Nam Định: Đảm bảo an toàn cho thủy sản mùa nắng nóng (10-06-2024)

Toàn tỉnh Nam Định có gần 13 nghìn ha thả nuôi thủy sản. Từ đầu tháng 5 đến nay, thời tiết diễn biến phức tạp, đã xuất hiện đợt nắng nóng cao điểm kết hợp với mưa giông làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của các đối tượng thủy sản nuôi.
Nam Định: Đảm bảo an toàn cho thủy sản mùa nắng nóng
Ảnh minh họa

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, từ nay đến cuối năm 2024 thời tiết diễn biến theo hướng cực đoan, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, áp thấp nhiệt đới, mưa, bão xảy ra không theo quy luật. Để bảo vệ các đối tượng thủy sản nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế thấp nhất tác động bất lợi của thời tiết nắng nóng, ngành Nông nghiệp tỉnh đang tích cực phối hợp với các địa phương kiểm tra và khuyến cáo các hộ dân, cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Nam Định thực hiện các giải pháp bảo vệ đối tượng nuôi.

Cụ thể là, Chi cục Thủy sản (Sở NN và PTNT) đã ban hành công văn về ứng phó thời tiết nắng nóng, mưa bão và hạn hán, xâm nhập mặn và đề nghị Phòng NN và PTNT các huyện, Phòng Kinh tế thành phố tham mưu UBND huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban có liên quan chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn nhân lực và tổ chức triển khai các biện pháp phòng, ứng phó với nắng nóng, mưa bão, lũ xảy ra trên địa bàn, thông tin đầy đủ về dự báo thời tiết, cảnh báo, dự báo thiên tai, các bản tin thông báo kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi cho người dân. Thường xuyên bám sát địa bàn, nắm bắt, thống kê tình hình sản xuất của người dân về diện tích nuôi thả, đối tượng nuôi, thời gian nuôi thả… Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản chuẩn bị phương án, trang thiết bị, dụng cụ phòng, chống và khắc phục thiệt hại do nắng nóng, mưa bão, áp thấp nhiệt đới, lũ…

Đối với thuỷ sản nuôi trong ao ở các vùng nội đồng

Chi cục khuyến cáo người dân kiểm tra bờ, cống ao để tránh hiện tượng rò rỉ nước. Duy trì mực nước trong ao trên 1,5m, tích cực tạo oxy cho ao nuôi bằng máy quạt nước, máy sục khí vào thời điểm 10 giờ, 18 giờ và ban đêm. Những nơi có điều kiện thay nước có thể thay từ 15-20% lượng nước cũ và cấp thêm nước mới vào ao dưới dạng phun mưa (thời điểm tốt nhất vào sáng sớm). Bên cạnh đó, người nuôi nên dùng lưới che phủ 2/3 diện tích mặt ao và cao hơn mặt nước trên 2m để hạn chế bức xạ của ánh sáng mặt trời, giảm tăng nhiệt độ nước trong ao, tránh gây sốc cho thuỷ sản nuôi; giảm 50% lượng thức ăn khi trời nắng nóng gay gắt. Bổ sung Vitamin C, khoáng chất, chế phẩm sinh học vào thức ăn nhằm tăng cường sức đề kháng, duy trì đàn thuỷ sản nuôi. Hàng tuần, các hộ nuôi thủy sản nên dùng vôi bột hoà tan tạt đều khắp ao vào buổi chiều mát để khử trùng nguồn nước và ổn định pH trong ao với hàm lượng 2-4kg vôi bột/100m3 nước; chủ động thu hoạch thuỷ sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm hoặc san thưa mật độ ngay khi thiếu nước, hạn hán xảy ra.

Đối với tôm nuôi công nghệ cao

Nhiều năm qua, anh Nguyễn Văn Cường, xã Hải Đông (Hải Hậu) khẳng định việc áp dụng phương pháp nuôi tôm này đem lại hiệu quả cao trong vụ nuôi hè thu. Anh đầu tư xây dựng hàng chục ao nuôi tôm, được thiết kế nổi trên mặt đất, che kín bằng hệ thống nhà lưới nhằm giảm thiểu các tác động của môi trường bên ngoài do nắng nóng kéo dài, hạn chế được dịch bệnh. Đặc biệt bên cạnh chống nóng cho tôm, anh còn tăng cường chăm sóc bằng cách sử dụng chế phẩm sinh học, nguồn thức ăn công nghiệp đạt chuẩn trong suốt quá trình tôm phát triển, chất thải được xử lý trước khi xả ra môi trường. Theo anh Cường, mặc dù thời tiết nắng nóng nhưng vụ hè thu gia đình vẫn đạt năng suất cao, tôm phát triển an toàn. Điều kiện sinh trưởng của tôm vào mùa nắng rất quan trọng, nhất là ao nuôi, phải che chắn cho tôm để tôm thích nghi, đảm bảo nhiệt độ cho tôm phát triển. Ao trại sạch sẽ, nước cung cấp đầy đủ cho tôm, các vi sinh, khoáng chất luôn đáp ứng nhu cầu trong nhiệt độ thời tiết cần thiết.

Đối với các địa phương nuôi ngao

Chi cục Thủy sản tỉnh cũng khuyến cáo định kỳ kiểm tra, vệ sinh bãi nuôi, san bằng mặt bãi, khai thông vùng nước ở các bãi ngao nhằm tránh hiện tượng nước đọng cục bộ và giảm thiểu ảnh hưởng của sự chênh lệch nhiệt độ trong ngày làm ngao yếu và chết. Vào thời điểm nắng nóng, đối với các bãi ngao nằm ở vùng cao triều, thời gian phơi bãi quá 4 giờ/ngày cần san thưa mật độ và cào ngao đến vùng thấp hơn, thu gom xác ngao chết để hạn chế lây lan dịch bệnh. Thu tỉa khi ngao đạt kích cỡ thu hoạch; đối với ngao nuôi chưa đạt kích cỡ thu hoạch tiến hành kiểm tra mật độ để có kế hoạch chủ động san thưa, đảm bảo mật độ nuôi phù hợp. Gia đình anh Đỗ Tiến Dũng, xã Giao Hải (Giao Thủy) nuôi ngao đã nhiều năm nay. Thực hiện sự chỉ đạo, khuyến cáo của các cơ quan chức năng, vào thời điểm nắng nóng cao điểm, anh thực hiện giãn mật độ thả ngao thưa, không tham thả dày làm ngao nóng, dẫn đến bị chết, làm giảm hiệu quả kinh tế. Anh Dũng cho biết: “Tôi thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có những biện pháp phòng, chống nắng nóng kịp thời cho ngao. Những ngày nắng đỉnh điểm, tôi đã di chuyển ngao từ các vùng triều thấp đến các vùng triều cao và đặc biệt là luôn theo dõi nguồn nước để ngao không bị nắng nóng, phát triển khỏe mạnh”. 

Đối với thuỷ sản nuôi trong lồng bè

Các hộ dân cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khoẻ thuỷ sản nuôi, vệ sinh sạch sẽ lồng nuôi, vớt xác cá chết và chôn lấp; di chuyển lồng bè chưa nuôi nhằm tăng sự thông thoáng mặt nước cho vùng nuôi. Trong quá trình di chuyển cần tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ nội địa, sử dụng lưới lan che bề mặt lồng bè nuôi để giảm ánh sáng trực tiếp xuống đáy lồng nuôi. Bên cạnh đó, cần giảm 50-70% lượng thức ăn hàng ngày hoặc ngừng cho ăn vào những ngày nắng nóng gay gắt. Chọn loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao kết hợp với việc bổ sung vitamin C, khoáng chất, chế phẩm sinh học để duy trì thuỷ sản nuôi trong giai đoạn nắng nóng gay gắt. Tiến hành thu tỉa khi thuỷ sản nuôi đạt kích cỡ thu hoạch. Hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng, thời điểm nắng nóng trong ngày.

Ngoài ra, Chi cục Thủy sản kết hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật nâng cao năng lực cán bộ làm công tác phòng, chống, giám sát dịch bệnh thủy sản; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch giám sát của các địa phương: đồng hành hướng dẫn các hộ nuôi thủy sản theo dõi diễn biến thời tiết, chủ động biện pháp kỹ thuật xử lý các hiện tượng bệnh dịch thủy sản mùa nắng nóng phòng tránh thiệt hại. Bắt đầu từ đầu tháng 6, Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ phối hợp với Chi cục Thủy sản tiến hành lấy mẫu cảnh báo môi trường (định kỳ 1 lần/tháng) để kịp thời phát hiện những yếu tố có nguy cơ tác động xấu đến môi trường nuôi thủy sản; cảnh báo và hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp xử lý khắc phục cần thiết.

Với việc chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn cho thủy sản mùa nắng nóng đã góp phần giảm thiểu thiệt hại, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Nam Định, hướng tới phát triển nghề ổn định, bền vững.

Ngọc Thúy (theo Báo Nam Định)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác