Cục Thủy sản: Tổ chức Hội nghị giao ban báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ tháng 8 và triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 9 năm 2023 (07-09-2023)

Ngày 06 tháng 9 năm 2023, Cục Thủy sản tổ chức Hội nghị giao ban báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ tháng 8 và triển khai kế hoạch công tác tháng 9 năm 2023. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến đến dự và chỉ đạo Hội nghị.
Cục Thủy sản: Tổ chức Hội nghị giao ban báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ tháng 8 và triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 9 năm 2023

Tham dự Hội nghị có ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản, ông Nhữ Văn Cẩn - Phó Cục trưởng Cục Thủy sản; đại diện lãnh đạo Cục Kiểm ngư; Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP); lãnh đạo đơn vị trực thuộc Cục Thủy sản và đại diện lãnh đạo một số đơn vị có liên quan,..

Phát biểu khai mạc Hội nghị Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã định hướng một số nội dung trong lĩnh vực quản lý về thủy sản. Đồng thời, cho biết sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản 8 tháng đầu năm 2023 có đà tăng nhưng không nhanh, tăng 1,9%. Về sản lượng không đáng lo ngại, nhưng quan ngại nhất là xuất khẩu thủy sản. Do vậy, cần có các giải pháp chủ động trong chỉ đạo, điều hành phát triển nuôi trồng, khai thác thủy sản hiệu quả, để xuất khẩu thủy sản đảm bảo tăng trưởng, đảm bảo nguồn nguyên liệu.

Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản đã trình bày báo cáo chung về kết quả thực hiện nhiệm vụ tháng 8 và kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 9 năm 2023. Ông cho biết, tổng sản lượng thủy sản tháng 8 năm 2023 ước đạt 837,4 nghìn tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2022; tổng sản lượng thủy sản 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt 5.930,9 nghìn tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 65,5% kế hoạch năm 2023, cụ thể:

Về khai thác thủy sản

Trong tháng 8, mặc dù bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 2 tại khu vực Bắc Biển Đông nhưng các tàu cá đã cơ bản tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chức năng, tránh vùng ảnh hưởng nguy hiểm của bão, hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển khác đảm bảo an toàn. Thời tiết trên biển cơ bản vẫn thuận lợi, hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển ổn định, khoảng 80% số lượng tàu cá thường xuyên hoạt động, số còn lại ngừng khai thác để sửa chữa tàu cá, thiếu lao động,..

Sản lượng khai thác tháng 8 năm 2023 ước đạt 351,6 nghìn tấn, giảm 0,5%; lũy kế 8 tháng đầu năm 2023 sản lượng ước đạt 2.634,1 nghìn tấn, tăng 0,3% so với cùng kỳ, trong đó, khai thác biển đạt 2.510,6 nghìn tấn, khai thác nội địa 123,5 nghìn tấn.

Kết quả chỉ đạo sản xuất: Bám sát, theo dõi tình hình hoạt động của tàu cá trên biển, thường xuyên cảnh báo đối với các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm ranh giới trên biển; hướng dẫn các địa phương thực hiện các chính sách trong lĩnh vực khai thác thủy sản; tổ chức kiểm tra trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực khai thác thuỷ sản tại các tỉnh: Quảng Ninh, Thái Bình, Quảng Ngãi, Bình Định theo kế hoạch. Đồng thời, tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT) để triển khai trong thực tế; kiểm tra thực hiện chống khai thác IUU tại các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh.

Nuôi trồng thủy sản

Tôm nước lợ: Tính đến ngày 15 tháng 8 năm 2023, diện tích thả nuôi tôm nước lợ khoảng 715 nghìn ha, tăng 0,9 % so với cùng kỳ năm 2022 (708,9 nghìn ha), trong đó, diện tích thả nuôi tôm sú là 645 nghìn ha, tăng 3,9% so với cùng kỳ 2022 (620,9 nghìn ha); diện tích thả nuôi tôm chân trắng là 70 nghìn ha, giảm 20,5% cùng kỳ 2022 (88 nghìn ha). Sản lượng sản xuất giống tôm nước lợ trong tháng 8 năm 2023 ước đạt 10 tỷ con, lũy kế đến hết tháng là 97,5 tỷ.

Cá tra: Diện tích cá tra thả nuôi ước đạt 3.860 ha, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong tháng 8 năm 2023, ước 1,91 tỷ con, lũy kế là 19,932 tỷ cá bột; cá giống ước đạt 133,7 triệu con, lũy kế là 1,395 tỷ con.

Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 8 năm 2023 ước đạt 485,8 nghìn tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ; lũy kế 8 tháng đầu năm 2023 sản lượng ước đạt 3.296,8 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ.

Trên thị trường tôm, giá tôm sú, tôm thẻ chân trắng thu mua tại ao ở một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đều tăng so với tháng 7 năm 2023, giá tăng ở tất cả các size tôm, trung bình 5-10 nghìn đồng/kg. Còn giá cá tra nguyên liệu loại 1 dao động trong khoảng 26.000-26.500 đồng/kg, giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Giá cá giống loại 30 con/kg giá 26.000-27.000 đồng/kg, giảm 15-18% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong bối cảnh khủng hoảng, lạm phát tại một số quốc gia nhập khẩu cá tra của Việt Nam và hàng tồn kho cá da trơn kích cỡ lớn của Hoa Kỳ tính đến ngày 1/7/2023 tăng khoảng 15% so với cùng kỳ. Đoàn thanh tra của cơ quan thanh tra và an toàn thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS) sang thanh tra đối với cá thuộc bộ Siluriformes (cá da trơn) của Việt Nam chế biến, xuất khẩu vào Hoa Kỳ từ ngày 07-22/8/2023 là những trở ngại đối với ngành hàng cá tra Việt Nam các tháng cuối năm.

Nhiệm vụ trọng tâm tháng 9 năm 2023, Cục Thủy sản sẽ tổ chức tập huấn về “Hướng dẫn quản lý chất lượng môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản cho các cơ sở nuôi” tại Phú Thọ; tổ chức lớp tập huấn về “Thẩm định, chứng nhận cơ sở nuôi trồng thủy sản đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm cho cán bộ quản lý địa phương” tại Thanh Hóa.

 Làm việc với Đoàn Thanh tra FSIS và kiểm tra, giám sát công tác triển khai thực hiện các đề án phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, đề án phát triển tổng thể ngành công nghiệp tôm Việt nam, Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm nước lợ đến năm 2025, đề án phát triển sản xuất và xuất khẩu tôm hùm, tôm càng xanh tại một số địa phương và các chương trình, dự án, nhiệm vụ khác.

Mặt khác, tiếp tục theo dõi sát diễn biến thời tiết và tình hình khai thác hải sản của ngư dân trên các vùng biển để kịp thời hỗ trợ ngư dân yên tâm sản xuất an toàn, hiệu quả; hoàn thiện và hướng dẫn các đơn vị triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử. Tổ chức các Đoàn kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật thủy sản tại Tiền Giang và Bến Tre; tổ chức các lớp tập huấn về ghi, nộp nhật ký khai thác và truy xuất nguồn gốc tại các địa phương theo kế hoạch. Bên cạnh đó, tham gia các Đoàn kiểm tra công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), thực hiện các khuyến nghị “Thẻ vàng” của Uỷ ban châu Âu (EC) tại các địa phương; tham gia cuộc họp Ủy ban Kỹ thuật và Tuân thủ của WCPFC; tiếp tục phối hợp với phía Trung Quốc chuẩn bị đàm phán về hợp tác nghề cá trong vịnh Bắc Bộ.

Tại Hội nghị giao ban, Ông Trần Đình Luân đánh giá về tình hình của ngành thủy sản 8 tháng đầu năm 2023, ông cho rằng, tăng trưởng vẫn đảm bảo, tuy nhiên điều đáng lo ngại là xuất khẩu thủy sản. Theo báo cáo của Cục Thủy sản, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 8 năm 2023 ước đạt 750 triệu USD, lũy kế 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt 5.682 tỷ USD, giảm 25,4% so với cùng kỳ 2022, đạt 56,8% kế hoạch năm 2023.

Ông Vũ Duyên Hải - Trưởng phòng Khai thác thủy sản, Cục Thủy sản cho biết, 8 tháng đầu năm 2023, tình hình khai thác chỉ ở mức cầm chừng do bị ảnh hưởng từ hiện tượng Elnino, tình trạng thiếu lao động diễn ra phổ biến nên chỉ khoảng 70 - 80% tàu cá hoạt động, còn lại không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Tuy vậy, sản lượng khai thác thủy sản vẫn đạt 2.634,1 nghìn tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2022. Đơn hàng thủy sản nói chung hiện đang giảm, nhưng đơn hàng hải sản khai thác đi Trung Quốc, Nhật Bản lại đang tăng, đặc biệt là sau sự cố vụ Nhật Bản xả thải từ nhà máy điện hạt nhân. Dự báo trong khoảng thời gian tới về nhu cầu thủy sản trên thị trường thế giới nói chung sẽ tăng.

Ông Ngô Thế Anh - Phó trưởng phòng, phụ trách phòng Nuôi trồng thủy sản, Cục Thủy sản cho biết, 8 tháng đầu năm 2023, điều kiện môi trường tương đối thuận lợi, nhưng vẫn có nhiều khó khăn, đặc biệt là giá thành sản xuất cao, trong khi giá bán giảm ảnh hưởng đến tâm lý của người sản xuất. Thời gian tới nhu cầu tiêu thụ thủy sản sẽ tốt lên, nhất là vào dịp Lễ Giáng sinh và năm mới sắp đến.

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng đưa ra dự báo, thị trường sẽ có xu hướng khả quan hơn trong các tháng cuối năm 2023: tháng 6, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt hơn 767 triệu USD, giảm 23,7% so với cùng kỳ năm ngoái; tháng 7 đạt 778 triệu USD, giảm 17,5%; tháng 8 ước đạt 846 triệu USD, vẫn giảm hơn 15%, nhưng đây là mức tăng trưởng âm thấp nhất trong 6 tháng qua và doanh số cao hơn hẳn so với những tháng trước, cho thấy xu hướng tăng lên, thị trường đang dần khả quan hơn.

 

Qua theo dõi lắng nghe các ý kiến từ các đơn vị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định, 8 tháng đầu năm 2023, ngành thủy sản đã đồng hành cùng các lĩnh vực khác góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng cao của ngành nông nghiệp nói riêng và GDP nói chung. Từ nay đến cuối năm 2023, Thứ trưởng chỉ đạo cần khẩn trương rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật như: Nghị định số 26, 42, 67 và Quyết định 48. Rà soát lại tất cả đề án đã được phê duyệt xem vướng mắc ở đâu, vướng ở khâu nào. Cần phân tích kỹ lưỡng đối tượng khai thác, cơ cấu khai thác, cái nào cần khuyến khích tăng, cái nào cần hạn chế. Gắn với vấn đề khai thác chính là IUU, phải tăng cường quản lý vùng tuyến, nhật ký khai thác, mất kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá, đồng thời cần có sự phối hợp thường xuyên giữa Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh cuối năm dự báo thị trường thủy sản sẽ có tín hiệu tốt do nhu cầu tăng. Trong nuôi trồng không chỉ tập trung vào nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá tra, mà cần đẩy mạnh những đối tượng có tiềm năng phát triển như cá mè, nhuyễn thể, rong biển, bào ngư…Ngoài ra, cần nâng cao sức cạnh tranh bằng cách xem lại cơ cấu giá thành, con giống, thức ăn, dinh dưỡng, hóa chất, khấu hao vật tư, chi phí nhân công…Bên cạnh đó, ngành thủy sản cũng cần quan tâm đến tính thực tiễn của các đề tài khoa học công nghệ, khuyến nông và liên kết chuỗi.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác