Khánh Hòa thực hiện hiện đại hóa tàu cá khai thác xa bờ (05-08-2015)

Hoạt động khai thác thủy sản của tỉnh Khánh Hòa những năm gần đây đã có bước phát triển nhưng lại đang gặp phải khó khăn khi nguồn lợi thủy sản ven bờ bị cạn kiệt. Trong khi số tàu thuyền khai thác vùng ven bờ và vùng lộng khá lớn thì lượng tàu khai thác xa bờ còn ít, chủ yếu là tàu vỏ gỗ thô sơ... Điều này đang đe dọa đến sự phát triển bền vững của ngành khai thác thủy sản tỉnh. Việc hiện đại hóa đội tàu khai thác xa bờ không chỉ là yêu cầu bức thiết của ngư dân mà còn đối với ngành Thủy sản của tỉnh Khánh Hòa.
Khánh Hòa thực hiện hiện đại hóa tàu cá khai thác xa bờ
Tàu đóng bằng vỏ composit

Hiện nay, toàn tỉnh có 9.790 tàu thuyền. Trong đó, 5.516 chiếc công suất dưới 20CV, chủ yếu khai thác vùng ven bờ; hơn 3.000 tàu có công suất từ 20 đến dưới 90 CV, chủ yếu khai thác vùng lộng; chỉ hơn 1.200 tàu thuyền có công suất lớn hơn 90CV, khai thác xa bờ.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT Khánh Hòa, ngành khai thác thủy sản phải thay đổi ngư trường đánh bắt để giảm áp lực cho vùng lộng và ven bờ; cần hiện đại hóa máy móc thiết bị để nâng cao năng lực tàu thuyền, có thể vươn khơi khai thác hải sản hiệu quả hơn. Hiện nay, nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh đã đầu tư tàu có công suất lớn và chú trọng đến trang thiết bị công nghệ tiến bộ trong khai thác, hầm bảo quản và thiết bị hàng hải. Đây là tín hiệu tích cực...

Thực tế, từ những nỗ lực đầu tư của ngư dân cũng như sự hỗ trợ của ngành chức năng, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trên tàu cá tại Khánh Hòa đã đạt được một số kết quả bước đầu. Việc sử dụng các trang thiết bị khai thác phù hợp với từng nhóm nghề hiện đã được ngư dân chú trọng như: nghề lưới rê khơi, nghề vây khơi, các tàu đều trang bị 1 - 2 máy thu lưới, có tời, có cẩu để kéo lưới; nghề câu cá ngừ đại dương trang bị máy thu câu, cần câu, đèn cao áp. Mới đây, một số tàu còn ứng dụng công nghệ tiên tiến với máy thu câu công nghệ Nhật Bản và ứng dụng hệ thống đèn LED để tập trung cá... Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi khai thác ở vùng biển xa, phần lớn tàu khai thác xa bờ trên địa bàn tỉnh hiện đã trang bị các loại máy và thiết bị tiên tiến phục vụ hoạt động khai thác như: máy định vị, máy bộ đàm, ra đa, máy dò ngang, máy định dạng...

Hạn chế lớn nhất trong việc ứng dụng các trang thiết bị hiện đại trên tàu cá hiện nay chính là hầm bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Đội tàu khai thác của tỉnh chủ yếu là tàu vỏ gỗ, có hệ thống bảo quản thô sơ, lạc hậu nên ảnh hưởng lớn đến chất lượng và giá thành sản phẩm sau khai thác. Vì vậy, hiệu quả của các chuyến biển chưa cao. Hiện nay, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch lên đến 20 - 30%. Một số chủ tàu cá đã vay vốn nâng cấp hầm bảo quản bằng cách bơm form lót ván và phủ inox toàn bộ diện tích hầm để giữ độ lạnh, kéo dài thời gian bảo quản. Thời gian gần đây, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh đã phổ biến cho ngư dân tiếp cận, đầu tư công nghệ bảo quản hiện đại cho tàu cá, nhất là các tàu khai thác xa bờ. Thiết bị tiên tiến được phổ biến đến người dân là máy tạo băng lỏng, lấy trực tiếp nước biển để tạo băng lỏng bảo quản sản phẩm hải sản ở độ lạnh âm 4oC.

Có được con tàu khai thác thủy sản xa bờ với công suất lớn với đầy đủ trang thiết bị hiện đại là mơ ước của rất nhiều ngư dân. Tuy nhiên, đa số ngư dân đều khó khăn, nên việc đầu tư con tàu từ vài tỷ đến hơn chục tỷ đồng không phải ai cũng làm được. Vì vậy, ngư dân rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước thông qua các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển đội tàu hiện đại. Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản ra đời là cơ hội lớn cho ngư dân đầu tư những con tàu lớn với đầy đủ trang thiết bị tiên tiến, đủ sức vươn khơi xa. Tuy nhiên, số ngư dân tiếp cận được nguồn tín dụng này còn khiêm tốn.

Thời gian tới, bên cạnh việc vận dụng tối đa sự hỗ trợ của Trung ương và địa phương, để phát triển đội tàu khai thác những loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, Sở Nông nghiệp và PTNT cần tham mưu cho UBND tỉnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết hỗ trợ ngư dân trong khâu tiêu thụ sản phẩm, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật đánh bắt, bảo quản sản phẩm; đề xuất chính sách hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ lãi suất cho ngư dân đầu tư nâng cấp trang thiết bị, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên tàu cá...

Thảo Dương

Ý kiến bạn đọc

Tin khác