Hòa Bình kiểm soát chất lượng toàn chuỗi giá trị thủy sản (21-06-2024)

Ngành Thủy sản tỉnh Hòa Bình luôn chú trọng việc kiểm soát chất lượng toàn chuỗi giá trị từ giống thủy sản, thức ăn, thuốc, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, đến quy trình sản xuất, chế biến và cung ứng thực phẩm thủy sản, đảm bảo chất lượng, an toàn.
Hòa Bình kiểm soát chất lượng toàn chuỗi giá trị thủy sản
Ảnh minh họa

Hiện toàn tỉnh đang duy trì diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1.200 ha). Tới nay, có tổng cộng 4.987 lồng nuôi cá, tăng 1,16% so với 6 tháng năm 2023. Sản lượng nuôi trồng 6 tháng đầu năm ước đạt 5.000 tấn, thực hiện 52,08% kế hoạch, giảm 18,54% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động khai thác thủy sản diễn ra chủ yếu trên hồ thủy điện sông Đà và các sông suối lớn, hồ, đập. Phương tiện, ngư cụ khai thác gồm thuyền các loại 1.480 chiếc, lưới các loại 1.250 chiếc và 445 cái vó đèn. Đối tượng khai thác là: Cá vền, cá ngão, tép dầu, cá ngần và tôm sông. Sản lượng khai thác thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 1.230 tấn, thực hiện 51,25% kế hoạch, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, nhu cầu ngày càng cao của thị trường, các sản phẩm thủy sản của tỉnh Hòa Bình sẽ phải cạnh tranh quyết liệt. Đòi hỏi ngành thủy sản Hòa Bình phải tiếp tục chuyển mạnh theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm thủy sản; đảm bảo mục tiêu chất lượng gắn với thương hiệu sản phẩm, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường; tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp với nông ngư dân để tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

6 tháng cuối năm, ngành thủy sản Hòa Bình phấn đấu: Diện tích nuôi trồng thủy sản duy trì ổn định 2.693 ha. Số lồng nuôi cá 4.987 chiếc. Sản lượng thủy sản đạt 5.897 tấn (trong đó: sản lượng khai thác 1.170 tấn; sản lượng nuôi trồng 4.600 tấn). Sản xuất và ương dưỡng trên 50 triệu con giống thủy sản.

Để đạt mục tiêu trên, ngành thực hiện tăng cường kiểm soát chất lượng của toàn chuỗi giá trị từ con giống, thức ăn, thuốc, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, đến quy trình sản xuất, chế biến nhằm tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, giám sát dịch bệnh các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi; đồng thời phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản bền vững. Mặt khác, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thủy sản cho cán bộ quản lý thủy sản cấp huyện, xã và nhân dân. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân tiếp cận, học tập, áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả.

Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc kinh doanh thức ăn nuôi thủy sản, chế phẩm sinh học dùng trong lĩnh vực thủy sản. Kiểm tra điều kiện cơ sở mua bán thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền cho người dân hiểu và sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học, hóa chất xử lý, cải tạo môi trường dùng trong thủy sản đảm bảo an toàn, hiệu quả. Tăng cường quản lý chất lượng giống thủy sản tại các cơ sở sản xuất kinh doanh giống trong tỉnh qua hình thức tuyên truyền vận động các cơ sở sản xuất giống chấp hành đầy đủ các quy định về quản lý giống; kết hợp thành lập các đơn vị liên ngành kiểm tra ở các địa bàn sản xuất giống, vùng nuôi. Tuyên truyền cho người dân áp dụng lịch mùa vụ thả giống một cách triệt để, tăng cường các giải pháp nhằm hạn chế rủi ro, thiệt hại do tác động bất thường của biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh; tăng cường công tác kiểm dịch giống và giám sát dịch bệnh để kịp thời xử lý, ngăn chặn không để lây lan diện rộng. Thực hiện tốt công tác thông tin, dự báo về giá cả, thị trường để kịp thời khuyến cáo người dân chọn lựa đối tượng nuôi, thời điểm và mật độ thả nuôi, tránh nguy cơ mất giá do cung vượt cầu… Đặc biệt, tiến hành tổ chức thả cá bổ sung tái tạo nguồn lợi trên hồ thủy điện Hòa Bình. Tổ chức nắm bắt tình hình khai thác thủy sản, xem xét đề xuất các văn bản chỉ đạo tổ chức quản lý hoạt động khai thác thủy sản theo hướng: Giảm sản lượng khai thác; tăng sản lượng nuôi trồng; tăng cường bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản; khai thác thủy sản bền vững, nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính hủy diệt.

Quản lý chuỗi cung ứng thực phẩm chất lượng, an toàn

6 tháng đầu năm, công tác quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường thủy sản được cơ quan chức năng triển khai bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc hỗ trợ kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cũng như tăng cường giám sát chất lượng. Qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Để tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường, cơ  quan chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, thông tin truyền thông về chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 7 Hội nghị, lớp tập huấn về lĩnh vực quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm. Tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản hưởng ứng “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024”, hướng dẫn 35 cơ sở treo băng zôn hưởng ứng tại nơi sản xuất, kinh doanh.  Thường xuyên đăng tải tin bài thông tin truyền thông về đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm trên trang thông tin điện tử của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (quanlychatluong.hoabinh.gov.vn).

Các ngành chức năng cũng đã hướng dẫn và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 53 cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản; thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điểu kiện kinh doanh vật tư nông nghiệp. Từ đầu năm đến nay, Sở NN&PTNT đã tiến hành khảo sát, đánh giá, lựa chọn đề xuất hỗ trợ cho 27 cơ sở áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, ISO, HACCP; tiếp nhận 45 hồ sơ tự công bố sản phẩm nông sản của 09 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; thực hiện đăng tải các hồ sơ tự công bố sản phẩm đã tiếp nhận trên Website tại địa chỉ: quanlychatluong.hoabinh.gov.vn. Đồng thời, thường xuyên hướng dẫn thực hiệc các tiêu chí về an toàn thực phẩm đối với các xã về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao năm 2024.

Hiện nay, Cổng thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm của tỉnh (tại địa chỉ https://hb.check.net.vn) đang quảng bá 360 sản phẩm của 77 doanh nghiệp/HTX tham gia. Sở NN&PTNT đã giới thiệu, kết nối cho 50 lượt doanh nghiệp/HTX tham gia các chương trình xúc tiến thương mại nông sản, như: “Chương trình Tự hào Nông sản Việt”… Ngoài ra, Sở triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, xuất khẩu các sản phẩm nông sản của tỉnh.

Công tác giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm được triển khai thường xuyên, định kỳ. Đến nay, cơ quan chức năng đã tổ chức thẩm định, đánh giá an toàn thực phẩm đối với 132 cơ sở. Qua quá trình đánh giá, có 5 cơ sở xếp loại A, 119 cơ sở xếp loại B và 1 cơ sở xếp loại C. Có 7 cơ sở ngưng và tạm thời ngưng hoạt động. Các đơn vị, địa phương đang triển khai hướng dẫn cho các đơn vị tổ chức ký cam kết sản xuất, kinh doan thực phẩm an toàn. Lũy kế đến nay, có 9.992 cơ sở được ký cam kết. Ngoài ra, công tác giám sát các cơ sở được chứng nhận quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), hữu cơ, ISO trong nuôi trồng thủy sản và sơ chế/chế biến thực phẩm được thực hiện đúng kế hoạch.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Hòa Bình đã có 45 cơ sở được giám sát, trong đó có 39 cơ sở chấp hành tốt, 2 cơ sở ngưng hoạt động, 4 cơ sở ngưng sản xuất đối với các loại sản phẩm đã được cấp Giấy. Những giải pháp thiết thực được triển khai đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Ngọc Thúy (hoabinh.gov.vn)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác