Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Pháp đã phân tích mức độ đe dọa mà các loài cá biển phải đối mặt với tình trang tuyệt chủng. Kết quả nghiên cứu cho thấy số lượng các loài cá biển có nguy cơ tuyệt chủng cao gấp 5 lần so với ước tính trước đây.
Nghiên cứu được tiến hành bởi Nicolas Loiseau và Nicolas Mouquet đến từ Cơ quan Đa dạng sinh học biển, Khai thác và Bảo tồn (MARBEC) có trụ sở tại Montpellier (Pháp) cho một kết quả đáng quan tâm: 12,7% các loài cá biển đang bên bờ tuyệt chủng. Con số này cao gấp 5 lần so với ước tính mà Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đưa ra trước đây ở mức khiêm tốn là 2,5%.
Mặc dù IUCN đã công bố sách đỏ 150.000 loài bị đe dọa nhằm định hướng các nỗ lực bảo tồn những loài này trên toàn thế giới, song danh sách này vẫn còn một “điểm mù”, đó là có tới 38% các loài sinh vật biển đã bị bỏ qua, tương đương gần 5.000 loài cá không có tình trạng bảo tồn chính thức do thiếu dữ liệu cần thiết.
Để giải quyết tình trạng thiếu dữ liệu này, nhóm tác giả nghiên cứu đã đưa ra một chiến lược bằng cách sử dụng mô hình học máy với mạng nơ-ron nhân tạo, họ đã dự đoán được rủi ro tuyệt chủng mà các loài cá không được đề cập đến phải đối mặt. Các dữ liệu của 13.195 loài cá liên quan đến sự xuất hiện, đặc điểm sinh học, phân loại và mục đích sử dụng của con người đã giúp các mô hình học máy phát huy tác dụng. Qua phân tích cho thấy trong số 4.992 loài chưa được đánh giá, có tới 78,5% được phân loại Không bị đe dọa hoặc Bị đe dọa. Số lượng các loài được dự đoán là Bị đe dọa đã tăng gấp 5 lần (từ 334 loài lên 1.671 loài) và số lượng các loài Không bị đe dọa đã tăng 30% (từ 7.869 loài lên 10.451 loài).
Danh mục bị đe dọa của IUCN bao gồm các loài được liệt kê là Cực kỳ nguy cấp, Nguy cấp và Dễ bị tổn thương. Các loài được dự đoán nằm trong nhóm danh mục Bị đe dọa thường có một số đặc điểm tương đồng như: phạm vi địa lý hạn chế, kích thước cơ thể lớn và tốc độ tăng trưởng chậm. Nghiên cứu cũng tìm thấy mối tương quan mạnh mẽ giữa nguy cơ tuyệt chủng và môi trường sống nông của các loài có nguy cơ bị đe dọa.
Các nhà nghiên cứu đã xác định các khu vực địa lý quan trọng là nơi sinh sống của hầu hết các loài bị đe dọa được dự đoán, giúp xác định rõ các khu vực cần nỗ lực bảo tồn khẩn cấp để bảo vệ đa dạng sinh học và ngăn chặn sự suy giảm thêm của các loài. Các khu vực như Biển Đông, Biển Philippines và Biển Celebes, bờ biển phía tây của Úc và Bắc Mỹ là các “điểm nóng”, chứng tỏ đây là các khu vực cần được ưu tiên bảo tồn. Qua nghiên cứu này, đã có sự thay đổi đáng kể trong “thứ hạng ưu tiên bảo tồn” của IUCN, theo đó, các đảo Thái Bình Dương và các vùng cực cũng như khu vực lân cận vùng cực của Nam bán cầu cần được ưu tiên hơn khi đây là địa bàn sinh sống của nhiều loài cá mới được đánh giá lại về mức độ nguy cơ. Đặc biệt, khu vực Tam giác San hô cần phải được tiến hành nghiên cứu thêm do có rất ít thông tin và dữ liệu về các loài xuất hiện ở vùng nước này.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đây chỉ là sản phẩm của phân tích AI và không thể thay thế các đánh giá trực tiếp về các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, công nghệ này giúp đưa ra đánh giá đang tin cậy về mức độ rủi ro có thể dẫn tới khả năng tuyệt chủng của các loài mà chúng ta chưa thể tiếp cận một cách nhanh chóng, bao quát và tiết kiệm chi phí.
Từ kết quả này, nhóm nghiên cứu đề xuất kết hợp các tiến bộ trong dự báo rủi ro tuyệt chủng của các loài vào một chỉ số tổng hợp mới có tên là “tình trạng IUCN được dự đoán” bên cạnh chỉ số “tình trạng IUCN được đánh giá” hiện đang được áp dụng. Về bản chất, sự kết hợp độc đáo giữa AI và các phương pháp nghiên cứu truyền thống mang đến những hiểu biết có giá trị về tỷ lệ sống sót của sinh vật biển và khả năng tuyệt chủng của các loài cá, mặc dù những gì đã được khám phá mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Vẫn còn cả một đại dương dữ liệu cần chúng ta tiếp tục khám phá.
Với bước tiến đột phá về phân tích dữ liệu, con người đã có thêm nhiều hiểu biết sâu sắc và thiết thực hơn trong vấn đề nghiên cứu và bảo tồn, đặc biệt là bảo tồn biển. Trong suy nghĩ của con người từ xưa đến nay, “Rừng vàng – Biển bạc” vẫn luôn hiện hữu, biển luôn đầy ắp cá tôm. Tuy nhiên, biển có thực sự luôn đầy cá hay không? Có lẽ phải để tương lai trả lời cho câu hỏi đó. Chúng ta cần phải hiểu rõ tự nhiên để chung sống và bảo tồn nó một cách bền vững nếu muốn các thế hệ tương lai vẫn tiếp tục được hưởng lợi từ mẹ thiên nhiên.
Hương Trà