Kiên Giang: Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển (08-07-2024)

Ngày 6/7/2024, Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đã được tổ chức tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.  
Kiên Giang: Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển
Ảnh minh họa

Tham dự chương trình có ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch danh dự của chương trình; ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang; ông Nguyễn Thái Bình, Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Bá, Phó trưởng Văn phòng Đại diện Agribank khu vực Tây Nam bộ, bà Ngô Thị Minh Thảo, Phó Giám đốc Agribank CN Kiên Giang II cùng đại diện các cơ quan thực thi pháp luật trên biển các sở, ban ngành của tỉnh Kiên Giang và bà con ngư dân địa phương.

Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” diễn ra trong bối cảnh Kiên Giang và nhiều tỉnh thành khác có biển đang cùng Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ nhất các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Chương trình này sẽ góp phần thiết thực để thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và Kế hoạch hành động của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ thẻ vàng IUU cho hải sản Việt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh rằng: Câu chuyện tháo gỡ thẻ vàng IUU “là vấn đề của quốc gia, danh dự của đất nước”. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng một bộ, ngành, một địa phương, đơn vị nào mà là hành động của tất cả chúng ta, trong đó có vai trò của báo chí. Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh mong rằng, Chương trình này sẽ góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho bà con ngư dân, tạo ra sự thống nhất trong hành động về việc tuân thủ các quy định của pháp luật, không xâm phạm vùng biển nước ngoài khi tham gia đánh bắt, khai thác trên biển.

 Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh Kiên Giang khẳng định công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, lâu dài. Trong thời gian tới, Kiên Giang sẽ mạnh dạn khắc phục những tồn tại, hạn chế; tạo niềm tin và quyết tâm trong chống khai thác IUU, chuyển đổi từ nghề khai thác đơn thuần sang nghề khai thác, đánh bắt hải sản có trách nhiệm. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả nhiệm vụ chống khai thác IUU; đồng hành, hỗ trợ bà con ngư dân vững tâm vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế và thực hiện tốt công tác chống khai thác hải sản IUU.

Trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức đã trao tặng 3 phần quà cho 3 gia đình ngư dân. Ngoài ra còn trao tặng 200 phần quà cho ngư dân tỉnh Kiên Giang (mỗi phần quà trị giá hơn 6 triệu đồng), gồm: bình acquy, bóng đèn led, túi thuốc, cẩm nang "Những điều cần biết về đánh bắt hải sản", hộp combo pin con ó, bình lọc nước sạch uống trực tiếp, cuộn dây thừng chuyên dụng và phiếu mua hàng trị giá 1 triệu đồng. Đặc biệt, Ban Tổ chức đã trao tặng 25 suất học bổng dành tặng các em học sinh con các gia đình bà con ngư dân vượt khó, học giỏi.

Cũng trong chiều cùng ngày, tại Hội trường UBND huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, Báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội thảo "Kiên Giang chung sức tháo gỡ thẻ vàng EC gắn với phát triển kinh tế biển bền vững". Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang; các bộ ngành Trung ương; các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh Kiên Giang.

Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia cập nhật các thông tin liên quan đến những nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) trong việc chống đánh bắt trái phép của Việt Nam đến thời điểm hiện nay; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định và đề xuất giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.

 Theo các chuyên gia và ngành chức năng, để chống khai thác IUU một cách hiệu quả, bên cạnh việc chống khai thác trái phép, không báo cáo, không quản lý được, cần có sự quản lý tổng thể lâu dài ngành khai thác từ tàu thuyền cho đến ngư dân; đến các hạ tầng cơ sở bến cảng, bến cá và bảo quản, vận chuyển tiêu thụ sản phẩm khai thác, tăng cường công tác thống kê và quản lý tàu thuyền, kiểm  soát  hoạt động trên biển qua 100% lắp đặt thiết bị  giám sát hành trình (VMS).  Đào tạo nâng cao, chất lượng năng lực của đội ngũ thuyền viên và cán bộ quản lý các cấp. Có kế hoạch cơ cấu ngành nghề khai thác hợp lý, chuyển đổi và tổ chức lại sản xuất giảm thiểu rủi ro trên biển, nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư ven biển.

Cùng với đó, đẩy mạnh đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng cá, nơi trú ẩn tàu thuyền, các cơ sở dịch vụ hậu cần cho nghề khai thác hải sản. Tăng cường đầu tư khoa học công nghệ cho ngành khai thác hải sản, đẩy mạnh công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tăng cường năng lực và hoạt động của cơ quan chấp pháp trên biển gồm lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển, kiểm soát hiệu quả việc chấp hành của ngư dân về các quy định khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như bảo vệ hoạt động hợp pháp của ngư dân trên vùng biển…

Từng bước trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia

Thời gian qua, ngành thủy sản tỉnh Kiên Giang đã tăng trưởng đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giá trị sản xuất thuỷ sản của tỉnh năm 2023 đạt trên 33.200 tỉ đồng, giá trị xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh năm 2023 ước đạt 233,1 triệu USD; Toàn tỉnh có khoảng hơn 200 doanh nghiệp sơ chế, chế biến thủy sản, trong đó có 25 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản quy mô lớn; hoạt động khai thác, nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản đã giải quyết việc làm cho trên 200.000 lao động phổ thông của tỉnh, trong đó có hơn 70.000 người lao động trực tiếp trên biển… 

Các tiềm năng, lợi thế trên đã tạo điều kiện cho Kiên Giang phát triển một ngành thủy sản đa dạng, từng bước đưa Kiên Giang trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia theo Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Trong đó, khai thác hải sản vẫn giữ vai trò trụ cột trong ngành thủy sản của tỉnh.

Về Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”, đã được Báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh tổ chức từ đầu năm 2023, dự kiến sẽ diễn ra tại 28 tỉnh, thành phố có biển trên cả nước, với tổng kinh phí thực hiện hơn 30 tỉ đồng, nhằm hỗ trợ, động viên, đồng hành cùng bà con ngư dân; sát cánh cùng Chính phủ và chính quyền địa phương tìm giải pháp tháo gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu (EC) cho ngành Thủy sản Việt Nam. Sau lễ ra mắt vào tháng 4/2023, Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đã đến được tổ chức tại 13 tỉnh, thành, gồm: TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Trị, Quảng Bình, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Thuận, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Tiền Giang và Quảng Ngãi. Và Kiên Giang là địa phương thứ 14 được thực hiện chương trình thiết thực, ý nghĩa này.

Ngọc Thúy (baocantho.com.vn)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác