Lạng Sơn: Cầu nối quan trọng trong giao thương nông, lâm, thủy sản Việt - Trung (06-12-2024)

Diễn đàn giao thương xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam - Trung Quốc vừa diễn ra sáng 3/12 tại tỉnh Lạng Sơn. Sự kiện do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ thương mại song phương giữa hai nước.
Lạng Sơn: Cầu nối quan trọng trong giao thương nông, lâm, thủy sản Việt - Trung
Ảnh minh họa

Đây không chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp, thương nhân trao đổi trực tiếp với các cơ quan quản lý mà còn mở ra những giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất nhập khẩu trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NN&PTNT) cho biết, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản quan trọng của Việt Nam.

Tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Trung Quốc chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn của Trung Quốc với thế giới và là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Trong tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc, sản phẩm nông, lâm, thủy sản chiếm một phần không nhỏ, đạt mức tăng trưởng đáng kể qua từng năm. Đến nay Trung Quốc công nhận 596 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc...

Theo thống kê, trong 11 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản giữa hai nước đạt 16 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, các mặt hàng như rau quả, gỗ, sản phẩm gỗ và thủy sản ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, lần lượt tăng 28,7%, 22,3% và 23,2%. Điển hình, sầu riêng – sản phẩm vốn được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc – đã đạt kim ngạch nhập khẩu tới 403.000 tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự hiện diện của các sản phẩm Việt Nam tại Trung Quốc không chỉ dừng lại ở các mặt hàng truyền thống. Ông Châu Binh, Tuần thị viên cấp 2 tại thành phố Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây, cho biết trái cây Việt Nam, đặc biệt là thanh long, mít, và sầu riêng, đang được người tiêu dùng Trung Quốc đón nhận nồng nhiệt. Không chỉ vậy, các sản phẩm chế biến như bánh đậu xanh, kẹo dừa, và hạt điều cũng xuất hiện ngày càng nhiều tại các siêu thị lớn như ở thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Triết Giang.

Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng này, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe theo Luật An toàn thực phẩm và Luật Kiểm dịch động thực vật của Trung Quốc. Điều này không chỉ đòi hỏi sự đầu tư bài bản về cơ sở vật chất, nhà xưởng mà còn cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong việc cấp mã số vùng trồng và chứng nhận sản phẩm.

Thúc đẩy kết nối giao thương

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, ông Lương Trọng Quỳnh, khẳng định diễn đàn là cơ hội vàng để các địa phương, doanh nghiệp trong nước và phía Trung Quốc tăng cường hợp tác, quảng bá sản phẩm, và tìm kiếm đối tác kinh doanh. Với vị trí địa lý thuận lợi, Lạng Sơn từ lâu đã là cửa ngõ quan trọng trong hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Đây là sự kiện quan trọng giúp các nhà quản lý, hoạch định chính sách, doanh nghiệp, thương nhân, hiệp hội ngành hàng cả hai nước có cơ hội được cung cấp, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối hợp tác doanh nghiệp, nhận diện được khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ; đồng thời đề xuất giải pháp bền vững nhằm thúc đẩy quảng bá, tăng cường tiêu thụ hàng thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc và ngược lại.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam thông tin, thực hiện tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, hai bên đã nhất trí áp dụng các biện pháp thiết thực nhằm “thúc đẩy xuất, nhập khẩu nhiều hơn nữa các sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng cao của cả hai nước”. Đây là kết quả của nỗ lực không ngừng trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia.

Bổ sung thêm, ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn, cho biết từ đầu năm 2024 đến nay hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn diễn ra thông suốt và rất sôi động. Nông sản, trái cây xuất khẩu luôn được tạo điều kiện, điều tiết kịp thời vào các bến bãi, không xảy ra hiện tượng ùn ứ, ảnh hưởng tới hàng hóa và doanh nghiệp...

Để đạt được mục tiêu này, Bộ NN&PTNT đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Một trong số đó là việc chủ động đàm phán mở cửa thị trường cho các sản phẩm mới, bổ sung vùng trồng và doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu đồng thời duy trì phát triển thị trường nông, lâm, thủy sản giữa hai nước bảo đảm chất lượng và bền vững. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng tăng cường tổ chức chuỗi sản xuất gắn với vùng chuyên canh và liên kết với các doanh nghiệp chế biến, nhằm xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn xuất khẩu.

Hướng tới phát triển bền vững

Thị trường Trung Quốc với dân số khổng lồ và nhu cầu tiêu dùng đa dạng luôn là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả cơ hội này, các doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ.

Một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay là phát triển các chuỗi giá trị bền vững trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, việc xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm một cách bài bản là yếu tố sống còn để các mặt hàng Việt Nam có thể cạnh tranh với các sản phẩm từ các quốc gia khác tại thị trường Trung Quốc. Đồng thời, sự phối hợp giữa Nhà nước, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp sẽ là chìa khóa để tận dụng tối đa nguồn lực, từ đó nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Trong năm 2025 và các năm tiếp theo, các cơ quan chức năng Việt Nam cam kết tiếp tục đẩy mạnh đàm phán mở cửa thị trường cho các sản phẩm mới, đặc biệt là các mặt hàng thuộc nhóm chăn nuôi gia súc, gia cầm – một lợi thế lớn của các tỉnh biên giới. Việc này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương phát triển theo hướng bền vững, chất lượng và hiệu quả.

Diễn đàn giao thương tại Lạng Sơn không chỉ là sự kiện mang tính biểu tượng cho sự hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc mà còn là bước đệm quan trọng để hai quốc gia tiến xa hơn trong lĩnh vực thương mại nông, lâm, thủy sản. Với sự quyết tâm từ cả hai phía, hy vọng rằng những rào cản còn tồn tại sẽ sớm được tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm Việt Nam không ngừng khẳng định vị thế tại thị trường quốc tế.

Từ Lạng Sơn – cửa ngõ của hợp tác và kết nối, ngành nông, lâm, thủy sản Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để tiếp tục vươn xa, đáp ứng kỳ vọng của cả hai bên trong mối quan hệ thương mại chiến lược toàn diện này.

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc

Tin khác