Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam là một trong những vùng nuôi trồng năng suất nhất trên thế giới, mỗi năm cung cấp 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 50% sản lượng lúa – một khối lượng không nhỏ nếu xét đến Việt Nam đang đứng thứ tư về sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn cầu và là nước sản xuất lúa gạo lớn thứ hai thế giới.
Người Việt Nam gọi vùng hạ lưu sông Mê Kông là Đồng bằng sông Cửu Long, nghĩa là “chín con rồng” theo chín cửa sông chính của nó. Sông Mê Kông được ví như sông Amazon của châu Á với độ dài 4.800 km, chảy qua các nước Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào và Campuchia, trước khi đổ vào Biển Đông qua vùng đồng bằng của Việt Nam.
Chỉ riêng tại Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm hơn 1,1 triệu ha diện tích mặt nước nuôi cá và tôm. Các mặt hàng xuất khẩu thủy sản chính bao gồm tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei), cá tra (Pangasianodon hypothalamus) và cá rô phi (Oreochromis niloticus). Năm 2022, ngành thủy sản Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu kỷ lục hơn 10 tỷ USD, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp 27% vào tổng sản phẩm quốc nội của cả nước.
Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều tốt đẹp. Đồng bằng sông Cửu Long đang dần bị biến đổi do khai thác nước ngầm, tình trạng quá tải dân số, ô nhiễm và biến đổi khí hậu. Nếu không được giải quyết, điều này không chỉ làm giảm đáng kể năng suất của Việt Nam mà còn đe dọa đến an ninh lương thực của quốc gia và khu vực. Xét cho cùng, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là vựa lúa của cả đất nước.
Đồng bằng sông Cửu Long đang chìm
Một trong những vấn đề lớn nhất mà dân nông và người nuôi thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt là mỗi năm, đồng bằng này đang ngày càng “chìm xuống” thấp hơn. Việc khai thác quá nhiều nước ngầm để tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản, phục vụ cho sản xuất công nghiệp và sử dụng trong gia đình đang gây ra tình trạng sụt lún đất nghiêm trọng.
Vùng đồng bằng châu thổ này còn bị tấn công từ cả hai phía. Các chuyên gia ước tính mỗi năm, tốc độ sụt lún của vùng đồng bằng châu thổ khoảng 4cm. Bên cạnh đó, mỗi năm nước biển dâng thêm 3mm khiến tình trạng ngập lụt của nó càng trở nên tồi tệ hơn. Để ngăn chặn hoặc ít nhất là làm chậm đáng kể tình trạng sụt lún này, cần phải có sự hợp tác của các bên để đưa ra các giải pháp thông minh, trong đó, chìa khóa để hạn chế sụt lún là giảm bớt khai thác nước ngầm và sử dụng các nguồn nước mặt nhiều hơn, chẳng hạn như thu hoạch nước mưa và tận dụng nguồn nước thải sinh hoạt, đồng thời sử dụng các phương pháp tưới tiêu hiệu quả trong canh tác nông nghiệp.
Đặc biệt, việc nuôi thủy sản cũng cần được xem xét lại ở một số khu vực. Các hệ thống nuôi tiên tiến như hệ thống nuôi thủy sản tuần hoàn (RAS) nên được khuyến khích áp dụng để tái sử dụng các nguồn tài nguyên quan trọng. Tuy nhiên, hạn chế của mô hình này là giá thành tương đối cao và khó có thể áp dụng đại trà trong thời gian ngắn, đặc biệt là đối với những hộ sản xuất quy mô nhỏ.
Đất đang biến mất
Cùng với sụt lún, một thách thức lớn khác đang đặt ra cho vùng đồng bằng châu thổ là tình trạng sạt lở do khai thác cát. Việc khai thác cát sông để phục vụ cho xây dựng và cải tạo đất đã làm cho lòng sông sâu hơn, dẫn đến tăng dòng chảy hạ lưu dẫn đến xói mòn bờ sông, kéo theo tình trạng sạt lở nghiêm trọng diễn ra tại vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Chỉ tính riêng từ năm 2018 đến năm 2020, 1.808 ngôi nhà - tương đương với 5 ngôi làng - đã chìm xuống sông Mê Kông. Tình trạng này vẫn còn tiếp diễn và có xu thế ngày càng trầm trọng hơn. Người nuôi thủy sản, đặc biệt là các hộ nuôi ven sông sẽ cần phải đầu tư ngày càng nhiều hơn để gia cố và sửa chữa đê ao nuôi thủy sản. Mặc dù trồng cây ngăn sạt lở là biện pháp hữu dụng được người dân thực hiện từ xa xưa, song biện pháp này dường như không được quan tâm đúng mức.
Xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng
Tại các vùng đồng bằng châu thổ thấp, trước đây, thủy triều dao động đã đưa nước biển vào sâu trong đất liền khoảng 20 - 30 km. Tuy nhiên, ngày nay, do tình trạng sụt lún và thay đổi lực dòng chảy của sông do khai thác cát, hiện nay nước biển đã ăn sâu vào đất liền tới 70km.
Do khai thác cát quá mức, lượng trầm tích ở lòng sông giảm khiến nước biển dễ dàng chảy ngược, đi sâu hơn vào đất liền. Ngoài ra, việc khai thác quá nhiều nước ngọt được lưu trữ trong các tầng chứa nước ngầm để lại những khoảng trống lớn, trở thành nơi chứa lý tưởng cho nước mặn khi xâm nhập sâu vào đất liền, đặc biệt là ở đồng bằng châu thổ và các vùng trũng khác gần biển. Tình trạng khô hạn kéo dài trong những tháng mùa hè do biến đổi khí hậu càng làm vấn đề thêm nghiêm trọng. Nó khiến áp lực của nước ngọt thấp hơn, làm cho việc đẩy nước mặn trở lại biển càng trở nên khó khăn. Theo ước tính hiện tại, sự xâm nhập của nước biển sẽ vượt quá 100 km vào đầu mùa khô, “làm mặn hóa” vùng đồng bằng châu thổ.
Điều này gây ra mối đe dọa nghiêm trọng không chỉ đối với những người nuôi các loài thủy sản nước ngọt như cá tra, cá chép và tôm nước ngọt, mà còn đối với các cánh đồng lúa vì độ mặn này khiến cho hầu hết các loại cây trồng bị chết. Một nghiên cứu gần đây của Viện Khoa học Tài nguyên Nước Việt Nam ước tính rằng mỗi năm vùng này mất khoàng 3 tỷ USD do sự xâm nhập của nước biển, trong đó thiệt hại lớn nhất đối với các ngành nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp (trồng lúa và trái cây).
Xây đập ngăn nước
Sự xâm nhập của nước biển và sụt lún đất còn gia tăng do việc xây dựng các con đập và các dự án cơ sở hạ tầng về nước trên khắp dòng Mê Kông. Một số phần của sông đã bị chặn để làm thủy điện. Tính đến đầu năm 2024, có 167 nhà máy điện đang sản xuất điện từ nguồn nước của sông Mê Kông.
Mặc dù thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo, nhưng chúng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống ở hạ lưu. Các đập thủy điện điều chỉnh dòng chảy của nước bằng cách lưu trữ nước trong các hồ nhân tạo lớn, khiến dòng chảy hạ lưu ước tính giảm 30%. Một trong những tác động đáng kể nhất là làm giảm trầm tích, ngăn cản sự di cư của cá và phá vỡ mô hình lũ lụt lâu đời đã định hình cuộc sống trong hàng thiên niên kỷ của cư dân ở hạ lưu sông. Việc ngăn nước ở thượng nguồn cũng làm giảm khả năng đẩy nước biển trở lại của sông, làm trầm trọng thêm tình trạng xâm nhập mặn, đồng thời làm giảm nguồn nước ngọt phục vụ cho trồng lúa và nuôi cá.
Các hộ sản xuất quy mô nhỏ bị bỏ ngỏ
Trong hầu hết các trường hợp, những người nông dân nhỏ thường bị lãng quên và không được đưa vào kế hoạch phát triển tổng thể và các dự án lớn của các đối tác nước ngoài. Các kế hoạch giải quyết các thách thức hiện tại ở đồng bằng sông Cửu Long cần đảm bảo mang tính bao trùm hơn. Tại mỗi địa phương, vấn đề về nông nghiệp địa phương đã được Chính phủ giải quyết tương đối hiệu quả thông qua các hiệp hội. Mỗi địa phương có một hoặc hai hiệp hội và hoạt động rất tích cực. Tuy nhiên, Chính phủ có thể làm tốt hơn nữa để đảm bảo rằng nhu cầu của những người nông dân quy mô nhỏ được đưa vào kế hoạch tổng thể của chính phủ.
Người sản xuất quy mô lớn nên chịu trách nhiệm nhiều hơn bởi họ sử dụng nhiều tài nguyên hơn và thường tạo ra ô nhiễm nhiều hơn. Tuy nhiên, nông dân quy mô nhỏ cũng cần phải chịu trách nhiệm cho những hoạt động của mình. Nếu không có sự hợp tác của địa phương, những người nông dân quy mô nhỏ sẽ không thể vượt qua những thách thức nghiêm trọng mà họ đang phải đối mặt.
Giải pháp cho những thách thức
Các giải pháp nhằm nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và sụt lún đất tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đang được nghiên cứu và phát triển. Mục tiêu của chúng nhằm đưa ra các biện pháp giảm thiểu và thích ứng với tình trạng mặn hóa như quản lý nước ngọt, áp dụng hệ thống nuôi trồng thủy canh tiết kiệm nước, xử lý và tái sử dụng nước thải và lưu trữ nước mưa trong các hồ chứa, chẳng hạn như ao cá dự phòng. Việc này đặc biệt hữu ích trong việc pha loãng nước biển do thủy triều đưa vào đất liền. Đây là một trong những giải pháp thiết thực và chi phí thấp song mang lại hiệu quả tốt.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ nông dân phát triển và sử dụng các giống chịu mặn trong nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp cũng là một giải pháp thiết thực trong bối cảnh hiện tại. Tại các khu vực bị xâm nhập mặn nặng, có thể điều chỉnh đối tượng nuôi thủy sản từ các loài phổ biến hiện nay như cá tra, cá rô phi hay tôm càng xanh sang các loài tôm biển khi độ mặn trong nước tăng lên. Việc phát triển các giống loài chịu được nước mặn như cá rô phi cũng đang được xem xét.
Đặc biệt, các hộ nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ ở vùng đồng bằng châu thổ có thể áp dụng phương pháp canh tác tích hợp kết hợp chăn nuôi trên cạn và nuôi thủy sản dưới nước và sản xuất nông nghiệp trên cùng một vùng đất tái sử dụng các dòng chất thải và giảm thiểu nguyên liệu đầu vào từ bên ngoài. Đây là phương pháp sản xuất lương thực bền vững hơn, có khả năng chống chọi tốt hơn với những tác động khó lường của biến đổi khí hậu. Một trong những mô hình tích hợp được áp dụng rộng rãi và lâu đời ở Việt Nam là mô hình Vườn – Ao – Chuồn (VAC) mà sau này được phát triển thành Vườn – Ao – Chuồng – Biogas (VACB) hay Vườn – Ao – Chuồng – Rừng (VACR), Vườn – Ao – Hồ đang phát triển khá mạnh tại nhiều địa phương.
Các mô hình này không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính nhờ tận dụng nguồn chất thải của loại hình sản xuất này làm nguyên liệu đầu vào hoặc thức ăn cho loại hình sản xuất khác, giúp cải thiện vấn đề phát thải ra môi trường mà còn giúp giảm chi phí sản xuất, đem lại thu nhập cao hơn cho người dân. Đặc biệt, VACB là giải pháp giúp khắc phục sự bất hợp lý trong quản lý phế thải, sử dụng hợp lý phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón để trả lại độ phì nhiêu cho đất. Xử lý an toàn chất thải động vật, tạo năng lượng tái sinh như cho ra nguồn chất đốt phục vụ sinh hoạt chống ô nhiễm môi trường và góp phần giảm phát thải, giảm hiệu ứng nhà kính gây biến đổi khí hậu. Các mô hình sản xuất kết hợp chăn nuôi và trồng trọt theo hướng tuần hoàn này đã giúp tận dụng phế-phụ phẩm sản xuất, từ đó giảm lượng phát thải gây ô nhiễm môi trường.
Bài học cho tương lai
Sụt lún, đất nhiễm mặn và ô nhiễm không chỉ xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long mà còn là tình trạng phổ biến ở các đồng bằng lớn như đồng bằng sông Irrawaddy của Myanmar, đồng bằng sông Chao Phraya của Thái Lan, hay đồng bằng sông Pampanga của Philippines. Do đó, người nuôi thủy sản và nông dân sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ cần phải cùng hợp tác với nhau để nâng cao vai trò và tiếng nói của mình trong các kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế địa phương và ở quy mô rộng hơn. Chỉ nhờ những hành động được lên kế hoạch và phối hợp tốt mới có thể ngăn chặn được phần lớn các vùng đồng bằng của khu vực này chìm sâu xuống biển.
Hương Trà