Chương trình kiểm soát thủy sản xuất khẩu sang EU (02-01-2024)

Cuối tháng 12/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành “Chương trình kiểm soát ATTP thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang thị trường Liên minh Châu Âu (EU)”. Chương trình có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày 21/12/2023.
Chương trình kiểm soát thủy sản xuất khẩu sang EU
Ảnh minh họa

Chương trình kiểm soát ATTP này đã hệ thống hoá các yêu cầu và hoạt động kiểm soát của cơ quan thẩm quyền Việt Nam về điều kiện bảo đảm ATTP đối với các cơ sở tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang EU; đồng thời hệ thống hoá hoạt động đăng ký, thẩm định, chứng nhận ATTP cho các lô hàng thủy sản và sản phẩm thủy sản dùng làm thực phẩm xuất khẩu sang thị trường EU.

Về đối tượng áp dụng, có 03 nhóm sau:

Một là, các tổ chức, cá nhân (sau đây gọi chung là cơ sở) tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh thủy sản và sản phẩm thủy sản dùng làm thực phẩm xuất khẩu sang thị trường EU, bao gồm: cơ sở nuôi, tàu cá, cảng cá, cơ sở sản xuất nước đá phục vụ bảo quản thủy sản, cơ sở thu mua, chợ đầu mối thuỷ sản, cơ sở sơ chế cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm cho chế biến, cơ sở chế biến, kho lạnh độc lập bảo quản thủy sản và sản phẩm thủy sản, thương nhân thương mại (không có hoạt động chế biến) đứng tên là chủ hàng xuất khẩu. Hai là, các cơ quan kiểm soát về điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh thủy sản và sản phẩm thủy sản; thẩm định và chứng nhận ATTP cho lô hàng thủy sản và sản phẩm thủy sản dùng làm thực phẩm xuất khẩu sang thị trường EU. Ba là, cơ sở kiểm nghiệm thực hiện phân tích, kiểm nghiệm đối với thủy sản và sản phẩm thủy sản dùng làm thực phẩm phục vụ cho hoạt động chứng nhận ATTP xuất khẩu sang thị trường EU.

Cơ quan thẩm định gồm có:

(1) Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ quản lý về ATTP thuỷ sản chịu trách nhiệm thẩm định điều kiện bảo đảm ATTP đối với: công đoạn nuôi, thu hoạch; khai thác, bảo quản trên tàu, bốc dỡ tại cảng cá; công đoạn thu mua, sơ chế, bảo quản, vận chuyển thủy sản để chế biến xuất khẩu vào thị trường EU.

(2) Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường và các đơn vị trực thuộc: (2.1) Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường và các Chi cục trực thuộc Cục thực hiện việc thẩm định điều kiện bảo đảm ATTP cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu vào EU. (2.2) Các Trung tâm vùng thuộc Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thực hiện thẩm định và chứng nhận ATTP (chứng thư) cho các lô hàng thủy sản và sản phẩm thủy sản dùng làm thực phẩm xuất khẩu sang thị trường EU; giám sát việc tuân thủ các yêu cầu về bảo đảm ATTP trong toàn bộ quá trình thu mua, vận chuyển, sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm trước khi xuất khẩu của cơ sở thuộc địa bàn phân công phụ trách.

KIỂM SOÁT NUÔI, THU HOẠCH

Chương trình này đã đề cập thông tin chi tiết việc kiểm soát ATTP thủy sản xuất khẩu sang EU tại các công đoạn nuôi, thu hoạch . Hướng dẫn việc sử dụng giống thủy sản; thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; hóa chất, thuốc thú y... cho các cơ sở nuôi cung cấp nguyên liệu cho chế biến - xuất khẩu sang thị trường EU.

Các cơ sở nuôi phải đảm bảo lưu giữ tài liệu, hồ sơ, thông tin liên quan đến quá trình nuôi (gồm: giống thủy sản, thức ăn, thuốc thú y thủy sản và sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản dùng trong quá trình nuôi trồng thủy sản, thời điểm và sản lượng thu hoạch, nơi xuất bán theo quy định về truy xuất nguồn gốc).

Cơ sở nuôi thủy sản phải được thẩm định, chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP hoặc đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý ATTP ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về ATTP (BRC), Chứng nhận hệ thống ATTP (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực hoặc đã thực hiện ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và được kiểm tra việc thực hiện các nội dung đã cam kết.

“Chương trình kiểm soát ATTP thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang EU” cũng hướng dẫn việc kiểm soát tại vùng thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ, nuôi lưu, cơ sở làm sạch nhuyễn thể dùng làm nguyên liệu và cơ sở chế biến nhuyễn thể để xuất khẩu sang EU.

KIỂM SOÁT KHAI THÁC, BẢO QUẢN, BỐC DỠ

Cụ thể là: Kiểm soát điều kiện ATTP đối với tàu cá cung cấp nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu vào thị trường EU; Kiểm soát điều kiện ATTP đối với cảng cá bốc dỡ thủy sản dùng làm nguyên liệu cho chế biến để xuất khẩu vào thị trường EU; Kiểm soát đối với cơ sở nước đá phục vụ bảo quản thủy sản.  

Tàu cá cấp đông, tàu chế biến, tàu bảo quản lạnh cung cấp nguyên liệu chế biến xuất khẩu vào EU có nhu cầu tham gia Chương trình này gửi đề nghị Cơ quan kiểm soát tại các tỉnh, thành phố để thực hiện: (i) Thẩm định, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện bảo đảm ATTP. (ii) Đánh giá việc đáp ứng theo quy định của EU theo Biểu mẫu ban hành kèm theo Phụ lục II của Chương trình này. Việc đánh giá có sự tham gia của kiểm tra viên của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường theo địa bàn quản lý. (iii) Tổng hợp danh sách tàu (tên chủ tàu, địa chỉ tiếng Việt, tiếng Anh, số đăng ký) đáp ứng đầy đủ Quy định EU, kèm theo Biên bản đánh giá gửi Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường để đề nghị EU phê duyệt.

KIỂM SOÁT THU MUA, SƠ CHẾ THỦY SẢN

Chương trình kiểm soát ATTP thủy sản đã hướng dẫn cho các cơ sở thu mua, chợ đầu mối thuỷ sản, cơ sở sơ chế thuỷ sản. Theo đó, các cơ sở thu mua, chợ đầu mối thuỷ sản, cơ sở sơ chế thủy sản cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm cho chế biến, xuất khẩu vào thị trường EU có nhu cầu tham gia Chương trình này gửi đề nghị Cơ quan thẩm định tỉnh, thành phố trên địa bàn để thực hiện:

(i) Thẩm định, chứng nhận, đánh giá định kỳ; trừ các cơ sở được cấp một trong các giấy chứng nhận sau: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý ATTP ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về ATTP (BRC), Chứng nhận hệ thống ATTP (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.

(ii) Đánh giá việc đáp ứng theo quy định của EU theo Biểu mẫu ban hành kèm theo Phụ lục II của Chương trình này. Việc đánh giá có sự tham gia của kiểm tra viên Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường theo địa bàn quản lý.

(iii) Tổng hợp danh sách cơ sở đáp ứng đầy đủ Quy định EU, gồm: tên cơ sở, địa chỉ tiếng Việt, tiếng Anh, thông tin kết quả đánh giá và hồ sơ khắc phục (nếu có); kèm theo Biên bản đánh giá gửi Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường ghi mã số phục vụ quản lý theo Phụ lục III ban hành kèm theo Chương trình này và đề nghị EU phê duyệt đưa vào danh sách.

BẢO QUẢN, VẬN CHUYỂN, CHẾ BIẾN

Cơ sở thu mua, chợ đầu mối thuỷ sản, cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản xuất khẩu vào thị trường EU có trách nhiệm kiểm tra và giám sát quá trình bảo quản, vận chuyển thuỷ sản. Kiểm tra viên của Cơ quan thẩm định, chứng nhận ATTP thực hiện thẩm tra điều kiện bảo đảm ATTP quá trình vận chuyển bảo quản thuỷ sản khi thẩm định lô hàng đăng ký xuất khẩu vào EU hoặc giám sát sau thẩm định, chứng nhận đối với các cơ sở (nếu cần thiết).

Cơ quan thẩm định thực hiện thẩm định, chứng nhận ATTP lô hàng thuỷ sản xuất khẩu vào EU; thực hiện giám sát việc duy trì điều kiện ATTP trong quá trình chế biến xuất khẩu thủy sản lô hàng đồng thời với hoạt động thẩm định, chứng nhận ATTP hoặc thực hiện đồng thời với hoạt động giám sát sau thẩm định, chứng nhận.

Nội dung giám sát: Xem xét nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu, điều kiện đảm bảo ATTP trong quá trình sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến, vận chuyển nguyên liệu; Xem xét hồ sơ thực hiện và quan sát trực tiếp việc tuân thủ các yêu cầu đã được quy định tại kế hoạch HACCP, SSOP và GMP; Xem xét tính đầy đủ và phù hợp hồ sơ lô hàng nguyên liệu khai thác đáp ứng quy định chống khai thác IUU; Xem xét hồ sơ giám sát sản xuất của các lô hàng đã được cơ sở xuất khẩu vào EU trước đó; Tính tuân thủ trong thực hiện về truy xuất nguồn gốc và thu hồi, xử lý sản phẩm không đảm bảo an toàn; Xem xét, đánh giá việc khắc phục sai lỗi (bao gồm việc truy xuất nguồn gốc); Lựa chọn lấy mẫu (đối với nguyên liệu/ bán thành phẩm/ thành phẩm) nhằm thẩm tra hiệu quả kiểm soát mối nguy ATTP.

KHO LẠNH

Kho lạnh cung cấp dịch vụ bảo quản thuỷ sản và sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu vào EU có nhu cầu tham gia Chương trình này gửi đề nghị Cơ quan thẩm định tỉnh, thành phố trên địa bàn để thực hiện:

(i) Thẩm định, chứng nhận, đánh giá định kỳ (trừ các kho lạnh đã được cấp một trong các giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý ATTP ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về ATTP (BRC), Chứng nhận hệ thống ATTP (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực).

(ii)  Đánh giá việc đáp ứng theo quy định của EU theo Biểu mẫu ban hành kèm theo Phụ lục II của Chương trình này.

(iii) Tổng hợp danh sách kho lạnh (tên, địa chỉ tiếng Việt, tiếng Anh) đáp ứng đầy đủ quy định EU, kèm theo Biên bản đánh giá gửi Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường để cấp mã số theo hướng dẫn tại Phụ lục III ban hành kèm theo Chương trình này và đề nghị EU phê duyệt.

EU PHÊ DUYỆT

Định kỳ hàng tháng hoặc ngay khi có cơ sở thuộc trường hợp phải đưa ra danh sách theo quy định, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường có trách nhiệm cập nhật thông tin đối với Danh sách gửi Cơ quan thẩm quyền EU phê duyệt.

Năm trường hợp bị đưa ra khỏi Danh sách được EU phê duyệt: (1) Cơ sở có văn bản đề nghị rút tên khỏi danh sách được EU phê duyệt. (2) Cơ sở không tiếp tục đáp ứng tiêu chí tham gia Chương trình chứng nhận thủy sản xuất khẩu (hoặc Cơ quan thẩm quyền EU đề nghị đưa tên ra khỏi Danh sách cơ sở được phép xuất khẩu vào EU). (3) Cơ sở không khắc phục sai lỗi theo thời hạn đã cam kết trong Biên bản thẩm định và/hoặc biên bản giám sát điều kiện bảo đảm ATTP. (4) Cơ sở chế biến có lô hàng bị Cơ quan thẩm quyền EU cảnh báo hoặc Cơ quan thẩm quyền Việt Nam phát hiện dư lượng hóa chất, kháng sinh, vi sinh vật gây bệnh nhưng không thực hiện báo cáo kết quả điều tra, truy xuất nguồn gốc, thiết lập và thực hiện biện pháp khắc phục, phòng ngừa theo thời hạn yêu cầu của cơ quan thẩm quyền hoặc quá thời hạn báo cáo mà không thông báo lý do. (5) Cơ sở ngừng sản xuất và không được cơ quan kiểm soát thẩm định đánh giá định kỳ điều kiện ATTP.

Thông tin chi tiết: Xem tại https://tongcucthuysan.gov.vn/vi-vn/

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác