Ngành thủy sản Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn khi chi phí sản xuất gia tăng. Theo Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN), sự điều chỉnh này là kết quả của việc gia tăng chi phí nguyên liệu và vận hành hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp thủy sản, đây là một thách thức nghiêm trọng khi chi phí sản xuất tăng cao. Điện năng là yếu tố quan trọng để vận hành hệ thống quạt nước, máy sục khí oxy trong các ao nuôi, và hệ thống đông lạnh trong các nhà máy chế biến. Theo một số ước tính, chi phí điện năng có thể chiếm từ 30-40% tổng chi phí vận hành của các cơ sở nuôi trồng và chế biến thủy sản, mức tiêu thụ điện cho hệ thống lạnh cấp đông là lớn nhất, chiếm tới 70%. Với mức giá điện mới, chi phí sản xuất có thể tăng thêm từ 7-10%, tùy thuộc vào từng loại hình sản xuất và quy mô của doanh nghiệp.
Việc tăng giá điện không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu mà còn có tác động trực tiếp đến giá thành sản phẩm thủy sản trên thị trường nội địa. Các doanh nghiệp sản xuất buộc phải điều chỉnh giá bán để bù đắp chi phí điện năng, từ đó ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu dùng và sức mua trong nước. Trong tình hình hiện nay, khi sức tiêu thụ của người dân không quá mạnh, việc tăng giá sản phẩm sẽ gây thêm khó khăn cho cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng, đồng thời làm giảm cơ hội tiêu thụ sản phẩm thủy sản nội địa. Khi phải đối mặt với gánh nặng chi phí ngày càng cao, các doanh nghiệp có xu hướng cắt giảm đầu tư, gây suy giảm năng suất và chất lượng sản phẩm, ảnh hưởng đến uy tín trên thị trường quốc tế…
Giải pháp ứng phó với tình hình
Để giảm thiểu tác động của việc tăng giá điện, ngành thủy sản Việt Nam cần áp dụng nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và duy trì sức cạnh tranh trong dài hạn. Một trong những giải pháp bền vững nhất là chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió và sinh khối. Nghiên cứu từ Bộ Công Thương cho thấy, việc sử dụng năng lượng tái tạo có thể giảm từ 20-30% chi phí điện năng. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời trên mái nhà xưởng, giúp tiết kiệm chi phí vận hành và giảm sự phụ thuộc vào nguồn điện lưới.
Theo thông tin từ các cơ sở nuôi lắp đặt hệ thống điện mặt trời, việc sử dụng điện mặt trời có thể giúp giảm từ 40-50% điện năng tiêu thụ hàng tháng cho các hộ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, việc sử dụng điện mặt trời cũng trở thành một tiêu chí để được chứng nhận ASC, BAP (Aquaculture Stewardship Council - Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản), được khách hàng đánh giá cao về sản phẩm có sự quan tâm đến sử dụng năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường.
Từ năm 2017, Tập đoàn Sao Mai đã đi đầu trong việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái các nhà máy đông lạnh và chế biến thủy hải sản tại Đồng Tháp, với tổng công suất 1,06 MW. Khu vực này có trung bình khoảng 5 giờ nắng mỗi ngày và cường độ bức xạ đạt hơn 3.489 kcal/m²/ngày. Dự án này có tổng vốn đầu tư 2 triệu USD. Sau gần 4 năm hoạt động, hệ thống điện sạch đã giúp doanh nghiệp giảm 20% chi phí điện hàng năm, tương đương 417 triệu đồng mỗi tháng. Việc sử dụng năng lượng tái tạo còn giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các thị trường khó tính như Châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản, nơi ngày càng chú trọng đến tiêu chuẩn phát triển bền vững.
Công ty Minh Phú cũng đã áp dụng hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED tiết kiệm năng lượng, giúp giảm đáng kể lượng điện tiêu thụ và chi phí duy trì nhà xưởng. Tương tự, Caseamex – một doanh nghiệp chế biến thủy sản lớn tại Cần Thơ, đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời với công suất 1 MWp, giúp giảm lượng điện tiêu thụ từ lưới điện quốc gia. Ngoài ra, Minh Phú cũng đã đầu tư vào hệ thống cấp đông IQF siêu tốc, giảm thời gian cấp đông từ 14 phút xuống còn 5 phút và tiết kiệm 28% lượng điện tiêu thụ. Đây là một minh chứng rõ ràng cho việc áp dụng công nghệ hiện đại vào quy trình sản xuất để giảm chi phí năng lượng.
Một giải pháp hiệu quả trong việc tiết kiệm năng lượng cho ngành chế biến thủy sản là thu hồi nhiệt từ hệ thống làm lạnh để sản xuất nước nóng. Trong quy trình chế biến, nước nóng là yếu tố cần thiết cho các hoạt động vệ sinh, đặc biệt trong việc làm sạch dụng cụ và bề mặt chế biến. Thay vì sử dụng lò hơi hoặc điện, vốn tiêu tốn nhiều năng lượng, giải pháp này tận dụng lượng nhiệt dư thừa từ hệ thống làm lạnh – thường bị loại bỏ qua bình ngưng – để sản xuất nước nóng. Điều này giúp giảm đáng kể chi phí nhiên liệu và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong nhà máy. Các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh việc sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng trong toàn bộ quy trình sản xuất. Những giải pháp như sử dụng máy sục khí hiệu suất cao, điều chỉnh thời gian vận hành máy móc vào giờ thấp điểm, và tối ưu hóa quy trình sản xuất bằng công nghệ IoT và AI có thể giúp giảm thiểu đáng kể lượng điện tiêu thụ…
Định hướng phát triển bền vững cho tương lai
Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực như giảm thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo hoặc công nghệ tiết kiệm năng lượng. Các chương trình hỗ trợ tài chính như vay vốn ưu đãi cho các dự án năng lượng sạch sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với các giải pháp tiết kiệm năng lượng và duy trì sự ổn định sản xuất. Đào tạo nhân viên về các biện pháp tiết kiệm năng lượng và sử dụng điện hiệu quả là một trong những giải pháp đơn giản nhưng mang lại hiệu quả lớn. Theo báo cáo của Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA), việc nâng cao ý thức tiết kiệm điện trong sản xuất có thể giảm đến 10% lượng điện tiêu thụ mà không cần thay đổi lớn trong công nghệ.
Ngành thủy sản Việt Nam cần có cái nhìn dài hạn và tập trung vào các giải pháp phát triển bền vững. Việc xây dựng chuỗi giá trị sản xuất xanh và nâng cao năng suất thông qua đầu tư vào công nghệ là yếu tố then chốt giúp ngành thủy sản duy trì vị thế trên thị trường quốc tế. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh ngày càng gay gắt, các doanh nghiệp không thể chỉ trông chờ vào việc giảm giá điện hay các giải pháp tạm thời. Thay vào đó, cần có cái nhìn dài hạn và đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ xanh, bền vững nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và giảm thiểu tác động từ biến động kinh tế.
Bên cạnh việc đầu tư vào năng lượng tái tạo, nhiều doanh nghiệp thủy sản đang dần chuyển đổi mô hình sản xuất sang các sản phẩm giá trị gia tăng cao, ít phụ thuộc vào điện năng. Các sản phẩm chế biến sâu không chỉ giúp giảm áp lực về chi phí điện mà còn tạo ra giá trị cao hơn cho sản phẩm xuất khẩu. Điều này có thể giúp các doanh nghiệp thủy sản không chỉ duy trì được vị thế trên thị trường quốc tế mà còn mở rộng thị phần.
Tăng giá điện đã gây ra những tác động tiêu cực đến ngành thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên trong dài hạn, việc phát triển bền vững và ứng dụng công nghệ xanh sẽ là xu hướng tất yếu để ngành thủy sản Việt Nam duy trì sự phát triển và đối phó với các biến động thị trường.
Hải Đăng