Tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong quý IV/2024, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc và Hồng Kông đạt 163 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường này trong năm 2024 đạt 581 triệu USD, tăng nhẹ 1% so với năm 2023.
Các sản phẩm fillet cá tra đông lạnh từ Việt Nam được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Riêng trong quý IV/2024, xuất khẩu dòng sản phẩm này sang Trung Quốc đạt hơn 100 triệu USD, tăng 62% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tính chung cả năm 2024, xuất khẩu fillet cá tra đông lạnh đạt 349 triệu USD, giảm 6% so với năm 2023 nhưng vẫn chiếm tới 60% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường này.
Cơ hội rộng mở tại thị trường Hoa Kỳ
Việc Hoa Kỳ thực thi phán quyết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc dỡ bỏ thuế chống bán phá giá đối với cá fillet xuất khẩu từ Việt Nam đang mở ra cơ hội lớn cho cá tra Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường này. Đây được xem là bước tiến quan trọng giúp tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai nước, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam và Hoa Kỳ vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Trong tháng 11/2024, xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng sang Mỹ đạt hơn 2 triệu USD, tăng 4.270% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 11 tháng năm 2024, xuất khẩu sản phẩm này sang Mỹ đạt hơn 12 triệu USD, tăng 2.182% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu kim ngạch cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Bên cạnh đó, việc gỡ bỏ thuế chống bán phá giá sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu cá tra giảm đáng kể chi phí khi tiếp cận thị trường Mỹ. Trước đây, mức thuế chống bán phá giá dao động từ 0,69 USD/kg đến 2,39 USD/kg khiến giá cá tra kém cạnh tranh so với các sản phẩm cá thịt trắng khác như cá tuyết và cá rô phi. Khi hàng rào thuế quan này được dỡ bỏ, cá tra Việt Nam sẽ có lợi thế hơn trong việc chinh phục thị trường đầy tiềm năng này. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại Mỹ đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt sau đại dịch COVID-19. Người tiêu dùng Mỹ ngày càng ưa chuộng các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc bền vững, giá thành hợp lý và dễ chế biến. Cá tra Việt Nam, với giá cả cạnh tranh và khả năng cung ứng ổn định, có thể tận dụng cơ hội này để gia tăng thị phần tại Mỹ. Một số tập đoàn bán lẻ lớn của Mỹ như Walmart, Costco và Whole Foods đã bắt đầu quan tâm hơn đến các sản phẩm cá tra đạt chứng nhận an toàn thực phẩm và bền vững như ASC, BAP, Global G.A.P. Dù có nhiều cơ hội, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cũng cần chú trọng đến các quy định nghiêm ngặt của Mỹ về truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch và tiêu chuẩn chất lượng. Việc đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều, đáp ứng tiêu chuẩn của FDA và USDA sẽ là yếu tố quyết định trong việc mở rộng thị phần tại quốc gia này.
Thách thức và cơ hội trên hành trình vươn ra thế giới
Trong vòng một thập kỷ qua, Trung Quốc và Mỹ liên tục thay phiên nhau giữ vị trí là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Năm 2017, Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua Mỹ để dẫn đầu về nhập khẩu mặt hàng này. Tuy nhiên, đến năm 2018, Mỹ nhanh chóng lấy lại vị thế khi giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 550 triệu USD, trong khi Trung Quốc ghi nhận con số 529 triệu USD. Từ năm 2019 đến nay, xuất khẩu cá tra sang Mỹ chịu nhiều tác động do thuế chống bán phá giá, khiến Trung Quốc giữ vững vị trí số một trong suốt 6 năm liên tiếp. Năm 2024, thị trường Trung Quốc đóng góp 29% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam.
Với việc Mỹ và Việt Nam vừa ký kết Thỏa thuận song phương về dỡ bỏ thuế chống bán phá giá đối với cá fillet xuất khẩu từ Việt Nam, câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có thể giành lại vị trí dẫn đầu trong năm 2025? Nếu chính sách này sớm có hiệu lực, xuất khẩu cá tra sang Mỹ hứa hẹn sẽ phục hồi mạnh mẽ, mở ra cơ hội lớn cho ngành thủy sản Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, ngành cá tra Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như: Cạnh tranh từ các loại cá thịt trắng khác; yêu cầu chất lượng và các chứng nhận quốc tế; chi phí vận chuyển và biến động tỉ giá; biến đổi khí hậu và chính sách thương mại của các thị trường nhập khẩu. Trên thị trường quốc tế, cá tra phải cạnh tranh với các sản phẩm cá thịt trắng khác như cá tuyết, cá rô phi và cá haddock. Các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản ngày càng có xu hướng đa dạng hóa nguồn cung, khiến cá tra không còn giữ được vị thế áp đảo như trước đây. Ngoài ra, Mỹ và EU ngày càng thắt chặt các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra phải đầu tư nhiều hơn vào công nghệ nuôi trồng, chế biến và kiểm soát chất lượng để đáp ứng các tiêu chuẩn GlobalG.A.P, ASC, BAP, HACCP… Bên cạnh đó, việc đồng USD tăng giá mạnh so với VND có thể giúp cá tra Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn tại thị trường Mỹ, nhưng đồng thời lại làm tăng chi phí nguyên liệu nhập khẩu. Ngoài ra, chi phí vận chuyển quốc tế vẫn ở mức cao, gây áp lực lên giá bán lẻ và lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu. Cá tra là loài nuôi chủ yếu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi đang chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu như hạn mặn, xâm nhập mặn và sạt lở. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến năng suất nuôi trồng mà còn làm gia tăng chi phí sản xuất. Các thị trường lớn như Trung Quốc và Mỹ có thể thay đổi chính sách nhập khẩu theo hướng bảo hộ cao hơn. Chính sách kiểm dịch thực phẩm và truy xuất nguồn gốc của Trung Quốc liên tục thay đổi, đòi hỏi doanh nghiệp phải thích ứng nhanh chóng để không bị gián đoạn thương mại.
Xuất khẩu cá tra Việt Nam đang có nhiều cơ hội bứt phá trong năm 2025, đặc biệt khi Mỹ dỡ bỏ thuế chống bán phá giá. Tuy nhiên, để tận dụng được tiềm năng này, ngành cá tra cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường và thích ứng với những yêu cầu ngày càng khắt khe từ các nước nhập khẩu. Chỉ khi đó, cá tra Việt Nam mới có thể duy trì vị thế cạnh tranh và tiếp tục tăng trưởng bền vững trên thị trường toàn cầu.
Hải Đăng