Nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường cộng hưởng với nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản tăng cao dịp cuối năm (08-11-2024)

Có thể nói đây là cơ hội bứt tốc cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản hoàn thành và vượt mục tiêu trong năm 2024 khi nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường như: lạm phát giảm các thị trường xuất khẩu lớn, tồn kho giảm mạnh, thuế chống trợ cấp sơ bộ đối với sản phẩm tôm mức thấp hơn so với đối thủ, giá nguyên liệu tăng cộng hưởng với nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản tăng cao vào thời điểm dịp Lễ, Tết cuối năm.
Nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường cộng hưởng với nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản tăng cao dịp cuối năm
Ảnh minh họa

Cuối năm là giai đoạn đặc biệt quan trọng với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam, khi nhu cầu nhập khẩu thủy sản trên thị trường quốc tế tăng cao nhằm đáp ứng dịp lễ, tết.

Đây là cơ hội để thủy sản Việt Nam tăng cường xuất khẩu và cải thiện kim ngạch thương mại, đồng thời cũng là thách thức khi đối mặt với những biến động khó lường của kinh tế thế giới và chi phí vận tải tăng cao.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), tháng 10/2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, lần đầu tiên sau 27 tháng (kể từ tháng 6/2022). Lũy kế tới cuối tháng 10/2024, xuất khẩu thủy sản đạt 8,27 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Sự tăng trưởng này phần nào cho thấy nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, và thích ứng với các tiêu chuẩn cao từ các thị trường khó tính.

Các thị trường xuất khẩu lớn của thủy sản Việt Nam đều ghi nhận mức tăng trưởng khả quan, trong đó:

Xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) bùng nổ với mức tăng 37%, khẳng định vị thế là thị trường lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong tháng. Các thị trường khác cũng không kém phần sôi động: Xuất khẩu sang Mỹ tăng 31%, Nhật Bản tăng 22%, EU tăng 27%, trong khi Hàn Quốc tăng khiêm tốn hơn với 13%.

Trong bối cảnh khó khăn, vẫn có những tín hiệu tích cực từ nhu cầu thị trường. Những tháng cuối năm là thời điểm các nhà nhập khẩu thủy sản gia tăng mua vào nhằm chuẩn bị nguồn hàng cho các dịp lễ hội lớn như Giáng sinh, Năm mới và Tết Nguyên đán ở nhiều quốc gia châu Á. Điều này tạo ra cơ hội cho thủy sản Việt Nam gia tăng lượng xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu thị trường trong các dịp lễ cuối năm.

Nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản

Các mặt hàng thủy sản chủ lực của Việt Nam như tôm, cá tra, cá ngừ, và mực được dự báo sẽ tăng mạnh, nhất là tại các thị trường lớn và có nhu cầu tiêu thụ thủy sản cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản và châu Âu. Việc cung cấp các sản phẩm chế biến sẵn và đạt tiêu chuẩn quốc tế giúp doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng nhu cầu cao cấp của các thị trường này, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng tiêu thụ thực phẩm lành mạnh và an toàn đang lên ngôi.

Mới đây, Trung Quốc tung ra gói kích thích kinh tế quy mô lớn, trong đó có giải pháp nới lỏng chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã quyết định giảm tỷ lệ dữ trữ bắt buộc 0,5%, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2020.

Một động lực khác của ngành thủy sản đến từ chính sách giảm lãi suất tại thị trường châu Âu và Mỹ. Mới đây, ngày 7/11 Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Theo đó, lãi suất tham chiếu của Mỹ về 4,5-4,75%, tức hạ 25 điểm cơ bản (0,25%). Mức này bằng một nửa so với đợt điều chỉnh hồi tháng 9 (0,5%).

Một tin vui cho ngành tôm Việt Nam là vào ngày 22/10/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố thuế chống trợ cấp sơ bộ (CVD) cho tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ và Việt Nam, trong đó, mức thuế suất cho tôm Việt Nam là 2,84%, thấp hơn đáng kể so với 4,36% của Ấn Độ và 7,55% của Ecuador. Đây là lợi thế cạnh tranh quan trọng cho tôm Việt Nam tại thị trường Mỹ

Dù còn nhiều thách thức, triển vọng tăng trưởng xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong các tháng cuối năm 2024 vẫn rất tích cực. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và các giải pháp đúng đắn, thủy sản Việt Nam có thể tận dụng tốt cơ hội từ nhu cầu tăng cao cuối năm, đồng thời củng cố vị thế trên thị trường quốc tế.

Mới đây, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại UAE, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện, hiệp định thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam với một nước Arab. Việc tăng cường hợp tác với khu vực Trung Đông cũng giúp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Halal, nơi có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm lớn và phân khúc thị trường cao cấp.

Các tháng cuối năm sẽ là giai đoạn then chốt để ngành thủy sản Việt Nam gia tăng kim ngạch xuất khẩu và xây dựng vị thế vững chắc trên thị trường quốc tế. Với nhu cầu tăng cao từ các thị trường lớn, cùng sự chuẩn bị của các doanh nghiệp và hỗ trợ từ chính sách, ngành thủy sản Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được những thành công lớn, góp phần phát triển bền vững và nâng cao giá trị thương hiệu thủy sản Việt trên trường quốc tế.

Có thể nói đây là cơ hội bứt tốc cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản hoàn thành và vượt mục tiêu trong năm 2024 khi nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường cộng hưởng với nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản tăng cao vào thời điểm dịp Lễ, Tết cuối năm.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác