220.000 bảng Anh dành cho tăng cường an toàn của ngư dân trên biển (18-10-2024)
Mặc dù mới chỉ ra mắt được 9 tháng, song Quỹ Quốc tế về An toàn Nghề cá (IFFS) đã cam kết dành 220.000 bảng Anh cho 6 sáng kiến an toàn tại 6 quốc gia bao gồm Nam Phi, Ghana, Fiji, Kenya, Thái Lan và Việt Nam. Các dự án này trực tiếp hướng tới mục tiêu cải thiện điều kiện an toàn cho khoảng 65.000 ngư dân, chủ yếu là những ngư dân quy mô nhỏ ở Nam bán cầu.
Ảnh minh họa
IFFS được xây dựng với mục tiêu hỗ trợ cho các tổ chức khai thác cá tại các địa phương thực hiện những cải tiến thiết thực và hiệu quả về an toàn trên biển, tập trung chủ yếu vào nhóm nghề cá quy mô nhỏ ở các khu vực đang phát triển.
Tại Nam Phi và Namibia
Dự án đầu tiên nhận được tài trợ của IFFS do An toàn trên biển đáng tin cậy (Sea Safety Bee Trust) – một chi nhánh của Nhóm đào tạo An toàn trên biển (Sea Safety Training Group - SSTG) tại Cape Town (Nam Phi) thực hiện. SSTG có hơn 10 năm kinh nghiệm cung cấp các hệ thống quản lý an toàn (SMS) cho các tàu cá ở Nam Phi. Từ tình trạng thiếu hệ thống bắt buộc phải kiểm tra rủi ro và an toàn tàu cá ở Nam Phi và Namibia, dự án này tập trung vào việc đào tạo các đăng kiểm viên tàu cá, cung cấp hỗ trợ cần thiết nhằm đảm bảo việc tuân thủ nghiêm túc các quy định an toàn trên khắp các đội tàu đánh cá ở Nam Phi và Namibia bằng cách giúp ngư dân và các doanh nghiệp đánh bắt cá hiểu và tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý liên quan đến an toàn tàu cá. Sáng kiến này nhằm mục đích nâng cao các tiêu chuẩn an toàn chung trong ngành đánh bắt cá tại châu Phi.
Tại Ghana
Tại Ghana, Quỹ ProSea của Hà Lan hợp tác với tổ chức Người bạn của quốc gia (Friends of the Nation) tại Ghana đang triển khai chương trình về đào tạo thực hành an toàn bằng ngôn ngữ bản địa. Dự án cũng sẽ thiết lập một hệ thống báo cáo nguy cơ rủi ro. Bằng cách hướng đến mục tiêu cải thiện an toàn tại các cộng đồng ven biển phía tây nam Ghana, sáng kiến này được kỳ vọng sẽ giảm thiểu rủi ro trong lĩnh vực lao động sử dụng tới gần 140.000 ngư dân và hỗ trợ hơn 3 triệu sinh kế.
Tại Việt Nam
Với hơn 600.000 ngư dân dọc theo bờ biển dài 3.260 km, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia được IFFS đầu tư tài trợ. Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam là tổ chức tiên phong triển khai các nỗ lực nhằm cải thiện an toàn tàu thuyền, tăng cường đào tạo an toàn hàng hải thiết yếu và nâng cấp thiết bị an toàn trên tàu cá. Một chiến dịch truyền thông đại chúng cũng sẽ giúp nâng cao nhận thức và dự án sẽ hướng tới việc tạo ra các mô hình đội tàu đánh cá tuân thủ an toàn. Sáng kiến này dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho khoảng 16.000 ngư dân trên khắp các cộng đồng đánh bắt cá của Việt Nam.
Tại Kenya
Tại Kenya, Stella Maris đang giải quyết vấn đề an toàn cho ngư dân không chỉ ở các vùng ven biển mà còn cả những ngư dân ở ven các sông và hồ lớn. Các kỹ năng cứu sinh và chương trình đào tạo về an toàn là đối tượng truyền tải chính trong các chương trình hoạt động ở Kenya. Để giảm bớt một trong những rào cản chính trong việc cải thiện an toàn trên mặt nước, một chương trình thí điểm cho thuê áo phao cũng sẽ giúp khuyến khích người dân hình thành thói quen sử dụng chúng.
Tại Thái Lan
Stella Maris cũng đang phát triển một chương trình tại Thái Lan trong một chương trình nhằm đào tạo các biện pháp làm việc an toàn cho khoảng 2.300 ngư dân. Sáng kiến này tập trung vào việc giảm thương tích và tử vong bằng cách thúc đẩy việc xây dựng môi trường làm việc lành mạnh và an toàn trên tàu cá.
Tại Fiji
Tại đảo quốc Fiji ở phía Nam, Nhóm Nhân phẩm (Human Dignity Group) đang xây dựng chương trình đào tạo nhằm giúp những ngư dân địa phương trở thành những thủy thủ đoàn có chứng chỉ làm việc trên các tàu cá. Chương trình đào tạo chuyên nghiệp này nhằm mục đích cải thiện an toàn trên tàu cá, đồng thời thúc đẩy lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương. Bằng cách giảm thiểu tai nạn cho những người làm việc trên tàu, sáng kiến này hy vọng sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho ngư dân Fiji và gia đình của họ.
Từ một ý tưởng vào năm ngoái, IFFS đã trở thành hiện thực thông qua việc hỗ trợ các dự án an toàn trên biển trên phạm vi toàn cầu. Những sáng kiến này nhằm mục tiêu góp phần đảm bảo tính mạng của những ngư dân làm việc trên biển, đặc biệt là những ngư dân quy mô nhỏ - những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong ngành thủy sản. Xa hơn nữa, điều kiện làm việc an toàn hơn sẽ mang đến một nghề cá bền vững hơn. IFFS được thiết kế bởi ngư dân và dành cho ngư dân. Các dự án ban đầu của IFFS đã cho thấy tác động của các nỗ lực phối hợp toàn cầu nhằm tăng cường an toàn cho ngư dân và cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo tương lai an toàn hơn và bền vững hơn cho cộng đồng ngư dân mà tổ chức này hướng tới.
Hương Trà