Những tồn tại và hạn chế trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào khai thác hải sản (21-10-2015)

Khai thác hải sản ở nước ta trong những năm qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển chung của ngành thủy sản. Tính đến năm 2015 cả nước có trên 128.000 tàu cá, trong đó tàu đánh bắt hải sản xa bờ (công suất > 90CV) khoảng 24.000 chiếc, sản lượng khai thác từ 1,65 triệu tấn (2005) tăng lên 2,6 triệu tấn (năm 2014) nhưng năng suất khai thác lại giảm từ 0,39 tấn/cv/năm xuống 0,24 tấn/cv/năm.
Những tồn tại và hạn chế trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào khai thác hải sản
Khu neo đậu tàu thuyền

Sản lượng và giá trị xuất khẩu sản phẩm thủy sản (cả nuôi trồng và khai thác) liên tục tăng từ 291,9 tấn tương ứng 1.478,1 triệu USD (năm 2000) lên 6,3 tấn tương ứng 7,9 triệu USD (năm 2014). Tuy nhiên, cùng với sự phát triển khai thác thủy sản còn phải đối diện với nhiều khóa khăn và thách thức như khai thác quá mức ở vùng biển ven bờ; đánh bắt trái phép; công nghệ khai thác (trang thiết bị, ngư cụ) thô sơ, lạc hậu; các nghề khai thác ảnh hưởng đến nguồn lợi vẫn còn tồn tại; năng suất khai thác thấp; hiệu quả kinh tế giảm chưa cao; …

Khai thác hải sản có được những thành tựu kể trên, ngoài sự chỉ đạo sát sao của các cơ quan quản lý nghề cá Trung Ương, các địa phương và sự nỗ lực của cộng đồng ngư dân còn phải kể đến những đóng góp không nhỏ của nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khai thác hải sản. Một số tiến bộ khoa học kỹ thuật đã, đang và có thể chuyển giao vào sản xuất, gồm: công nghệ lưới chụp mực, lưới rê hỗn hợp, công nghệ khai thác cá ngừ đại dương (câu vàng và câu tay), công nghệ khai thác cá ngừ giống, lưới vây đuôi, máy dọ ngang, mô hình dịch vụ hậu cần, ngư cụ chọn lọc, ánh sáng đèn ngầm,…

  Để thực hiện thành công đề án “Đề án tái cơ cấu ngành Thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” và các định hướng chiến lược khác của ngành cần thiết phải ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trên vào thực tế sản xuất.

   Các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực khai thác hải sản  do Viện Nghiên cứu Hải sản thực hiện hầu hết đã được ứng dụng vào thực tế sản xuất và góp phần không nhỏ trong việc nâng cao sản lượng khai thác hải sản của toàn ngành, góp phần đảm bảo ổn định kinh tế - xã hội của cộng đồng ngư dân ven biển và  thúc đẩy sự phát triển của ngành khai thác hải sản nói riêng và ngành thủy sản nói chung.

Tuy đã đạt được những thành tựu và kết quả đáng khích lệ như trên, nhưng khai thác hải sản và quản lý nghề cá đang phải đối mặt với nhiều thách thức, tiềm ẩn những yếu tố phát triển kém hiệu quả và bền vững, đó là: Các nghiên cứu thường được tiếp cận dưới các góc độ riêng lẻ, trong từng chu kỳ ngắn hạn và thường được thực hiện theo đơn đặt hàng của các cơ quan quản lý nhà nước nên chỉ giải quyết được những vấn đề trước mắt mà chưa có những nghiên cứu sâu và tập trung nhằm giải quyết một cách triệt để những vấn đề quan trọng và bức xúc của ngành.

Định hướng phát triển trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thăm dò và đánh bắt hải sản chưa thường xuyên và chưa sát với thực tế sản xuất.

Sự gắn kết khoa học công nghệ với thực tế sản xuất còn hạn chế. Các kết quả của các đề tài nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở khâu nghiên cứu mà ít có điều kiện ứng dụng vào thực tế sản xuất để kiểm chứng và so sánh đánh giá. Công tác chuyển giao công nghệ, nhân rộng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn chậm. Lực lượng cán bộ làm công tác nghiên cứu về lĩnh vực công nghệ khai thác thủy sản hiện nay còn thiếu và khá yếu về kinh nghiệm. Phương tiện và thiết bị nghiên cứu còn thiếu và chưa được đầu tư đồng bộ nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc triển khai các hoạt động nghiên cứu thử nghiệm trên biển dẫn đến kết quả nghiên cứu còn nhiều hạn chế.

Nguyên nhân được nhận định là do: Trình độ của ngư dân còn thấp, nên việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào trong khai thác hải sản gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn vốn đầu tư cho công nghệ mới hoặc chuyển đổi nghề trong lĩnh vực khai thác hải sản khá lớn nhưng sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước cho ngư dân còn hạn chế nên việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn gặp rất nhiều khó khăn. Ngành khai thác hải sản là ngành đặc thù, mọi nghiên cứu về công nghệ phải thực hiện trên biển do đó phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, mùa vụ khai thác, nguồn tài chính cung cấp cho hoạt động nghiên cứu khoa học thường chậm nên việc triển khai các đề tài nghiên cứu về công nghệ khai thác nhiều khi không vào mùa vụ đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả nghiên cứu. Cạnh đó, do việc đầu tư kinh phí cho nghiên cứu còn khá hạn hẹp nên nhiều công trình nghiên cứu phải cắt giảm số chuyến nghiên cứu thực nghiệm trên biển, số lượng mẫu điều tra trong quá trình hoạt động .... Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả nghiên cứu.

Đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu, kinh nghiệm công tác còn hạn chế, không có đội ngũ cán bộ mới bổ sung do đó không đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu đề ra. Cạnh đó, đo chế độ đãi ngộ với các bộ làm nghiên cứu khoa học còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu đời sống thực tế nên chưa thu hút được nhân tài có tâm huyết với công việc nghiên cứu.

Trang thiết bị thiếu và không đồng bộ, không đáp ứng đủ các yêu cầu cần thiết phục vụ quá trình nghiên cứu. Không có phòng thí nghiệm cũng như tàu nghiên cứu về công nghệ khai thác nên các kết quả nghiên cứu còn rất nhiều hạn chế.

Thu Hiền 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác