ, EU) nhờ đó không làm tăng ảo giá bán, khiến việc tiêu thụ thuận lợi hơn. Đồng thời, mức lạm phát tại Nhật Bản thấp hơn so với EU và Mỹ tạo lợi thế cho việc duy trì tiêu thụ.

Mặc dù giá trị xuất khẩu cá tra vẫn tăng, song tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu chậm dần ở một số thị trường như Trung Quốc (giảm từ 113 triệu USD vào tháng 4/2022 xuống 44 triệu USD vào tháng 7/2022); Mỹ (giảm từ 81 triệu USD vào tháng 4/2022 xuống 32 triệu USD vào tháng 7/2022) do yêu cầu cao về chất lượng, vấn đề an toàn thực phẩm, lượng tồn kho ở các thị trường, chi phí logistic tăng… Tuy nhiên, nhiều thị trường vẫn giữa được mức tăng trưởng lạc quan như Mexico, Brazil, Thái Lan, và đặc biệt là EU.

Cơ hội cho cá tra Việt Nam gia tăng tại các thị trường nhỏ khác: Trong tháng 7/2022, có nhiều thị trường bứt phá trong nhập khẩu cá tra Việt Nam như Canada tăng gấp hơn 4 lần, Hongkong tăng 114%, Australia tăng 143%, Singapore tăng gấp hơn 2 lần, Philipin tăng gấp 3,5 lần...

Tại thị trường Trung Quốc: Xuất khẩu cá tra đông lạnh có cơ hội tăng trưởng hơn nữa do bỏ chính sách đình chỉ nhập khẩu thực phẩm đông lạnh có nhiễm virus Sars-COV-2; sản xuất thủy sản trong nước bị hạn chế vì yếu tố môi trường trong cả khai thác và nuôi trồng, không đủ đáp ứng cho nhu cầu; dân số lớn, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm và thủy sản ngày càng cao.

Thành tựu của ngành Thủy sản Việt Nam

Đã khai thác tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái; chuyển đổi hiệu quả đất sản xuất nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản (trước bối cảnh nước biển dâng và xâm nhập mặn sâu). Cùng với đó, Việt Nam đã hình thành vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm (tôm, cá tra, tôm càng xanh, thủy đặc sản); quy hoạch chuyên, sâu và trọng tâm phát triển thủy sản (đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long). Bên cạnh đó, đầu tư hạ tầng (điện, giao thông, thủy lợi). Đặc biệt, nuôi trồng thủy sản dịch chuyển đúng hướng: Tăng qui mô sản xuất công nghiệp, công nghiệp cao; tăng năng suất, sản lượng và giá trị sản xuất; tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản, duy trì khai thác thủy sản ổn định; tăng tỷ trọng sản phẩm nuôi trồng trong tổng sản lượng thủy sản Việt Nam. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, nhập công nghệ mới như: Công nghệ sản xuất giống thủy sản, nuôi thương phẩm, công nghệ sản xuất thức ăn thủy sản, thuốc, hoá chất; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, và giảm rủi ro trong sản xuất. Tới nay, đã hình thành nhiều khu vực áp dụng kỹ thuật cao, hiện đại vào sản xuất thủy sản.

Riêng đối với lĩnh vực nuôi biển, ngành Thủy sản Việt Nam đã đề ra các giải pháp hữu hiệu để quản lý tổ chức sản xuất hiệu quả như: Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ vùng nuôi đến thị trường tiêu thụ; tổ chức lại các hộ nuôi nhỏ lẻ, phân tán theo hình thức quản lý có sự tham gia của cộng đồng, trong đó chú trọng các mô hình Tổ hợp tác, Hợp tác xã; rà soát quy định cấp phép nhập khẩu giống, vật tư và thiết bị nuôi biển công nghiệp; quản lý chặt chẽ hoạt động của tất cả các khâu trong toàn chuỗi sản xuất. Đối với vùng biển xa bờ: Hình thành các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đầu tư toàn bộ các khâu trong chuỗi nuôi biển. Đối với vùng biển ven bờ, ven đảo: Hình thành các liên kết Tổ hợp tác, Hợp tác xã. Xây dựng cơ chế liên kết giữa hoạt động nuôi biển với các ngành kinh tế khác trên biển (du lịch, dầu khí, năng lượng tái tạo,..). Cơ quan chức năng chủ động cung cấp thông tin thị trường, dự báo xu hướng phát triển của thị trường sản phẩm nuôi thủy sản.

Tại Hội thảo “Xu hướng thị trường sản phẩm nuôi thủy sản – Market Trends for Aquaculture Products”, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận và xác định rõ xu hướng phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững trong tương lai, đó là: Đa dạng thị trường xuất nhập khẩu thủy sản; tăng tốc công nghệ số để phát triển theo hướng bền vững; tăng cường sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân; đặc biệt, tăng cường huy động vốn tài trợ để thúc đẩy đổi mới ngành Thủy sản Việt Nam.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác